Chứng khoán châu Âu lập kỷ lục nhờ kỳ vọng về hòa bình cho Ukraine
Thị trường chứng khoán châu Âu thiết lập kỷ lục trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (17/2/2025), dẫn đầu là cổ phiếu các công ty quốc phòng...
![Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/18/anh-man-hinh-2025-02-18-luc-07-41-17.png)
Nhà đầu tư lạc quan trong bối cảnh các nhà lãnh đạo của khu vực tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh khẩn cấp về vấn đề cuộc chiến ở Ukraine và Mỹ tăng cường kêu gọi châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng để tự đảm bảo an ninh.
Lúc đóng cửa, chỉ số Stoxx 600 của thị trường châu Âu nói chung tăng 0,54%, đạt 555,42 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu quốc phòng và hàng không vũ trụ tăng khoảng 4%, đạt mức cao chưa từng thấy. Kể từ khi xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra cách đây 3 năm, chỉ số giá của nhóm cổ phiếu này đã tăng hơn gấp đôi.
Chỉ số DAX của chứng khoán Đức tăng 1,26%; FTSE của chứng khoán Anh tăng 0,41%; và CAC của chứng khoán Pháp chốt phiên với mức tăng 0,13%.
Thị trường Mỹ đóng cửa ngày thứ Hai để nghỉ lễ Tổng thống (Presidents’ Day).
Giới đầu tư kỳ vọng lợi nhuận của các công ty quốc phòng châu Âu sẽ tiếp tục tăng mạnh nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của ngân sách quốc phòng nhằm đáp ứng các đòi hỏi an ninh mới. Các nhà phân tích cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu chuẩn bị bước vào một “siêu chu kỳ” mới.
“Một giải pháp cho cuộc xung đột ở Ukraine có thể đem lại những động lực tăng trưởng tích cực cho châu Âu, bao gồm cải thiện niềm tin của người tiêu dùng, giá năng lượng rẻ hơn và điều kiện tài chính nới lỏng hơn”, Giám đốc điều hành Bruno Schneller của công ty Erlen Capital Management nhận định với hãng tin Reuters.
Cổ phiếu ngân hàng cũng là một nhóm tăng mạnh phiên này, với mức tăng 1,2%, đạt cao nhất 17 năm, nhờ lợi suất trái phiếu chính phủ tăng.
Ngày đầu tuần, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chủ trì một hội nghị thượng đỉnh về Ukraine sau khi giới chức Mỹ phát tín hiệu rằng châu Âu sẽ không có vai trò gì trong các cuộc đàm phán diễn ra trong tuần này ở Saudi Arabia nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Theo dự kiến, giới chức Mỹ và Nga sẽ có các cuộc gặp tại Saudi Arabia từ ngày thứ Ba, phía Ukraine cũng sẽ có mặt tại bàn đàm phán nhưng các quan chức châu Âu thì không.
Anh tuyên bố nước này sẵn sàng cử lực lượng gìn giữ hòa bình để hỗ trợ bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cho Ukraine. Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày thứ Hai tuyên bố nước này sẽ không công nhận bất kỳ quyết định nào được đưa ra khi không có mặt đại diện của Ukraine.
Kế hoạch áp thuế quan có đi có lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến phải đến tháng 4/2025 mới đi vào thực thi, nên nhà đầu tư tại thị trường châu Âu có thể tạm thời gác lại mối lo này. Tuy nhiên, việc thuế quan này có thể tính đến thuế giá trị gia tăng đánh vào hàng hóa Mỹ đang là một vấn đề khiến các nước châu Âu lo lắng.
“Thương mại vẫn là một vấn đề khó lường, với khả năng sẽ có thêm thuế quan được áp và những ảnh hưởng của thuế quan đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế là điều chưa thể đoán định. Các kế hoạch thuế quan đã được công bố tính tới thời điểm này về cơ bản chưa khiến bức tranh thay đổi, nhưng sự leo thang cao hơn có thể mang tới những bấp bênh mới”, ông Schneller nói.
Hôm Chủ nhật, tờ báo Financial Times đưa tin Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét để đưa ra các giới hạn nhập khẩu hạn chế hơn đối với một số mặt hàng thực phẩm nhất định được sản xuất theo các tiêu chuẩn khác, nhằm bảo vệ nông dân trong khu vực. Một động thái như vậy có thể được xem là tương tự như chính sách thương mại có đi có lại của ông Trump.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London chốt phiên với mức tăng 0,48 USD/thùng, tương đương tăng khoảng 0,6%, đạt 75,22 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York có lúc tăng 0,65 USD/thùng, đạt 71,39 USD/thùng, nhưng không có giá đóng cửa của phiên ngày thứ Hai do thị trường tài chính Mỹ nghỉ lễ.
Dầu tăng giá sau khi hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết OPEC+ (liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga) đang xem xét trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 4 năm nay, bất chấp lời kêu gọi của ông Trump muốn liên minh này tăng sản lượng để kéo giá dầu xuống.