09:57 13/06/2022

Viêm gan bí ẩn ở trẻ: Siêu kháng nguyên Covid-19 hay virus adeno?

Hoài Phương

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 700 ca nhiễm viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em đã được ghi nhận. Ngoài ra, 112 trường hợp nghi ngờ đang chờ xác minh…

Sau hơn hai tháng bùng phát làn sóng viêm gan bí ẩn, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục ghi nhận ca bệnh gia tăng. Số ca viêm gan bí ẩn được ghi nhận tại Anh và Mỹ đã vượt mốc 200. Ít nhất 34 quốc gia trên toàn cầu phát hiện ca mắc. 

Tại Vương quốc Anh, Cơ quan An ninh Y tế (UKHSA) ngày 10/6 cho hay sau khi làm việc với Cơ quan Y tế Công cộng Scotland, Cơ quan Y tế Công cộng Wales, họ xác định được thêm 18 trẻ mắc viêm gan bí ẩn. Con số này nâng tổng bệnh nhân ở Vương Quốc Anh tính đến ngày 7/6 là 240 trường hợp. Trong đó, 170 trẻ tại Anh. Không trẻ em nào thiệt mạng.

Các cuộc điều tra vẫn bám sát giả thuyết virus adeno 41F là nghi phạm gây ra tình trạng viêm gan hàng loạt chưa rõ nguyên nhân. Tiến sĩ Sophia Makki, Giám đốc Sự cố tại UKHSA, khẳng định: “Phụ huynh nên duy trì các biện pháp vệ sinh thông thường, rửa sạch tay đúng cách, hạn chế tụ tập đông người để giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả virus adeno”. Các nghiên cứu bổ sung về miễn dịch, tiền sử mắc bệnh nhiễm trùng khác cũng đang được tiến hành. Kết quả sơ bộ sẽ được cơ quan y tế Anh công bố vào ngày 16/6.

Các cuộc điều tra vẫn bám sát giả thuyết virus adeno 41F là nghi phạm gây ra tình trạng viêm gan hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.
Các cuộc điều tra vẫn bám sát giả thuyết virus adeno 41F là nghi phạm gây ra tình trạng viêm gan hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.

Trong khi đó, thông tin mới nhất đăng tải trên tập san chuyên san gan mật của tạp chí y học danh tiếng Lancet (The Lancet Gastroenterology and Hepatology) cho rằng bệnh có thể liên quan tới siêu kháng nguyên Corona virus. Các nhà khoa học cho rằng những ca viêm gan cấp tính ở trẻ em gần đây có thể là hậu quả của nhiễm Covid-19 đã tạo ra một ổ chứa virus trong đường ruột, tiếp đó nhiễm virus adeno.

Sau khi nhiễm Covid-19, ổ chứa virus có thể dẫn tới kích hoạt tế bào miễn dịch trung gian siêu kháng nguyên lặp lại, chẳng hạn như Hội chứng Viêm đa hệ thống (MIS-C) - di chứng hậu Covid-19 nghiêm trọng ở trẻ. Nếu xuất hiện ổ chứa virus và sau đó trẻ lại bị nhiễm adenovirus (AdV), tác động qua trung gian của siêu kháng nguyên này có thể nghiêm trọng hơn và có thể dẫn tới những bất thường ở miễn dịch như đã ghi nhận ở các ca viêm gan cấp tính gần đây.

Ngoài ra, Israel gần đây cũng ghi nhận 11/12 trẻ nhiễm viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân đã từng nhiễm Covid-19 trong vòng 1 năm nay, theo tờ Jerusalem Post. Các chuyên gia y tế Israel cũng cho truyền thông biết rằng, sau khi loại trừ tất cả các khả năng, mẫu số chung của tất cả các ca viêm gan bí ẩn này là đã từng mắc Covid-19 khoảng 3 tháng rưỡi trước khi viêm gan khởi phát. Một số trường hợp nhiễm Corona virus trước đây đã được biết tới là có thể gây tổn hại gan, có nghĩa rằng những trường hợp viêm gan không rõ nguyên nhân này có thể là một trong những triệu chứng lâu dài của Covid-19, các chuyên gia này nhấn mạnh.

Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) hồi tháng 4 cũng từng bày tỏ hoài nghi: "Chúng tôi cũng đang khám phá xem liệu sự gia tăng tính nhạy cảm do giảm phơi nhiễm trong đại dịch Covid-19 có đóng vai trò nào hay không". Nhiều chuyên gia cho rằng 2 năm giảm phơi nhiễm các bệnh thông thường do các biện pháp phòng ngừa Covid-19 đã làm cho khả năng miễn dịch của mỗi người suy yếu, làm cho xã hội dễ tổn thương hơn. Điển hình là trẻ em - những người đã bỏ lỡ cơ hội có được kháng thể chống các virus thông thường từ trong bụng mẹ hoặc thông qua giao tiếp xã hội trong những năm đầu đời.

Một số nghiên cứu lại thiên về giả thuyết bệnh có thể liên quan tới siêu kháng nguyên Corona virus.
Một số nghiên cứu lại thiên về giả thuyết bệnh có thể liên quan tới siêu kháng nguyên Corona virus.

Hiện tại, WHO vẫn đưa ra giả thuyết căn bệnh này là do virus adeno, loại 41F. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, mặc dù chưa có báo cáo về tình trạng lây nhiễm trong các cơ sở y tế, nhưng không loại trừ khả năng bệnh này có khả năng lây từ người sang người do có một số ca bệnh được ghi nhận có tiếp xúc gần với trường hợp đã được báo cáo trước đó.

Triệu chứng của bệnh thường là đau bụng, tiêu chảy hoặc nôn, vàng da, vàng mắt. WHO khuyến nghị các quốc gia trên thế giới theo dõi bất kỳ ca tiềm ẩn nào và báo cáo ngay về những trường hợp nghi mắc, tích cực điều tra nguồn gốc của bệnh. Theo định nghĩa của WHO, các ca mắc viêm gan bí ẩn được xác định là trẻ từ 16 tuổi trở xuống, bị viêm gan cấp tính không do viêm gan siêu vi với huyết thanh >500 IU/L (AST hoặc ALT). Thời gian mắc bệnh từ ngày 1/10/2021 đến nay. Nếu các trường hợp đang chờ xét nghiệm huyết thanh viêm gan A-E nhưng đáp ứng những tiêu chí khác sẽ được phân loại vào nhóm “đang chờ xác minh”.

Bệnh do adenovirus lưu hành rộng rãi trên toàn thế giới. Ở vùng ôn đới, bệnh xảy ra trong suốt năm, nhưng tần số mắc cao hơn vào mùa xuân. Nghiên cứu cho thấy đã có các dịch sốt viêm họng - kết mạc do adeno virus trong mùa hè liên quan đến bể bơi xảy ra ở nhiều nơi. Ở Việt Nam, bệnh do adeno virus lưu hành rộng rãi ở nhiều nơi trong cả nước. Bệnh thường xảy ra tản phát trong suốt năm, có năm xảy ra dịch và tần số mắc bệnh thường tập trung vào những tháng xuân - hè nên rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus khác vào mùa xuân hoặc với bệnh sốt dengue vào đầu mùa hè khi bệnh không có thể viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ) nổi trội.

 

Bệnh viêm gan bí ẩn cũng đã xuất hiện tại một số nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia và Singapore. Tính đến ngày 2/6/2022, Bộ Y tế Indonesia đã công bố tổng số 24 trường hợp, trong đó có 7 trường hợp phù hợp với định nghĩa trường hợp bệnh nghi ngờ của WHO và 17 trường hợp đang chờ phân loại. Còn Singapore phát hiện trường hợp nghi ngờ đầu tiên là một trẻ 10 tháng tuổi vào ngày 30/4/2022, sau đó hồi cứu lại từ ngày 1/10/2021 (theo định nghĩa trường hợp bệnh nghi ngờ của WHO) và phát hiện thêm 2 người bệnh nữa cần được theo dõi và điều tra.