17:13 25/02/2009

Chủ tịch công ty cũng phải chuyên nghiệp

Chủ tịch công ty, theo cách hiểu khá phổ biến lâu nay, đồng nghĩa với “ông chủ” và là người sáng lập ra doanh nghiệp

Minh họa: Khều.
Minh họa: Khều.
Trong nội bộ doanh nghiệp, chủ tịch công ty (chủ tịch hội đồng quản trị với công ty cổ phần; chủ tịch hội đồng thành viên với công ty TNHH…) đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, guồng máy của doanh nghiệp sẽ hoạt động không hiệu quả, thậm chí rối loạn nếu vai trò ấy bị hiểu sai, hiểu nhầm và dẫn đến hành xử không đúng.

Chủ tịch công ty, theo cách hiểu khá phổ biến lâu nay, đồng nghĩa với “ông chủ” và là người sáng lập ra doanh nghiệp. Chính vì thế, ở nhiều doanh nghiệp, sáng lập viên nào có số vốn sở hữu cao nhất thì nghiễm nhiên trở thành chủ tịch.

Theo một nghiên cứu về quản trị doanh nghiệp của ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), ở các công ty cổ phần hiện nay rất nhiều trường hợp chủ tịch hội đồng quản trị kiêm luôn vị trí giám đốc điều hành và là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Ngoài ra, đa số thành viên hội đồng quản trị là những cổ đông lớn, chưa có sự tách biệt rõ giữa chủ sở hữu và người quản lý. Theo ông Cung, đối với công ty cổ phần, điều này có những ưu điểm nhất định nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn về mặt quản trị khi quyền lực công ty tập trung vào tay một hoặc một số cổ đông.

Đó là nguy cơ lạm dụng quyền lực, thiên về điều hành hơn là quản lý chiến lược, giám sát không tương ứng với quyền lực… Chưa kể, việc chọn vị trí chủ tịch công ty dựa trên yếu tố vốn sở hữu còn có thể dẫn đến rủi ro chọn nhầm người không có năng lực, phẩm chất, từ đó gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho công ty.

Theo ông Giản Tư Trung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Doanh nhân PACE, không chỉ việc chọn lựa ai làm chủ tịch công ty mà việc xác định chủ tịch công ty phải làm những công việc gì cho đúng với vị trí của mình sau khi được lựa chọn cũng là vấn đề không kém phần quan trọng.

Ông Trung cho rằng một hiện tượng đang xảy ra khá phổ biến là sự nhầm lẫn giữa vai trò của chủ tịch với vai trò của giám đốc điều hành. Có nơi lúng túng không biết chủ tịch làm gì và giám đốc làm gì nên công việc cứ giẫm chân lên nhau. Có nơi, chủ tịch làm thay công việc của giám đốc điều hành, kể cả công việc của giám đốc tài chính, giám đốc nhân sự. Có trường hợp giám đốc muốn chi vài trăm ngàn đồng cũng phải xin chủ tịch hội đồng quản trị duyệt.

Giới kinh doanh gần đây cũng đồn đại về trường hợp một tổng giám đốc sau ba tháng đầu quân cho một công ty khá nổi tiếng ở Tp.HCM đã phải… xin rút lui mặc dù mức lương rất hấp dẫn.

Vị tổng giám đốc buộc phải xin nghỉ việc vì ông không thể phát huy hết năng lực của mình trong một bộ máy mà chủ tịch hội đồng quản trị thì chỉ đạo một đằng, vợ của chủ tịch với chức vụ phó tổng giám đốc lại yêu cầu một nẻo.

Nhưng hiện tượng bị lấn sân, thiếu thực quyền không chỉ với các giám đốc mà gần đây còn xảy ra với cả chức danh chủ tịch công ty. Có không ít trường hợp một người được mời giữ chức chủ tịch của năm, bảy công ty, tuy nhiên họ chỉ mang danh cho có hình thức, còn quyền hành lại nằm trong tay một số nhân vật đứng đằng sau.

Theo ông Trung, cả hai trường hợp: chủ tịch công ty có quá nhiều quyền, thậm chí can thiệp, làm thay công việc của giám đốc, và ngược lại không có thực quyền, đều không tốt cho doanh nghiệp. “Một bộ máy hoạt động hiệu quả phải là một bộ máy trong đó mỗi bộ phận làm đúng và làm tròn phận sự, chức trách của mình”, ông Trung nói.

