16:26 11/08/2016

Chữa viêm khớp, đừng quá tin tưởng vào nọc ong!

PV

Chữa viêm khớp, đừng quá tin tưởng vào nọc ong! - Ảnh 1
Bệnh đau khớp là một dạng rối loạn tại khớp được đặc trưng bởi hiện tượng viêm dẫn đến tình trạng sụn ở khớp xương bị ăn mòn. Nếu bệnh tiến triển nặng hơn, khi vận động các khớp xương người bệnh sẽ cảm thấy đau ở các khớp xương, nắn chung quanh các khớp xương sẽ thấy đau, có khi bị sưng, cử động các khớp xương bị hạn chế, nhiều khi phát ra tiếng kêu răng rắc trong khớp xương. Việc điều trị bệnh sớm là một điều cần thiết. Nhiều người tìm đến… nọc ong
Thực tế, việc dùng nọc ong chữa bệnh đã xuất hiện ở nhiều nơi tại Việt Nam. Dù chưa biết thực hư như thế nào nhưng với suy nghĩ của nhiều người, nọc ong đã từng được nhắc đến trong Đông y và Trung y như là một liều thuốc có thể trị nhiều bệnh, nên… cứ thử xem?!
Phương pháp chữa bệnh này được tiến hành như sau: những người bị chẩn đoán là vị các bệnh về khớp như viêm khớp, đau mỏi khớp… khi tới các cơ sở này, các thầy thuốc sẽ dùng ong cho đốt vào những chỗ bị đau để chữa trị. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa thấy có người nào chia sẻ là mình đã từng chữa khỏi bệnh nhờ phương pháp này. Ngược lại, có nhiều bệnh nhân đã gặp thêm không ít phiền toái. Trường hợp của chị Lý Minh Bé (42 tuổi, ở Q.8, TP.HCM) là một ví dụ. Chị bị viêm khớp dạng thấp lâu năm mà chưa có cách nào chữa khỏi. Khi nghe có người mách là ở quận Gò Vấp có người chữa được bệnh khỏi nhanh chóng bằng nọc ong. Nghe thế là chị liền tìm kiếm địa chỉ và đến chữa bệnh. “Tôi đã dùng cách cho ong đốt vào dưới gần đầu gối chân của mình hai lần. Lần một là khi tôi đến lần đầu tiên, lần hai cách đó không lâu vì tôi nghĩ thuốc chưa ngấm nên chưa có tác dụng. Tôi đến chích tiếp lần nữa để nhanh có hiệu quả. Không ngờ, khi về nhà được 2 ngày thì tôi thấy chỗ ong đốt sưng lên, có màu đỏ, rất đau. Qua vài này tiếp sau, vết sưng tấy đó xuất hiện mủ, người bị sốt cao. Thấy thế, người nhà đã đưa tôi đến bệnh viện. Qua xét nghiệm, các bác sĩ bảo tôi bị nhiễm độc”. 

