Chứng khoán chưa quá nóng, VN-Index có thể lên 1.750 điểm năm 2022
Chuyên gia của VnDirect cho rằng đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán thời qian qua chưa phải nóng. Thêm vào đó, định giá hiện tại so với các thị trường xung quanh là khá hợp lý và có dư địa tăng trưởng hơn nữa...
Phát biểu tại tọa đàm "Tìm kiếm động lực tăng trưởng cho năm 2022" do Chứng khoán VnDirect tổ chức, Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành - Thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng chính phủ, Giảng viên học viện Fulbright Việt Nam đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô toàn cầu cũng như Việt Nam thách thức vẫn còn lớn do Covid-19.
THÁNG 12 NHIỀU KHẢ NĂNG LẠM PHÁT THẾ GIỚI SẼ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆT NAM?
Nói về kinh tế toàn cầu, theo ông Thành, có ba thách thức: Thứ nhất, đà phục hồi kinh tế, mỗi khi mùa đông đến số ca lây nhiễm toàn cầu lại gia tăng dẫn đến dự kiến giãn cách trở lại, hoạt động kinh tế suy yếu đi. Thứ hai, đứt gãy chuỗi cung ứng chưa giải quyết được, dịch bùng phát, phục hồi chậm, chính sách giãn cách giữa các nền kinh tế không đồng đều thì đứt gãy vẫn diễn ra, tình trạng này chưa được khắc phục. Thứ ba, là câu chuyện lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng và phục hồi không đồng đều thì giá cả gia tăng, lạm phát đều từ 5-6% vượt xa mục tiêu thì dẫn đến hành động Fed thắt chặt.
Đến năm 2022, vẫn còn yếu tố bất trắc đó là Covid sẽ như thế nào, chủng mới như Omicron gây tác động ra sao? Có thể cũng không có gì đáng quan ngại so với Delta, mọi việc lại suôn sẻ, có thể mở cửa đi lại quốc tế, đi liền với đó là xử lý được đứt gãy chuỗi cung ứng thì lạm phát đi xuống, lộ trình thắt chặt tiền tệ của Fed không quá mạnh tay và không phải hành động mạnh hơn so với dự kiến của Fed và Ngân hàng Trung ương khác.
Đối với kinh tế trong nước, sản xuất gặp thách thức lớn nhưng đã vượt qua được một phần nhờ ngừng giãn cách diện rộng và mở cửa nền kinh tế, sản xuất công nghiệp phục hồi. Tuy nhiên, dịch vụ vẫn còn nhiều khó khăn, sức mua yếu kém, hoạt động dịch vụ vẫn trong vùng đỏ suy giảm, sức mua trong nước yếu.
Theo ông Thành, thách thức lớn của nền kinh tế giai đoạn vừa rồi chống dịch chính là tình trạng đẻ ra giấy phép con với doanh nghiệp, muốn thích ứng an toàn doanh nghiệp muốn mở cửa cũng phải có kế hoạch và nhiều chi phí để tuân thủ.
Để phục hồi nền kinh tế, theo ông Thành, rất cần có một gói hỗ trợ kinh tế. Có một điểm thuận lợi của Việt Nam trong thời gian dịch bệnh là nền tảng vĩ mô ổn định. Bài học xương máu 12 năm trước đây đã giúp cho năm 2021 ngay cả bị tác động mạnh nhưng nền tảng vĩ mô không bị mòn, sức mua yếu nên lạm phát thấp, cả kể có lo ngại về cán cân thương mại quốc tế nhưng dòng vốn vẫn chảy vào, nhập khẩu đầu năm tăng mạnh nhưng 11 tháng lại thặng dư trở lại, dự trữ ngoại hối vẫn cao. Thậm chí, so với Thái Lan hay Indonesia thì Việt Nam trong đợt dịch này chưa phải dùng ngoại tệ hỗ trợ kinh tế và chống dịch, do đó, gói hỗ trợ cho sang năm sẽ không làm sói mòn ổn định vĩ mô.