Vậy, chủ tịch công ty thực chất là ai, họ đảm nhiệm sứ mệnh gì ở doanh nghiệp?

Theo ông Trung, để trở thành chủ tịch công ty, tiêu chí hàng đầu là phải có năng lực, phẩm chất, cả về chuyên môn lẫn đạo đức, vì nếu thiếu những điều kiện này thì họ sẽ không thể cùng với hội đồng quản trị hoặc hội đồng thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao cho dù họ có tỷ lệ vốn sở hữu cao bao nhiêu trong công ty.

Vì vậy, chủ tịch công ty không nhất thiết phải có nhiều vốn mà có thể chỉ chiếm một tỷ lệ vốn nhỏ trong công ty hoặc thậm chí có thể là người bên ngoài được thuê về làm nếu họ thực sự “chuyên nghiệp”, hay nói cách khác, hội đủ điều kiện về năng lực, phẩm chất.

“Chẳng hạn như trường hợp ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, được Ngân hàng Á Châu mời về làm chủ tịch hội đồng quản trị là một ví dụ”, ông Trung dẫn chứng.

Cũng theo ông Giản Tư Trung, chủ tịch công ty có hai nhiệm vụ chủ yếu. Một là quản trị và bảo vệ thể chế của doanh nghiệp, trong đó rường cột chính là điều lệ. Hay nói một cách cụ thể, công việc của chủ tịch cùng với hội đồng quản trị (hoặc hội đồng thành viên) là xác lập, hoàn thiện điều lệ của doanh nghiệp và làm cho tất cả mọi người phải tuân theo và trung thành với điều lệ ấy.

Ví dụ, điều lệ đã quy định chức năng, nhiệm vụ của hội đồng quản trị, ban kiểm soát, giám đốc... thì các bộ phận đó phải thực hiện đúng như vậy, nếu sai sẽ bị “thổi còi”.

Nhiệm vụ tiếp theo của chủ tịch là quản trị tư tưởng, tức hệ giá trị của doanh nghiệp. Hệ giá trị rõ nhất của một công ty nằm ở văn hóa của doanh nghiệp đó.

Ông Trung lấy ví dụ về trường hợp một tập đoàn nước ngoài khá lớn muốn đầu tư, mở rộng thị trường tại châu Phi. Để nhập khẩu thiết bị vào thị trường này công ty phải có khoản tiền lót tay khoảng 500.000 Đô la Mỹ và nếu nhập được thì khả năng thành công là rất lớn. Thế nhưng, quy chế của tập đoàn lại cấm mọi hành vi hối lộ trong kinh doanh, đầu tư. Vì vấn đề liên quan đến quy chế nên tổng giám đốc đã phải xin phép hội đồng quản trị. Sau khi xem xét, chủ tịch và hội đồng quản trị không chấp nhận tiến hành thương vụ nói trên.

“Trong trường hợp này, chủ tịch và hội đồng quản trị đã thực hiện rất đúng chức trách của mình, đó là bảo vệ văn hóa kinh doanh không hối lộ mà doanh nghiệp đã xác lập, xây dựng. Điều này vô cùng quan trọng vì nếu hội đồng quản trị không ra tay, hành vi vi phạm pháp luật rất có thể bị phát hiện, khi đó doanh nghiệp sẽ phải trả giá đắt, thậm chí sụp đổ”, ông Trung nói.

Ngoài hai chức năng trên, chủ tịch công ty còn phải thực hiện một số công việc khác, trong đó công việc không kém phần quan trọng là quyết định chiến lược của công ty.

“Nhiều người vẫn tranh cãi không biết chiến lược công ty do ai làm và ai quyết định. Theo tôi, người đề xuất chiến lược nhất thiết phải là giám đốc điều hành vì nhiệm vụ của họ là lãnh đạo, lèo lái công ty. Còn việc có chấp nhận chiến lược đó hay không mới là công việc của hội đồng quản trị hay hội đồng thành viên. Giám đốc điều hành cùng với toàn bộ phòng, ban, nhân viên công ty là người thực hiện chiến lược”, ông Trung giải thích.

Nguyên Tấn (TBKTSG)