Nguy cơ bùng dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á
Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp trên địa bàn TP.HCM nói riêng và các tỉnh, thành phố phía Nam khi số ca mắc liên tục tăng cao. Các quốc gia khác trên thế giới cũng đang cảnh báo, từ nay đến cuối năm có thể xảy ra dịch lớn nếu không có giải pháp ngăn chặn…
Châu Mỹ và châu Á hiện được coi là 2 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong làn sóng sốt xuất huyết năm 2022, dẫn đầu về số ca là Brazil, Peru, Việt Nam, Indonesia và Colombia. Báo cáo tình hình sốt xuất huyết 5 tháng đầu năm của Tổ chức Y tế toàn châu Mỹ của WHO (PAHO) ghi nhận 1.238.528 ca, trong đó có 426 người tử vong; cao nhất là Brazil (1.114.758 ca), Peru (45.816 ca), Colombia (21.576 ca), Nicaragua (12.171 ca) và Ecuador (8.449 ca).
Số liệu được công bố bởi Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cũng cho thấy châu Á là một điểm nóng khác, tập trung ở khu vực Đông Nam Á. "Các ca bệnh chắc chắn đang tăng nhanh hơn. Đây là một giai đoạn tối khẩn cấp mà chúng tôi phải giải quyết," đài CNN trích lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Singapore Desmond Tan phát biểu ngày 7/6 vừa qua. Chỉ có 5,7 triệu dân nhưng số ca sốt xuất huyết năm 2022 của Singapore đã hơn 11.000, vượt xa con số 5.258 của cả năm 2021. Đó mới chỉ là thống kê trước ngày 1/6, trước khi mùa sốt xuất huyết cao điểm thực sự bắt đầu.
Theo CNN, các chuyên gia khẳng định sốt xuất huyết bùng phát tồi tệ hơn ở Singapore là do thời tiết khắc nghiệt gần đây. Đó cũng chính là lời cảnh báo trước cho những gì sẽ xảy ra ở phần còn lại của thế giới khi ngày càng có nhiều quốc gia trải qua những đợt nắng nóng kéo dài và mưa giông, đẩy mạnh sự tăng trưởng và lây lan cả virus lẫn vật chủ trung gian là muỗi.
Báo cáo tính đến ngày 31/3 của Indonesia ghi nhận 22.331 trường hợp; Malaysia 13.651 trường hợp, tính đến ngày 7/5. Số ca bệnh ở các nước này và của toàn khu vực vẫn tiếp tục tăng kể từ khi báo cáo đến nay. Còn tại Campuchia, TS. Leang Rithea, Giám đốc Chương trình Sốt xuất huyết Quốc gia, Bộ Y tế Campuchia ngày 7/6 cho biết, tính từ đầu năm đến nay, Campuchia đã ghi nhận 1.125 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 625 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Năm 2021, nước này chỉ có 500 trường hợp mắc và không ghi nhận bất cứ trường hợp tử vong nào.
Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế cho thấy đã có hơn 43.600 ca mắc và 22 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Trong văn bản gửi Viện trưởng các Viện: Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Pasteur TP.HCM; Pasteur Nha Trang và Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên về việc tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống sốt xuất huyết, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho hay theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 43.628 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 22 trường hợp tử vong tại TP.HCM (6), Bình Dương (5), Tây Ninh (3), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1), Long An (1), Bình Phước (1).
So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp. Trong đó, số mắc và tử vong tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam. Bộ Y tế cảnh báo hiện là cao điểm mùa dịch, số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, dự báo số ca mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo ý kiến của các chuyên gia dịch tễ, cứ 4 - 5 năm thì sốt xuất huyết Dengue lại bùng lên thành dịch 1 lần. Đợt dịch sốt xuất huyết lớn nhất tại TP.HCM gần đây là vào năm 2019 và có tới 65.000 ca nhiễm. Theo chu kỳ thì năm 2022 sốt xuất huyết có thể lại gây ra trận dịch lớn, đỉnh dịch rơi vào tuần thứ 25 - 26 của năm (khoảng tháng 6 - 7).
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM lý giải, trong 2 năm qua cộng đồng không có miễn dịch. Ngoài ra, do tập trung chống dịch Covid-19, người dân và các cấp chính quyền có sự lơ là với phòng chống sốt xuất huyết. BS. Khanh cảnh báo, bệnh cũng đang có khuynh hướng chuyển dịch tỷ lệ mắc từ trẻ em sang người lớn, trẻ lớn. Trong đó, tỷ lệ người lớn bị sốt xuất huyết khá cao, chuyển biến nặng. Mỗi người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần do virus Dengue gây bệnh có 4 type cùng lưu hành tại Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bệnh viện Quân Y 175 tiếp nhận khoảng hơn 300 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện, trong đó có nhiều ca nặng vì nhập viện muộn. Trung tá BS.CKI Phan Bá Hiếu, Phó Chủ nhiệm Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Quân Y 175 cho biết: "Trong tuần qua Khoa truyền nhiễm luôn trong tình trạng quá tải vì bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện muộn nặng, tổn thương đa cơ quan, gan, thận, nhiễm trùng máu… Qua quan sát, tôi nhận thấy năm nay bệnh nhân chủ yếu nhiễm tuýp 1 và tuýp 2 (thuộc thể nặng của sốt xuất huyết)".
Theo các bác sỹ, hiện nay, khi mắc sốt xuất huyết, bệnh nhân có tâm lý chủ quan nên ở nhà tự uống thuốc và điều trị. Điều này dẫn đến không ít trường hợp bị sốc sốt xuất huyết, điều trị vô cùng khó khăn. Cũng theo Trung tá BS.CKI Phan Bá Hiếu, đặc trưng của sốt xuất huyết là sốt từ từ, cảm giác bứt rứt và khó chịu, có rất nhiều trường hợp vẫn có thể đi lại được nhưng khi đến bệnh viện đo huyết áp lại bằng 0 (tức không đo được huyết áp). Lúc này khả năng bệnh đã chuyển nặng rất cao.
Theo các chuyên gia, khi bệnh nhân có những dấu hiệu đau sườn bên trái, đau bụng dữ dội, huyết áp giảm, kinh nguyệt đến sớm hoặc muộn trong giai đoạn đang sốt, người có bệnh lý nền về tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp, sốt trên 3 ngày, chảy máu chân răng… cần nhập viện cấp cứu để được xét nghiệm máu và chẩn đoán kịp thời, tránh tỉ lệ chuyển nặng và tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), mọi người cần thực hiện các biện pháp sau để kiểm soát bệnh sốt xuất huyết:
- Ngăn ngừa muỗi đốt bằng cách sử dụng thuốc chống côn trùng chứa một trong các thành phần hoạt tính như Picaridin, tinh dầu bạch đàn chanh (OLE) hoặc Para-menthane-diol (PMD).
- Kiểm soát muỗi trong và ngoài nhà của bạn. Sử dụng lưới che trên bất kỳ cửa sổ và cửa ra vào, đồng thời sửa chữa bất kỳ lỗ hổng nào để không cho muỗi bên ngoài xâm nhập vào nhà.
- Đổ sạch và làm sạch, lật úp tất cả các vật dụng chứa nước vì muỗi đẻ trứng gần nước.
- Khi đi du lịch hãy mang theo một bộ y tế để ngăn ngừa muỗi đốt.
- Đi khám ngay lập tức nếu bạn bị sốt, nhức đầu, phát ban, đau cơ hoặc khớp.