Về tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đặt tăng trưởng tín dụng năm 2021 là 12% nhưng theo tôi sẽ cao hơn 12%. "Thực ra từ khi có Covid đến nay Việt Nam cũng dùng chính sách tiền tệ nhiều ở chỗ giảm lãi suất và tạo thanh khoản nhưng không quá mức, không như lần trước chúng ta quá say sưa là chỉ dùng chính sách tiền tệ. Mục tiêu của nó là không phải bơm mạnh tiền nhưng thanh khoản ít nhất phải dồi dào, tăng trưởng tín dụng tốt. Thanh khoản tốt thì tốt cho cả thị trường chứng khoán và bất động sản, nhưng cũng không phải nóng, theo kiểu tạo bong bóng.
Như vậy, chúng ta có thể kỳ vọng năm tới có gói chính sách để phục hồi kinh tế mà ưu tiên hàng đầu vẫn là ổn định vĩ mô, quy mô lớn nhưng cũng chỉ ở mức độ không làm xói mòn nền tảng vĩ mô, vẫn kiểm soát lạm phát dưới 4%. Kích cầu và hỗ trợ phục hồi phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách tài khoá thay tiền tệ", chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
Đối với nỗi lo về lạm phát, dù Việt Nam chưa lạm phát song toàn cầu đã xảy ra tình trạng này, trong khi đó, tháng 12 là thời điểm Tết chắc chắn sẽ tác động đến Việt Nam. Do đó, cũng không thể nào tiếp tục nới lỏng tiền tệ mà phải làm bằng tài khoá nhưng một mặt cũng vẫn phải hỗ trợ vì nếu không có thì khó có tăng trưởng khả quan như năm 2022 bởi sức mua đã yếu.
VN-INDEX SẼ LÊN 1.750 ĐIỂM VÀO NĂM 2022
Cũng bàn về vấn đề thị trường chứng khoán có nóng hay không, ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ IPA cho biết, trên thị trường chứng khoán đang tồn tại những doanh nghiệp nóng nhưng là về mặt tăng trưởng. Nguồn lực của nền kinh tế được sử dụng theo cách không đồng đều và nhiều doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán tận dụng được hiệu quả tốt hơn. Chính vì vậy, thị trường chứng khoán có sức tăng trưởng có phần khác biệt so với GDP trung bình của toàn Việt Nam.
"Thị trường chứng khoán có nóng nhưng ở mức chấp nhận được. Nhìn lại dòng ngân hàng, quá trình nóng diễn ra từ tháng 1 đến tháng 6. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến hiện tại nhóm ngành này không hề nóng khi có nhiều mã giảm đến trên 20%", ông Hoàng cho biết.
Cũng theo ông Hoàng, giá cổ phiếu không phải tất cả các nhóm ngành đều nóng. Ví dụ như ở thời điểm hiện tại, nhóm bất động sản được chuyên gia đến từ Quản lý quỹ IPA cho là khá nóng. Sức nóng này có thể còn duy trì trên mặt bằng lãi suất tăng nhẹ kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận 2 con số. Xu hướng còn được duy trì quý I và quý II/2022.
Còn theo bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Chứng khoán VNDirect, so với các thị trường phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá non trẻ và nhà đầu tư chưa quen với việc trải qua nhiều cung bậc lên xuống. Khi thị trường Việt Nam đạt đến mức độ trưởng thành, các lớp nhà đầu tư tích lũy được một kinh nghiệp đáng kể thì sẽ có sự tăng trưởng ổn định.
Để giải thích cho đà tăng thời gian qua, bà Hiền cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không khác gì thế giới. Nhiều thị trường trên thế giới đã tăng rất mạnh khi lượng nhà đầu tư cá nhân chưa biết làm gì với nguồn vốn nhàn rỗi chuyển sang. Theo bà Hiền, khi có thể giải thích được hiện tượng nêu trên thì thị trường chưa phải nóng. Thêm vào đó, bà Hiền đánh giá định giá hiện tại so với các thị trường xung quanh là khá hợp lý, rẻ và có dư địa tăng trưởng hơn nữa. Nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng trưởng.
Trung tâm phân tích của VNDirect đưa ra nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022, trong đó, đơn vị này vẫn tiếp tục kỳ vọng VN-Index sẽ đạt ngưỡng 1.700 – 1.750 điểm trong năm 2022 trên cơ sở định giá 16 – 16,5 lần P/E, tăng trưởng lợi nhuận 21%.