15:12 21/08/2015

Chứng khoán châu Á lao dốc sau tin xấu từ Trung Quốc

Diệp Vũ

Nỗi lo kinh tế Trung Quốc giảm tốc đang phủ bóng đen lên thị trường tài chính toàn cầu

Một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Thượng Hải - Ảnh: Reuters.<br>
Một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán Thượng Hải - Ảnh: Reuters.<br>
Thị trường chứng khoán châu Á ồ ạt giảm điểm trong phiên giao dịch cuối tuần hôm nay (21/8) sau khi có số liệu cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc suy giảm mạnh nhất kể từ giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.

Theo tin từ Reuters, trong khi vàng và trái phiếu được các nhà đầu tư ưu ái mua vào để phòng ngừa rủi ro, các loại tài sản khác tại các thị trường mới nổi chứng kiến giá trị sụt giảm mạnh. Cùng với đó, giá dầu đang trên đà có đợt sụt giá kéo dài nhất kể từ năm 1986.

Nỗi lo kinh tế Trung Quốc giảm tốc đang phủ bóng đen lên thị trường tài chính toàn cầu.

Phiên này, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm thị trường Nhật Bản mất 2,4% số điểm, xuống mức đáy kể từ ngày 27/7/2012. Tính chung cả tuần, chỉ số này giảm 6,1%.

Tại thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải mất 4%, sụt xuống dưới ngưỡng trung bình của 200 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 7/2014, nâng tổng mức giảm của cả tuần lên 11%.

Chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hồng Kông giảm 2,4%, đánh dấu tuần giảm 7,4%.

Thị trường chứng khoán các nước có tăng trưởng kinh tế gắn bó mật thiết với tăng trưởng của Trung Quốc đồng loạt sụt sâu. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản “bốc hơi” 2,9%, chốt lại mức giảm 5,2% trong tuần này. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất 1,6% trong phiên hôm nay, giảm 4% trong cả tuần.

Tại châu Âu, các thị trường chứng khoán được dự báo sẽ mở cửa phiên giao dịch cuối cùng trong tuần đã chìm trong sắc đỏ. Trong đó, chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh được dự báo sẽ sụt 2,2% ngay lúc mở cửa, chỉ số DAX của thị trường Đức được dự báo giảm 3,1%, chỉ số CAC 40 của thị trường Pháp có khả năng mất 2,5%.

Vốn đã chịu tác động tiêu cực từ phiên giảm điểm mạnh vào đêm qua ở Phố Wall, tâm lý giới đầu tư chứng khoán châu Á phiên hôm nay hứng thêm một “cú đấm” từ số liệu u ám về hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc.

Chỉ số sản xuất Caixin/Market đo hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 8 giảm với tốc độ mạnh nhất trong 6 năm rưỡi do nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước cùng suy giảm. Trước đó, chỉ số này đã giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 7, làm dấy lên quan ngại về sự giảm tốc mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

“Thị trường đang phản ánh điều tồi tệ nhất vào giá tài sản”, ông Herald Van Der Linde, trưởng bộ phận chiến lược chứng khoán châu Á, nhận định.

Cũng trong phiên này, chỉ số MSCI các thị trường mới nổi giảm 1,7%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 19/8/2009.

Trong khi đó, giá vàng thế giới tiếp tục duy trì xu hướng tăng của mấy ngày gần đây. Giá vàng giao ngay lúc hơn 14h theo giờ Việt Nam đứng ở 1.154,7 USD/oz, cao hơn 0,6 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày 20/8 tại Mỹ.

Trong hai phiên ngày 19 và 20/8, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 35 USD/oz. Hiện giá vàng đang ở vùng cao nhất trong khoảng 1 tháng rưỡi.

Trái với diễn biến giá vàng, giá dầu thô tiếp tục xuống dốc. Chiều nay, giá dầu thô ngọt nhẹ giao sau tại thị trường Mỹ có thời điểm giảm 0,5%, còn 40,85 USD/thùng, hướng tới tuần giảm giá thứ 8 liên tục. Trong phiên ngày 20/8, giá dầu có lúc giảm còn 40,21 USD/thùng, thấp nhất trong gần 7 năm.