11:52 14/03/2024

Chủ tịch PVN muốn huy động hơn 250 nghìn tỷ đồng từ vốn tín dụng

Tùng Thư

Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đưa ra 3 đề nghị, trong đó có việc huy động khoảng 250,3 ngàn tỷ đồng từ tín dụng...

Dự nợ toàn tập đoàn PVN hiện nay khoảng 240 ngàn tỷ đồng.
Dự nợ toàn tập đoàn PVN hiện nay khoảng 240 ngàn tỷ đồng.

Sáng 14/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì "Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô". 

Tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch PVN, đưa ra 3 đề xuất với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Thứ nhất, PVN mong muốn nhà điều hành duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ổn định. Theo ông Hùng, cơ cấu tài sản và cơ cấu nợ của PVN toàn tập đoàn khoảng 240 ngàn tỷ đồng.

Nếu tăng 1% lãi suất, chi phí vốn của PVN sẽ tăng lên khoảng 2.400 tỷ/năm. Chính vì vậy, việc cơ cấu lại vốn trong các dự án của PVN rất quan trọng, giúp tập đoàn giảm chi phí vốn bình quân, cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, PVN có kế hoạch huy động khoảng 250,3 ngàn tỷ từ tín dụng cho đầu tư phát triển. Với độ nhạy của lãi suất lên chi phí sử dụng vốn như vậy thì PVN mong Chính phủ giữ môi trường lãi suất ổn định..

Thứ hai, PVN đề xuất các ngân hàng trong nước, nhất là 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước có thể mở rộng hạn mức tín dụng cho các dự án lớn, doanh nghiệp lớn.

“Các dự án của PVN có quy mô rất lớn nên giá trị khoản vay cũng lớn. Ví dụ dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn, quy mô vay khoảng 5 tỷ USD... Do đó, nếu Chính phủ có chính sách nâng hạn mức cho vay để các doanh nghiệp lớn, dự án lớn có thể sử dụng nguồn vốn trong nước thì rất tốt”, ông Hùng nói.

Thứ ba, PVN kiến nghị Ngân hàng Nhà nước ổn định tỷ giá. Hiện nay, dư nợ ngoại tệ của PVN là 38 ngàn tỷ đồng, tương đương 1,55 tỷ USD. Do đó, biến động và rủi ro tỷ giá cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

Tại hội nghị, Chủ tịch PVN cũng chia sẻ khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua khi mà tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam liên tục tăng cao và là một trong những nước có tỷ lệ này cao nhất thế giới.

Lãnh đạo PVN cho biết những nỗ lực trong điều hành chính sách tiền tệ đã giúp ổn định tỷ giá, lãi suất và kiểm soát lạm phát… hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, biến động như hiện nay.