Chứng khoán chiều 25/4: Thoát hiểm phút chót
VN-Index được “cứu” đúng vào đợt đóng cửa khi đã ở sát đáy cũ hôm 18/4
VN-Index được “cứu” đúng vào đợt đóng cửa khi đã ở sát đáy cũ hôm 18/4. Một số cổ phiếu lớn đã nỗ lực tăng trong lần khớp cuối cùng và đẩy các chỉ số ra xa đáy.
VN-Index trước khi bước vào đợt đóng cửa đã rơi xuống tới 706,04 điểm, VN30-Index xuống 665,66 điểm. Cả hai chỉ số này đều sát đáy cũ và có nguy cơ giảm xuống dưới mức này.
Rất may là VN-Index trong đợt đóng cửa đã thu hẹp mức giảm còn 1,81 điểm, VN30-Index thậm chí còn được đẩy bật lên trên tham chiếu, tăng 0,22%. Cả hai chỉ số này đã thoát hiểm vào phút chót.
Không nhiều cổ phiếu có tác động đủ tốt vào đợt đóng cửa để tạo ra hiệu quả như vậy. Đó là BVH tăng được 3 bước giá lên 57.300 đồng và trên tham chiếu 0,53%. VCB đang giảm được kéo trở lại tham chiếu. MSN cũng từ giảm chuyển sang tăng 0,22%. CTG từ tham chiếu thành tăng 0,59%. BID thoát giảm quay về tham chiếu. Đặc biệt là VIC mở rộng mức tăng lên 0,88%, STB tăng mạnh hơn lên mức 5,71%.
Sự tổng hợp của các biến động tích cực nhỏ từ một số cổ phiếu lớn đã tạo được hiệu quả nhất định. VN30-Index có được các mã trong rổ đẩy lên với hiệu quả rõ rệt hơn nhiều so với VN-Index.
Nguyên nhân khiến VN-Index chỉ cải thiện chút ít là do những mã như VIC bị hạn chế sức mạnh, STB không đóng vai trò lớn trong chỉ số này như với VN30-Index. Ngoài ra PLX sập nặng 6,71%, SAB tụt giảm 0,5%, NVL cũng giảm 0,14% trong khi VNM lại đứng im (so với giá khớp cuối cùng của đợt khớp lệnh liên tục).
Dù sao việc được kéo nhẹ lên đúng vào phút cuối cùng cũng tạo cảm giác VN-Index phản ứng tích cực ở đáy cũ.
Sàn HNX cũng có được SHB biến động mạnh lúc đóng cửa. Cổ phiếu này từ mức 7.300 đồng (giảm 2,7%), đóng cửa nhảy lên 7.600 đồng, thành tăng 1,33%. SHB đã giúp cho HNX-Index chỉ giảm 0,63% còn HNX30 giảm 0,51%.
Tuy nhiên độ rộng hai sàn vẫn không tích cực lắm với 195 mã tăng/246 mã giảm. Sự sôi động nhất định xuất hiện ở các cổ phiếu đầu cơ nhỏ nhưng cũng biến động trái chiều rõ rệt. Hai sàn có tới 25 mã kịch trần nhưng cũng có 21 mã kịch sàn. Phần lớn các mã kịch trần nằm ở HNX với giao dịch rất mỏng. Số ít cổ phiếu thanh khoản cao như C69, KLF, KDM hay ở HSX có HAP, BCG, LDG.
Thị trường phiên chiều không có nhiều kịch tính, giao dịch rất chậm. STB đã không tạo được dấu ấn nào mới khi giằng co ở giá 11.000 đồng, tương đương mức chốt phiên sáng. Hai giao dịch có thể xem là ấn tượng nhất thuộc về PLX và SHB.
PLX chiều nay bị xả khá lớn, giao dịch tới gần 70,9 tỷ đồng với hơn 1,54 triệu cổ phiếu. Giá bị ép mạnh giảm 2.300 đồng so với phiên sáng và chốt dưới tham chiếu 6,71%. PLX khiến VN-Index mất tới hơn 1,4 điểm. Giá cổ phiếu này đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi lên sàn và tất cả những ai mua trong 3 ngày nay đều đang đối mặt với rủi ro lỗ.
SHB ở chiều ngược lại, được mua mạnh gần 8,6 triệu cổ phiếu, tương đương 64,4 tỷ đồng và giá tăng 200 đồng so với phiên sáng. Mức tăng này chủ yếu diễn ra vào đợt đóng cửa. Nếu không tính ROS thì PLX là cổ phiếu thanh khoản lớn nhất sàn HSX chiều nay và SHB dẫn đầu sàn HNX.
Tổng giá trị khớp lệnh của toàn thị trường chiều nay cũng chỉ tăng nhẹ hơn 2% so với chiều hôm qua, đạt 1.579,6 tỷ đồng. Mức giao dịch này giúp quy mô cả phiên hôm nay tương đương với hôm qua. Giao dịch thỏa thuận khá hơn không đáng kể và tổng giá trị toàn thị trường phiên này cũng chỉ tăng nhẹ 1,6%.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay đã giảm tới 23% giá trị giải ngân qua khớp lệnh so với phiên trước. Cụ thể, tổng giá trị mua khớp lệnh hai sàn chỉ đạt 166,4 tỷ đồng, bán ra 110,2 tỷ đồng. Như vậy khối ngoại vẫn duy trì được vị thế mua ròng. Giao dịch thỏa thuận là cân bằng nội khối.
Đích đến của dòng vốn ngoại hiện thu hẹp lại chỉ còn 4 cổ phiếu là VNM +23,5 tỷ đồng, HPG +11,5 tỷ, CII +10,5 tỷ và PLX +9,9 tỷ đồng. Các cổ phiếu còn lại được mua ròng tương đối nhỏ. Phía bán khối này vừa thu hẹp tổng quy mô lẫn mức bán ở cổ phiếu. Mã bị bán ròng lớn nhất ở HSX là DXG cũng chỉ -8 tỷ đồng ròng. SHB nên sàn HNX bị bán ròng 15,2 tỷ đồng.