Chữa viêm khớp, đừng quá tin tưởng vào nọc ong! - Ảnh 2

Chữa viêm khớp, đừng quá tin tưởng vào nọc ong! - Ảnh 3

Anh Lê Hữu Thông (công nhân tại KCX Linh Trung II, Q.Thủ Đức) thổ lộ: "Cách đây 3 tháng, tôi do phải đứng làm việc cả ngày nên cảm thấy chân tay rất nhức mỏi. Nghe có người mách có phương pháp chữa bệnh xương khớp bằng nọc ong rất hiệu quả. Nhiều người bị bệnh nặng tưởng chừng không qua khỏi cũng đã hết bệnh nhờ phương pháp này. Thấy vậy, tôi liền tìm đến một cơ sở chữa bệnh bằng nọc ong ở quận Gò Vấp. Nào ngờ sau khi chữa bệnh về được 3 ngày thì các vết do ong chích của tôi cứ sưng đỏ tấy, mưng mủ, rồi toàn thân sốt cao. Hoảng quá, vợ tôi ngay lập tức đưa tôi vào bệnh viện cấp cứu. Các bác sỹ nói tôi bị nhiễm độc nặng…” Đây chỉ là hai trong số rất nhiều người gặp phải phiền phức, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng khi sử dụng phương pháp dùng nọc ong để chữa bệnh khớp. Điều đó chứng minh rằng, dùng nọc ong chữa viêm khớp hay các bệnh khác vẫn cần được khoa học kiểm chứng. Ý kiến của chuyên gia
Trên thực tế không phải phương pháp chữa bệnh nào cũng chữa được bách bệnh. Phương pháp chữa bệnh bằng nọc ong cũng vậy. “Vấn đề là chúng ta sử dụng phương pháp này để chữa trị những bệnh nào, liều lượng ra sao, có khả năng gặp những tác dụng phụ nào không. Nghiên cứu cho ra những vấn đề đó mới là điều quan trọng nhất để sử dụng chữa bệnh cho người dân đúng cách,” BS Hoàng Khánh Toàn, khoa Đông y, Bệnh viện trung ương quân đội 108 khẳng định.
Để sử dụng phương pháp chữa bệnh này, ngoài việc cần có công trình nghiên cứu cụ thể, BS Toàn khuyên nên chọn những con ong khỏe mạnh, không có bệnh, là ong thợ 15 - 40 ngày tuổi, giống Apisarthron của Đức. Trẻ em, người già, người bị suy nhược cơ thể quá nặng, suy gan, suy tim, phụ nữ có thai, người bị xuất huyết, dị ứng không nên sử dụng phương pháp cho ong đốt để chữa bệnh.

Chữa viêm khớp, đừng quá tin tưởng vào nọc ong! - Ảnh 4

Chữa viêm khớp, đừng quá tin tưởng vào nọc ong! - Ảnh 5

TS Phùng Hữu Chính, Giám đốc Trung tâm Phát triển ong Miền núi cho biết: "Thực tế cho thấy, người bị ong đốt không đúng huyệt thì chỉ gây đau đớn chứ không có tác dụng chữa bệnh. Mặt khác, chữa bệnh bằng ong đốt thường được sử dụng khi giai đoạn cấp tính của bệnh đã qua, có tác dụng phục hồi. Không phải bệnh gì, ở giai đoạn nào mà cho ong đốt cũng khỏi được.
Tôi khẳng định, thông tin cho rằng nọc ong có thể chữa được bệnh ung thư, đặc biệt là bệnh ung thư vú là hết sức phản khoa học. Đông y từng khuyến cáo nọc ong vốn được xem là một loại độc dược, bởi chứa khá nhiều thành phần axit formic. Nếu một người không may bị ong đốt có thể sẽ gặp phải các hiện tượng như sưng tấy, đau buốt. Nặng hơn có thể là ngộ độc, dị ứng, thậm chí tử vong...
Khi ong đốt, chất độc trong 2 tuyến nọc dẫn vào một kim chích sau đít ong sẽ tiết ra. Một phần vòi độc và bụng của ong sẽ bị bỏ lại ở ngay vị trí đốt. Nọc ong có thành phần chính là protein kèm theo men xâm nhập, men tiêu huyết, tiêu tế bào, các chất gây dị ứng...". Hiệp hội nghiên cứu bệnh đa xơ cứng Mỹ cũng lại khẳng định trên website của họ rằng: “Dù có nhiều lời đồn đại từ xa xưa về những lợi ích của nọc ong đối với người mắc chứng sơ cứng tế bào, nhưng một nghiên cứu ngẫu nhiên trong vòng 24 tuần chỉ ra rằng không có dấu hiệu suy giảm của triệu chứng bệnh và không có sự tiến triển trong chất lượng cuộc sống”. Do đó có thể khẳng định, dùng nọc ong để chữa bệnh viêm khớp cũng như các bệnh khác là thiếu cơ sở khoa học. Người bệnh không nên tin vào các tin đồn không có thật mà thiếu sự kiểm chứng. Khi bị viêm khớp, tốt hơn hết là các bạn nên chữa trị theo chuẩn bác sĩ. Trường hợp khi muốn áp dụng các phương pháp chữa trị khác thì phải có tư vấn và chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Độc tính của nọc ong
Giọt nọc ong trong suốt vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có tính độc, tuỳ theo liều lượng sử dụng và cảm thụ của cơ thể từng người.

