16:21 17/10/2019

Chứng khoán chiều 17/10: Đánh dập ATC, điểm mặt "tội đồ"

Lan Ngọc

Các chỉ số đồng loạt đổ gục ở đợt đóng cửa hôm nay, một diễn biến không mấy bất ngờ trong ngày đáo hạn phái sinh. Nếu có bất ngờ thì chỉ là hướng đi nào mà thôi

Các chỉ số đồng loạt đổ gục ở đợt đóng cửa hôm nay, một diễn biến không mấy bất ngờ trong ngày đáo hạn phái sinh. Nếu có bất ngờ thì chỉ là hướng đi nào mà thôi.

Không phải phiên đáo hạn phái sinh nào các chỉ số cũng đổ gục, nhiều phiên các chỉ số tăng vọt bất thường không kém. Nếu thống kê các phiên đáo hạn thì có thể thấy hướng đi của chỉ số không theo quy luật nào cả, hoặc mẫu thống kê quá ít để nhìn thấy một hình mẫu quy luật đủ tin cậy.

Hôm nay là phiên các chỉ số bị dập xuống. VN-Index mất khoảng 4,7 điểm trong đợt ATC, Vn30 mất 4,9 điểm. Các chỉ số bị kéo xuống bởi rất nhiều cổ phiếu, thậm chí đại đa số cổ phiếu trong nhóm VN30 đóng cửa đều yếu hơn các giao dịch cuối đợt khớp lệnh liên tục.

Những cổ phiếu trụ dĩ nhiên là các tác nhân có ảnh hưởng nhất. Tuy nhiên đợt đóng cửa hôm nay nhiều mã có thanh khoản rất lớn nên chưa chắc đã là nguyên nhân riêng với ngày đáo hạn phái sinh. Có thể đã có lực xả chung.

VNM chốt phiên bốc hơi 1.200 đồng, sụp từ 132.200 đồng xuống 131.000 đồng và chỉ còn trên tham chiếu 0,46%. Giá trị đợt ATC của VNM là 31,5 tỷ đồng. Như vậy VNM giảm tới 1,1% chỉ trong đợt đóng cửa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả hai chỉ số.

VCB đóng cửa tụt 800 đồng so với đợt liên tục, tương đương giảm 1,03%. Đóng cửa cổ phiếu này dưới tham chiếu 1,05%. VCB khớp ATC khoảng 12,6 tỷ đồng.

SAB sụt riêng đợt ATC là 2,1%, đóng cửa giảm so với tham chiếu 1,17%. Thanh khoản đợt cuối khoảng 4,6 tỷ đồng là khá cao vì cả ngày chỉ giao dịch hơn 7,2 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu lớn khác cũng sụt giá đợt cuối và có ảnh hưởng mạnh là BID, MSN, VHM, GAS... Tổng giá trị rổ VN30 đợt đóng cửa là 273,1 tỷ đồng nếu không tính tới giao dịch của ROS.

Thực tế mức chênh lệch cao nhất của hợp đồng phái sinh tháng 10 với mức đáo hạn hôm nay cũng chưa tới 10 điểm. Số lượng hợp đồng giữ đến đáo hạn nếu ở phe Short (thì mới có nhu cầu ép chỉ số xuống) trừ hai phiên gần nhất thì còn có lời mà cũng rất ít. Vì thế chi phí bỏ ra để ép chỉ số là quá lớn nếu so sánh với lợi nhuận ở thị trường phái sinh.

Dù có hay không khả năng ép chỉ số phục vụ đáo  hạn phái sinh thì cuối cùng thị trường vẫn là một phiên giảm. Độ rộng quá hẹp ở Vn30 (4 mã tăng/24 mã giảm) khó có thể chỉ là do duy nhất hiện tượng đầu cơ này. Ngay cả toàn sàn HSX cũng chỉ có 132 mã tăng/179 mã giảm. Việc ép SAB hay VCB, STB hay VRE, BID, CTG có rất ít tác dụng đối với VN30-Index.

Ảnh hưởng rộng của các blue-chips khiến VN-Index đóng cửa giảm 0,47% và để mất luôn mốc 990 điểm, còn 989,82 điểm. VN30-index giảm 0,6%. VNM tăng 0,46%, VHM tăng 0,12%, HPG tăng 0,47% là những blue-chips duy nhất đáng kể còn tăng. Trong khi đó riêng rổ VN30 có tới 12 cổ phiếu đóng cửa giảm quá 1%.

Áp lực bán đẩy thanh khoản chiều nay tăng khá cao. Tổng hợp cả ROS, hai sàn khớp 2.022 tỷ đồng, tăng 38% so với phiên sáng. Nếu bỏ ROS, thanh khoản vẫn tăng 16%. Trong khi đó riêng nhóm Vn30 ghi nhận tới 20 cổ phiếu giảm giá so với phiên sáng, chỉ 5 mã có cải thiện. Điều đó cho thấy đã có áp lực bán tăng đáng kể buổi chiều, đẩy thanh khoản tăng và giá giảm xuống.

Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay giảm bán ròng trên thị trường cổ phiếu. Chỉ khoảng 25 tỷ đồng bị rút ròng, nhưng chứng chỉ quỹ E1 lại được mua ròng gần 45 tỷ đồng. VNM, DXG, HNG, HQC, NTL, VCB, ROS là những cổ phiếu được mua ròng khá. Phía bán có GTN, VRE, HPG, ITA, GEX, PLX, VSC, PVT.