10:40 06/08/2007

Chưa thỏa mãn Luật Đầu tư mới

Minh Quang

Dù Luật Đầu tư mới đã đi vào hoạt động hơn một năm, nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều điều chưa thỏa mãn

Một số quy định trong Luật Đầu tư mới không chỉ làm khó nhà đầu tư nước ngoài mà còn làm khó nhà đầu tư trong nước.
Một số quy định trong Luật Đầu tư mới không chỉ làm khó nhà đầu tư nước ngoài mà còn làm khó nhà đầu tư trong nước.
Luật Đầu tư mới đã có hơn một năm đi vào hoạt động kể từ đầu tháng 7 năm 2006.

Luật này kết nối đầu tư của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài theo một hệ thống và khuyến khích họ làm ăn ở Việt Nam, nhờ những tiến bộ rút tỉa từ hai hệ thống luật đầu tư cũ.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, vẫn còn nhiều điều chưa thỏa mãn.

Ngày 3/8 vừa qua, Vụ Pháp chế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức buổi giải quyết vướng mắc về việc thi hành Luật Đầu tư mới tại Tp.HCM với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Văn Lại, Tổng giám đốc Công ty liên doanh Tovecan, cho biết: đã hơn một năm Luật Đầu tư mới có hiệu lực mà liên doanh của ông chưa thể hoàn tất thủ tục chuyển đổi liên doanh theo qui định của luật. Nguyên nhân là do yếu tố khách quan và chủ quan của công ty ông.

Theo Luật Đầu tư, người đại diện pháp lý của doanh nghiệp phải là Chủ tịch Hội đồng Quản trị hoặc Tổng giám đốc và người đại diện này phải lưu trú tại Việt Nam.

Trong khi đó Chủ tịch của Liên doanh Tovecan bao gồm ba đối tác Việt Nam, Đài Loan và Nhật Bản lại người nước ngoài và không lưu trú thường xuyên tại Việt Nam. Lẽ thường nếu Chủ tịch không lưu trú tại Việt Nam và không thể làm đại diện pháp lý thì Tổng giám đốc sẽ thay thế vị trí đó.

Tuy nhiên, đối với Tovecan thì không đơn giản, bởi Tổng giám đốc của liên doanh này chỉ là người làm thuê và không ông chủ nào dám để người làm thuê làm đại diện pháp lý cho mình khi mà những qui định về người đại diện pháp lý không rõ ràng.

Ông Lại nói rằng công ty tìm kiếm nhiều văn bản liên quan đến trách nhiệm và nghĩa vụ của người đại diện pháp lý để "ông chủ" tính chuyện chuyển giao cho "người làm thuê".

"Tuy nhiên chúng tôi tìm kiếm mãi mà không tìm đâu ra qui định này trong khi trong Luật chỉ đề cập đến người đại diện pháp luật mà không giải thích gì về trách nhiệm và nghĩa vụ", ông Lại phát biểu. Đây chính là vấn đề khiến cho liên doanh đến giờ vẫn phải "mặc áo" cũ.

Chuyện của Tovecan không chỉ ở "cái áo" mới hay cũ vì Luật Đầu tư mới mà còn tạo rắc rối cho liên doanh này dù chỉ là về mặt thủ tục. Tovecan có mặt ở Việt Nam hơn 15 năm, liên doanh đầu tư thêm một dự án ở khu công nghiệp nhưng thời gian hoạt động được phép của dự án 47 năm tạo ra mâu thuẫn với thời gian hoạt động tối đa của dự án đầu tư nước ngoài được quy định trong Luật là 50 năm.

Luật Đầu tư mới tạo ra những bức xúc cho nhà đầu tư nước ngoài, mà nói như ông Trần Thanh Liêm, nhà đầu tư trong nước còn không chịu nổi nói gì nhà đầu tư nước ngoài. Ông cho biết những nhà đầu tư nước ngoài, nhất là Việt Kiều luôn phàn nàn với ông về việc "tréo ngoe" của Luật Đầu tư mới và Luật Đất đai.

Luật Đầu tư mới cho phép nhà đầu tư nước ngoài cho thuê lại khu đất được thuê nhưng khi triển khai qui định này ở cơ quan địa phương thì gặp khó khăn. Ông Liêm kể một nhà đầu tư nước ngoài có dự án ở tỉnh Long An phải chạy đi chạy lại giữa các sở của tỉnh rất nhiều lần để xin giấy chứng nhận đầu tư nhưng thường xuyên bị từ chối.

Nguyên nhân được cơ quan tỉnh giải thích là Luật Đất đai không cho phép nhà đầu tư nước ngoài có đất thanh toán hàng năm cho nhà đầu tư khác thuê lại, thay vào đó phải thanh toán hết số tiền thuê đất trước khi thực hiện phi vụ kinh doanh này.

Cũng liêu quan đến đất đai, ông Liêm đã bức xúc thay nhà đầu tư Việt kiều, đối tượng đầu tư bị xem là nước ngoài và chỉ được thuê đất khác với giao đất như các nhà đầu tư trong nước được qui định bởi Luật Đầu tư mới.

Những nhà đầu tư Việt kiều nếu trước đây đăng ký đầu tư theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước họ vẫn được giao đất theo Luật Đầu tư mới nhưng đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài họ không được hưởng đặc quyền này.

Ông Phạm Mạnh Dũng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết có nhiều phản ứng từ các nhà đầu tư kể từ khi Luật Đầu tư mới đưa vào áp dụng. Ông nói rằng vướng mắc nhiều nhất là ở khâu thủ tục.

Tuy nhiên theo ông ngoài vấn đề thủ tục Luật Đầu tư mới còn phát sinh những xung đột và mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư mới và các luật khác, giữa các bộ ngành thực thi và ngoài ra còn có những mâu thuẫn giữa Luật Đầu tư và cam kết WTO của Việt Nam.

Các cơ quan cấp phép địa phương rất lúng túng trong việc cấp phép đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng bởi qui định giữa Luật mới yêu cầu 10 triệu USD vốn đầu tư nhưng cam kết WTO của Việt Nam là 25 triệu USD. Đây vẫn sẽ là vướng mắc của việc thực thi Luật Đầu tư liên quan đến hoạt động tài chính ngân hàng.