Tính cảm thụ của cơ thể con người đối với Nọc ong rất khác nhau. Mẫn cảm nhất đối với nọc ong là phụ nữ, trẻ em và người già. Những người khoẻ mạnh dễ dàng chịu đựng vài con, thậm chí hàng chục con ong đốt một lúc mà chỉ có phản ứng nhẹ tại chỗ dưới hình thức da mẩn đỏ, hơi sưng, rát nóng. Nhưng nếu bị hàng trăm con ong đốt một lần sẽ gây ra ngộ độc với các triệu chứng chủ yếu là rối loạn hệ tim mạch và hệ thần kinh ( khó thở, tái nhợt, mạch nhanh, tê giật , liệt nhẹ), còn nếu bị 400 – 500 con ong đốt một lần thì người khoẻ mạnh cũng khó tránh khỏi tử vong do liệt trung khu hô hấp.

Cũng có người có tính cảm thụ cao với nọc ong, chỉ bị một con ong đốt, hay tiêm thử mũi tiêm nọc ong đầu tiên đã có những phản ứng rõ rệt, cơ thể mệt mỏi, nhức đầu , phát ban, nôn mửa, tiêu chẩy…Ngược lại, những người nuôi ong nhiều năm thường chịu được nhiều ong đốt mà không gây độc hại nào cho cơ thể. Như vậy không phải người bệnh nào cũng dùng được nọc ong và chịu đựng được liều lượng nọc ong như nhau. Do đó, việc chữa bệnh bằng nọc ong phải hết sức thận trọng và nhất thiết phải được tiến hành dưới sự theo dõi của bác sĩ.

 

10 vị thuốc tự nhiên đã được chứng minh là giảm viêm khớp dạng thấp

1. Lợi khuẩn (probiotic)
Những bệnh nhân thấp khớp có những sự thay đổi rõ rệt trong đường ruột và quần thể vi sinh (microbiome) đường miệng. Các nhà nghiên cứu đã thử cho 45 bệnh nhân thấp khớp sử dụng một loại vi khuẩn sản xuất axit lactic (LAB), hoặc giả dược, bên cạnh những loại thuốc mà họ thường dùng. Loại probiotic được sử dụng là Bacillus coagulans GBI-30, 6086, một chủng LAB có thể chịu được pH thấp của axit dạ dày.

