Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ giúp chứng khoán tiếp đà thăng hoa?
Chương trình hỗ trợ kinh tế sau đại dịch của Chính phủ với quy mô dự kiến cao chưa từng có tiền lệ sẽ là những cơ sở để kỳ vọng vào đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong tháng 12...
Báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Agriseco nhận định chủng biến thể Covid-19 mới với tên gọi Omicron và tình hình dịch bệnh đang tăng trở lại tại các tỉnh thành ở Việt Nam có thể làm chậm lại đà phục hồi của nền kinh tế. Mặc dù vậy, điểm tích cực là việc các chỉ báo dự báo sớm tăng trưởng kinh tế tháng 11 như PMI, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) đang hồi phục, cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế sẽ khả quan trong quý 4 năm nay.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát tăng nhưng vẫn trong mức kiểm soát, chủ yếu do nhóm giao thông tăng. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất (IIP) tháng 11 chứng kiến sự tăng mạnh ở lĩnh vực khai khoáng và công nghiệp chế biến. Đây đều là các nhóm ngành chủ lực của Việt Nam và dự kiến sẽ tiếp tục là các nhóm dẫn dắt chỉ số IIP tăng trong tháng tới.
PMI tăng cho thấy tình hình kinh doanh đang dần cải thiện, nhưng sản lượng sản xuất chưa thể phục hồi do lượng nhân công giảm và số ca nhiễm đang tăng trở lại, Agriseco đánh giá các doanh nghiệp sẽ chưa thể phục hồi nhanh chóng trong các tháng tới.
Tình hình xuất nhập khẩu cũng có dấu hiệu tích cực khi sau khi nhập siêu liên tục trong nửa đầu năm, cán cân thương mại xuất siêu liên tiếp trong các tháng gần đây nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Agriseco dự báo cán cân thương mại có thể đạt trạng thái xuất siêu nhẹ trong cả năm 2021.
Trong khi đó, vốn đầu tư công thực hiện tháng 11 đã tăng 15% so với tháng trước, lũy kế 11 tháng đạt gần 74% so với kế hoạch. Việc lập ra các tổ kiểm tra đốc thúc giải ngân đầu tư công, quá trình giải ngân sẽ diễn ra nhanh hơn trong tháng 12.
Về tình hình hoạt động doanh nghiệp, các doanh nghiệp thuộc nhóm kinh doanh bất động sản và vận tải kho bãi là nhóm có tốc độ đăng ký thành lập mới tăng trưởng so với cùng kỳ. Agriseco Research đánh giá tuy cần mất nhiều thời gian để ổn định nhưng điều này cũng tác động tích cực lên thị trường chứng khoán khi hoạt động kinh doanh dần bình thường hóa.
Agriseco Research duy trì dự báo tăng trưởng GDP quý 4/2021 có thể đạt 4 - 5%, giúp GDP cả năm 2021 tăng 2 -2,5%. Lạm phát dự báo được kiểm soát dưới 2% nhờ giá thịt lợn giảm mạnh so với đầu năm cùng với yếu tố giá dầu cũng đang giảm hơn 20% từ đỉnh ngắn hạn đầu tháng 11.
Về cơ bản, Agriseco Research cho rằng thị trường chứng khoán đang được hưởng lợi từ quá trình hồi phục và ổn định kinh tế vĩ mô. Vừa qua, Chính phủ đã đề ra các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế 2022 với GDP tăng trưởng từ 6%-6,5% và lạm phát dưới 4%. Và số liệu 11 tháng đang là nền tảng vững chắc để triển khai giải pháp hoàn thành các chỉ tiêu năm 2022.
Định giá thị trường chứng khoán thời điểm hiện tại, Agriseco Research đưa ra mặt bằng định giá P/E của VN-Index đang giao dịch quanh 17 lần, mức ngang trung bình của chỉ số trong lịch sử và thấp hơn so với các thị trường khác trong khu vực.
Cơ hội rút ra từ tình hình kinh tế tháng 11 được báo cáo đề cập tới đó là tình hình xuất khẩu tăng trưởng mạnh 2 chữ số, đặc biệt các nhóm hàng dệt may, sắt thép, cao su, thủy sản. Theo đó, hoạt động xuất khẩu đang tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong quý 4/2021 và năm 2022 nhờ nhu cầu quốc tế hồi phục mạnh. Điều này tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhóm hàng như dệt may; gỗ; sắt thép; thủy sản.
Bên cạnh đó, Agriseco Research cũng đánh giá, hiện Việt Nam còn nhiều dư địa để triển khai các gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đang nghiên cứu đề án phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế phù hợp với từng giai đoạn. Báo cáo cho rằng khả năng cao các đề án hỗ trợ sẽ tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ viễn thông, y tế và an sinh xã hội cho nhân dân. Agriseco Research đánh giá một số nhóm ngành kỳ vọng được hưởng lợi trực tiếp nếu đề án được thông qua là nhóm bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, hàng không dịch vụ, công nghệ thông tin.
Báo cáo cũng đề cập tới việc nền kinh tế mở cửa trở lại có thể tác động tích cực đến nhóm bán lẻ, hàng không; tuy nhiên nhóm này vẫn đang trong quá trình phục hồi chậm và dư địa tăng sẽ không quá nhiều.
"Bước sang tháng 12, chúng tôi duy trì triển vọng tích cực của thị trường nhờ môi trường lạm phát, lãi suất vẫn ở mức thấp, dòng tiền tham gia thị tường tăng cao kỷ lục, các chương trình hỗ trợ kinh tế sau đại dịch của Chính phủ với quy mô dự kiến cao chưa từng có tiền lệ sẽ là những cơ sở để kỳ vọng vào đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán", báo cáo nhấn mạnh.
Liên quan đến gói hỗ trợ, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ tập trung vào năm 2022 và 2023 nhưng có thể kéo dài hơn với một số dự án đầu tư quy mô lớn.... Theo kế hoạch, chương trình này sẽ được trình lên Quốc hội tại phiên họp bất thường vào cuối năm nay. Về nội dung cơ bản, chương trình phục hồi gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ gia đình, kích thích đầu tư công, cải cách hành chính.