Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng: Báo chí phải liên tục đổi mới dựa trên công nghệ
Chiều 5/10, TSKH. Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), đã có buổi làm việc với Tạp chí Kinh tế Việt Nam...
Tham dự buổi làm việc, phía VUSTA còn có: PGS TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Quyết Chiến, Tổng thư ký VUSTA cùng các thành viên ban chuyên trách của Liên hiệp hội. Về phía Tạp chí Kinh tế Việt Nam, tham dự buổi làm việc có Tổng biên tập Chử Văn Lâm, cùng các cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Tạp chí Kinh tế Việt Nam.
Tại buổi làm việc, báo cáo với Chủ tịch Phan Xuân Dũng về quá trình chuyển đổi của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Tổng biên tập Chử Văn Lâm cho biết: Thời báo Kinh tế Việt Nam đã trải qua gần 2 năm chuyển đổi và nay trở thành Tạp chí Kinh tế Việt Nam. Với mô hình tòa soạn hợp nhất, Tạp chí Kinh tế Việt Nam xác định vai trò là cầu nối giữa chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ và doanh nghiệp. Bên cạnh việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy cũng là cầu nối phản hồi thông tin từ phía doanh nghiệp.
“Trải qua quá trình chuyển đổi, vượt qua những khó khăn, chúng tôi đã chuyển hướng để thích ứng với tình hình mới. Để làm vậy, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đã cố gắng đi tìm cái riêng. Trước xu thế chuyển đổi số, phát triển kinh tế số hiện nay, với thế mạnh của một Tạp chí chuyên sâu về kinh tế hàng đầu ở Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực hướng vào nền kinh tế số, với mục tiêu mong muốn hình thành một cổng kết nối hay nói cách khác là một trung tâm thông tin, để tất cả những ai quan tâm đến nền kinh tế Việt Nam, cả ở trong nước lẫn quốc tế, đều ưu tiên tìm đến với Tạp chí”, Tổng biên tập nhấn mạnh.
Cũng theo Tổng Biên tập Chử Văn Lâm, tòa soạn hợp nhất Tạp chí Kinh tế Việt Nam hiện có các ấn phẩm in và điện tử.
Ấn phẩm in gồm: Tạp chí Kinh tế Việt Nam (ấn phẩm tiếng Việt, phát hành hàng tuần), Vietnam Economics Times (ấn phẩm tiếng Anh, phát hành hàng tháng), Niên giám Kinh tế Việt Nam và Thế giới (ấn phẩm tiếng Việt, phát hành hàng năm). Ngoài ra, Tạp chí cũng có nhiều ấn phẩm phát hành vào các dịp đặc biệt như: Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Liên hoan các thương hiệu mạnh Việt Nam được tổ chức thường niên, Liên hoan các doanh nghiệp Rồng Vàng được tổ chức thường niên….
Ấn phẩm điện tử gồm: VnEconomy (tạp chí điện tử tiếng Việt) và hiện đã có thêm phiên bản tiếng Anh cùng hơn 100 ngôn ngữ khác ứng dụng công nghệ dịch thuật trí tuệ nhân tạo.
“Đặc điểm của Tạp chí Kinh tế Việt Nam là tổ chức toà soạn hợp nhất, quy tụ tất cả sức mạnh của các ấn phẩm, tạo ra một sức mạnh tổng hợp”, Tổng biên tập cho biết.
Ngoài các ấn phẩm, Tạp chí Kinh tế Việt Nam cũng chủ trì tổ chức nhiều sự kiện thường niên lớn và uy tín như: Vietnam Connect - phối hợp với Bộ Ngoại giao; Liên hoan Thương hiệu mạnh; Diễn đàn Bất động sản Thường niên… Kể từ khi chuyển đổi đến nay, Tạp chí Kinh tế Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh tổ chức các sự kiện hàng tháng cùng các tọa đàm hàng tuần nhằm cung cấp thông tin và phân tích đa chiều về những sự kiện kinh tế, xã hội nổi bật.
Đánh giá cao những thành tựu của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng thư ký VUSTA, chia sẻ 3 ấn tượng lớn với Tạp chí, đó là: Tổ chức lâu đời, Sản phẩm chất lượng và Thương hiệu uy tín. Ông Chiến khẳng định, để đạt được những thành quả này, bên cạnh công sức to lớn của đội ngũ lãnh đạo, nhà báo và cán bộ, nhân viên của Tạp chí còn có có vai trò không nhỏ của cơ quan chủ quản là Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cũng như VUSTA.
Phát biểu tại buổi làm việc, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA, nhấn mạnh: Tạp chí Kinh tế Việt Nam, trước đây là Thời báo Kinh tế Việt Nam, với truyền thống 30 năm, đã luôn hoàn thành xuất sắc các sứ mệnh được giao.
“Những thành quả đó cho thấy Tạp chí Kinh tế Việt Nam là một cơ quan báo chí rất đáng tự hào. Điều đáng tự hào đó được làm nên nhờ công lao của những lãnh đạo gạo cội, các nhà báo lão làng cùng tập thể cán bộ, nhân viên đoàn kết, hết lòng vì tờ báo”, Chủ tịch ghi nhận. “Chính những con người này đã tạo nên những bài viết giá trị của Tạp chí, tạo nên tài sản quý giá và khác biệt, mà không phải cơ quan báo chí nào cũng có. Họ đã làm nên thương hiệu và uy tín của tờ báo, đưa Tạp chí trở thành ấn phẩm trên bàn làm việc của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.
Ghi nhận và biểu dương tinh thần đổi mới không ngừng của Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch VUSTA nêu rõ 3 bài học mà Tạp chí có thể rút ra để tiếp tục phát huy trong chặng đường phát triển mới.
Thứ nhất là, luôn xác định Tạp chí là một cơ quan ngôn luận của VUSTA và Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, và không tách rời với hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam, luôn bám sát đường lối, chủ trương của cơ quan chủ quản cũng như của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Thứ hai là, luôn chăm lo, bồi đắp và ngày càng củng cố đội ngũ nhân sự, trong đó có đội ngũ cộng tác viên là các nhà khoa học.
Thứ ba là, liên tục đổi mới phương thức và cách thức hoạt động dựa trên khoa học và công nghệ. Chủ tịch cho biết báo chí đang thay đổi cực kỳ nhanh chóng, do đó, nếu không tận dụng công nghệ thì các cơ quan báo chí sẽ sớm bị tụt hậu.
Chủ tịch VUSTA bày tỏ sự tin tưởng rằng Tạp chí Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố là một thương hiệu uy tín và tiếp tục là nguồn thông tin quan trọng của đội ngũ trí thức với 2,2 triệu người của VUSTA.
Cũng tại buổi làm việc, trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí Kinh tế Việt Nam về vai trò của báo chí trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như cuộc các mạng công nghiệp 4.0, PGS TS Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch VUSTA, khẳng định: Báo chí, cũng như các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội đều không thể tách rời khỏi nền kinh tế số.
“Do đó, nếu Tạp chí Kinh tế Việt Nam cũng như các cơ quan báo chí khác thuộc VUSTA kịp thời bắt nhịp thì chúng ta sẽ góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng kinh tế, chính trị và xã hội nói chung”, ông Thao nhấn mạnh.