Các bệnh nhân dùng probiotic đã có thể đi bộ được hai dặm, có thể vươn tay nắm lấy vật thể và tham gia vào các hoạt động hàng ngày. So với người dùng giả dược, họ đã cải thiện được điểm số đau và thương tật, và giảm C-reactive protein (CRP). CRP là một protein được sản xuất bởi gan. Nồng độ CRP trong máu tăng lên khi có phản ứng viêm và giảm đi khi viêm suy yếu.
2. Gừng
Gừng chứa một lượng tinh dầu lớn có tác dụng làm giảm các cơn đau, nhất là đau do viêm xương khớp. Đông y thường dùng gừng như một vị thuốc phối hợp với các vị thuốc kháng trong bài thuốc giúp giảm đau nhức xương khớp rất hay.
Ta có thể ép 200g gừng tươi lấy nước rồi đun nhỏ lửa với 120g đường đỏ và 400ml rượu mùi cho sôi. Mỗi ngày uống 1 ly nhỏ trước khi đi ngủ giúp hỗ trợ chữa viêm khớp, giảm đau nhức khớp hiệu nghiệm.
3. Vitamin D
Sự thiếu hụt vitamin D có liên quan đến viêm khớp dạng thấp. Trong một nghiên cứu ở Ba Lan với 97 bệnh nhân thấp khớp, 76,3% được phát hiện là thiếu hàm lượng vitamin D. Các nhà nghiên cứu cũng liên hệ sự thiếu hụt vitamin D với mức DAS cao hơn ở bệnh thấp khớp và chất lượng cuộc sống tồi tệ hơn.
Nếu bổ sung vitamin D đúng cách thì có thể cải thiện đáng kể mức DAS của bệnh nhân trong một thời gian ngắn. Và vitamin D có thể làm giảm tỷ lệ tái phát viêm khớp dạng thấp. Trong một nghiên cứu 377 bệnh nhân thấp khớp, những người có nồng độ vitamin D thấp được phân chia ngẫu nhiên để được nhận vitamin D hay không. Sau 24 tháng, nhóm được bổ sung vitamin D có tỷ lệ tái phát chỉ 19% so với 29,5% ở nhóm không dùng vitamin D.
4. Chế độ ăn uống
Một nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ cũng cho thấy chế độ ăn chay có lợi cho bệnh nhân thấp khớp. Các nhà nghiên cứu yêu cầu 27 bệnh nhân thấp khớp nhịn ăn từ 7 đến 10 ngày, tiếp theo là 3,5 tháng ăn chay không dùng gluten, và cuối cùng là một chế độ ăn chay có dùng sữa trong chín tháng. So với 26 người đối chứng, các bệnh nhân ăn kiêng cải thiện đáng kể thậm chí một năm sau thử nghiệm. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những thay đổi trong hệ vi khuẩn ở ruột già có liên hệ với sự tiến triển tình trạng bệnh này.
5.  Lá lốt
Lá lốt là một vị thuốc phổ biến được sử dụng chữa trị các căn bệnh xương khớp như đau lưng, phong thấp, tê tay tê chân… Ta có thể dễ dàng tìm thấy lá lốt ở xung quanh nhà và dùng như bài thuốc chữa viêm khớp mang tới hiệu quả cao.
Cách dùng là lốt cũng rất đơn giản, người bệnh có thể lấy lá làm rau ăn hàng ngày hoặc phối hợp với các vị thuốc khác, thực hiện theo bài thuốc sau: lá lốt, dây đau xương, rễ cỏ xước, cốt khí củ; mỗi thứ khoảng 8 - 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang để chữa đau nhức, viêm xương khớp.
6. Dầu cá
Những nhà nghiên cứu người Đức trong một nghiên cứu thí điểm tìm thấy dầu gan cá có hiệu quả trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Họ đã cho 43 bệnh nhân viêm khớp dùng 1g dầu gan cá mỗi ngày. Sau ba tháng, bệnh nhân đã giảm 52,4% triệu chứng cứng khớp buổi sáng, giảm 42,7% triệu chứng đau khớp, giảm 40% sưng khớp và giảm 67,5% mức độ đau. Và 68% các bệnh nhân đánh giá hiệu quả của dầu gan cá là tốt hoặc rất tốt.
7. Quả lựu
Trong một nghiên cứu thí điểm trong 12 tuần, 8 bệnh nhân thấp khớp uống 10ml (0.34 ounces) nước ép lựu mỗi ngày. Nước ép lựu đã làm giảm số khớp bị đau xuống 62% và tổng chỉ số DAS xuống 17%.
8. Chất Curcumin có trong củ nghệ
Curcumin đã được chứng minh sự ưu việt so với một loại thuốc tiêu chuẩn chữa trị viêm khớp dạng thấp. Trong một nghiên cứu ở Ấn Độ, 45 bệnh nhân có tình trạng viêm khớp được chia thành ba nhóm. Một nhóm dùng 500 mg curcumin mỗi ngày, nhóm thứ hai dùng 50 mg diclofenac (một NSAID) và nhóm thứ ba dùng cả hai loại trên.
Nhóm chỉ dùng chất curcumin có sự cải thiện lớn nhất về chỉ số DAS, dễ đau và sưng khớp. Các điểm số là tốt hơn đáng kể so với nhóm dùng thuốc. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng chất curcumin là an toàn và không có bất kỳ tác dụng phụ nào.
9.  Thảo dược Lôi công đằng
Một thử nghiệm ngẫu nhiên so sánh Lôi công đằng – một loại thảo dược truyền thống của Trung Quốc (Tripterygium wilfordii Hook F) với một loại thuốc chữa trị viêm khớp dạng thấp. Qua đó cho thấy Lôi công đằng có hiệu quả hơn đáng kể so với methotrexate trong điều trị viêm khớp dạng thấp.
Các nhà nghiên cứu ở Bắc Kinh đã tuyển 207 bệnh nhân thấp khớp. Các đối tượng đã nhận được 20 mg lôi công đằng ba lần một ngày, hoặc methotrexate, hoặc cả hai. Sau 6 tháng, 55,1 % các bệnh nhân sử dụng lôi công đằng cải thiện 50 % tình trạng của họ so với chỉ 46,4 % ở nhóm methotrexate. Nhóm phối hợp cả hai thậm chí còn tốt hơn với 76,8 % trong số họ cải thiện 50%.
10. Tập thể dục
Phương pháp điều trị khác đã được chứng minh làm giảm đau và cứng khớp bao gồm Thái cực quyền và Yoga.

 
 

Thuỳ Linh