Cục Bảo vệ Thực vật: Vấn nạn phân bón giả gây nhiều hệ lụy
Phát biểu tại buổi đối thoại chuyên đề Phân bón giả - Tác hại thật do VnEconomy tổ chức vào ngày 13/6/2022, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết nạn phân bón giả gây nhiều hệ lụy...
Tình trạng phân bón giả được người dân đặc biệt quan tâm. Việc xảy ra tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, Cục Bảo vệ thực vật đánh giá, hiện nay các văn bản pháp luật gồm luật, nghị định, thông tư, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón… là công cụ giúp kiểm soát các khâu sản xuất phân bón nhằm nhận diện được hành vi vi phạm chất lượng..
Ngoài ra, còn có sự phân công, phân cấp từ trung ương đến địa phương tạo hệ thống kiểm soát tốt hơn trước đây rất nhiều.
Tuy nhiên, ở một số nơi, địa phương còn tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng do nguyên nhân xuất phát từ việc sản xuất phân bón giả đem lại “siêu lợi nhuận” cho đối tượng vi phạm. Các thủ đoạn, hành vi, phương pháp sản xuất phân bón tinh vi hơn như đưa cơ sở sản xuất vào vùng sâu, vùng xa, không có cơ quan quản lý nhà nước, giảm thiểu việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng.
Mặt khác, giá trị của phân bón đang tăng. Họ lại dựa vào niềm tin của người dân đối với mặt hàng thường xuyên phải sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, để kinh doanh sản phẩm không đảm bảo. Họ còn có hình thức, chiêu bài như bán kèm, khuyến mãi, quà tặng, có lời hứa, khuyến nghị cho người dân tin tưởng vào sản phẩm kém chất lượng.
Bên cạnh đó, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng còn đến từ việc sản xuất manh mún, thiếu tập trung nên việc tiêu thụ chưa được công khai, minh bạch.
Vấn nạn phân bón giả đã gây ra hệ lụy với người dân và xã hội như ảnh hưởng trực tiếp đến các thương hiệu có uy tín trên thị trường, ảnh hưởng khả năng cạnh tranh của quốc gia, xã hội; ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nông sản, năng suất cây trồng và môi trường.
Hệ lụy lâu dài còn ảnh hưởng đến tài nguyên đất, làm giảm giá trị dinh dưỡng của đất, gây ô nhiễm môi trường. Các chỉ tiêu không được kiểm soát nằm trong phân bón giả còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái môi trường; chất lượng, sức khỏe của người sử dụng; ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối thương hiệu và ngành sản xuất phân bón.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, việc kiểm tra phân bón giả thời gian qua có gặp một số khó khăn, tồn tại do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Đầu tiên là tính “siêu lợi nhuận” của phân bón giả làm cho các đối tượng có hành vi, mong muốn tột cùng.
Thứ hai, các đối tượng còn dựa vào chính sách khuyến khích đầu tư của Đảng, Chính phủ để “lách luật”, tổ chức sản xuất ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà nhận thức người dân còn yếu, ít bị cơ quan quản lý kiểm soát. Họ thành lập nhà máy rồi sản xuất sau xong lại bỏ xưởng, bỏ tên doanh nghiệp để gian lận.
Ngoài ra, nguồn lực trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên các địa bàn còn mỏng, hạn chế nên cần các giải pháp đồng bộ, căn cơ.
Do đó, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật đưa ra năm giải pháp cơ bản.
Thứ nhất, rà soát lại những vấn đề tồn tại của hệ thống pháp luật để kiện toàn nhằm xử lý triệt để, nghiêm minh.
Thứ hai, phối hợp giữa ngành nông nghiệp, công an, biên phòng, hiệp hội, doanh nghiệp… nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cả mặt hành chính, thương mại để có giải pháp tối ưu nhất nhằm gây dựng thương hiệu, phát huy sản phẩm tốt đến tay người tiêu dùng. Có các chương trình kết hợp với nhau để cơ quan chức năng xử lý nghiêm từ các tin tố giác.
Thứ ba, tập huấn tuyên truyền, nâng cao kiến thức cho tất cả đối tượng bao gồm cả doanh nghiệp, đại lý, chính quyền địa phường, người dân để nhận biết rõ hàng giả, hàng nhái.
Thứ tư, tổ chức triển khai các mô hình chuỗi liên kết giữa hiệp hội, doanh nghiệp, người dân để đưa bộ sản phẩm có uy tín, thương hiệu đưa đến người dân.
Thứ năm, bản thân doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm phải có giải pháp bảo hộ với sản phẩm của mình, giúp cơ quan chức năng truy xuất nguồn gốc, nhận diện sản phẩm. Trên cơ sở đó hạn chế sản phẩm phân bón giả, nhái thương hiệu.