16:45 02/12/2021

Nhà đầu tư cá nhân trỗi dậy “cân” cả thị trường, đổ tiền mua ròng 84.000 tỷ trên sàn chứng khoán

An Nhiên

Trong khi khối ngoại ngày càng thờ ơ với thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân trong nước lại trỗi dậy, giá trị giao dịch chiếm gần như tuyệt đối, 11 tháng năm 2021 mua ròng 84.000 tỷ đồng trên sàn...

Nhà đầu tư cá nhân trỗi dậy làm chủ cuộc chơi, đổ tiền mua ròng 84.000 tỷ trên sàn chứng khoán (tỷ đồng).
Nhà đầu tư cá nhân trỗi dậy làm chủ cuộc chơi, đổ tiền mua ròng 84.000 tỷ trên sàn chứng khoán (tỷ đồng).

Làn sóng nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ tiền vào thị trường chứng khoán đã lý giải biến động tăng giá mạnh mẽ, đặc biệt ở nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ, cũng như xu hướng chung của VN-Index. Đặc biệt thị trường liên tục ghi nhận ngưỡng thanh khoản gia tăng kỷ lục tháng qua, trong khi tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài ngày càng xuống thấp.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, VN-Index đứng ở mức 1.478,44 điểm, tương ứng tăng 34,17 điểm (2,4%) so với cuối tháng trước. HNX-Index tăng 45,93 điểm (11,1%) lên 458,05 điểm. Tương tự, UPCoM-Index cũng tăng 8,872 điểm (8,3%) lên 114,1 điểm. Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với tháng 10. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 40.117 tỷ đồng/phiên, tăng 46,6%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt 37.760 tỷ đồng/phiên, tăng 50%.

Thống kê từ FiinPro cho thấy, tổ chức trong nước bán ròng trở lại 6.538 tỷ đồng, trong đó, tổ chức trong nước không gồm tự doanh bán ròng 3.752 tỷ đồng. Nếu tính về khớp lệnh, giá trị bán ròng được nâng lên thành 4.287 tỷ đồng. DGC bị dòng vốn này bán ròng mạnh nhất với 1.397 tỷ đồng. Tiếp sau đó, HPG cũng bị bán ròng 789 tỷ đồng. GEX và DCM đều bị bán ròng trên 700 tỷ đồng. Trong khi đó, VPB được mua ròng mạnh nhất với 407 tỷ đồng. VHM, GAB và TCB đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng.

Đối với khối tự doanh, dòng vốn này bán ròng là 2.786 tỷ đồng ở sàn HoSE. Đây cũng là tháng bán ròng mạnh nhất của dòng vốn này kể từ đầu năm 2021. Nếu tính về khớp lệnh, khối tự doanh bán ròng 1.843 tỷ đồng trong tháng 11. Tính chung cả 11 tháng qua, khối tự doanh bán ròng tổng cộng 1.933 tỷ đồng, tuy nhiên, dòng vốn này mua ròng đến 6.317 tỷ đồng nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh.

PAN là cổ phiếu bị khối tự doanh bán ròng mạnh nhất với 471 tỷ đồng. Đứng sau, VND cũng bị bán ròng gần 458 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND cũng bị bán ròng hơn 390 tỷ đồng. MSN, STB và HPG đều bị bán ròng trên 200 tỷ đồng. Trong khi đó, VGC đứng đầu danh sách mua ròng với 307 tỷ đồng. Trái ngược với FUEVFVND, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 được tự doanh CTCK mua ròng 199 tỷ đồng. Các mã gồm FLC, MBB và VIC đều có giá trị mua ròng trên 100 tỷ đồng.

10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tự doanh lớn nhất (Tỷ đồng).
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tự doanh lớn nhất (Tỷ đồng).

Tương tự, khối ngoại có tháng bán ròng thứ 4 liên tiếp với giá trị tăng 65% so với tháng 10 và ở mức 8.677 tỷ đồng. Nếu tính về khớp lệnh thì dòng vốn ngoại sàn này bán ròng 8.613 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại bán ròng tổng cộng 54.928 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Trái ngược với xu thế bán ròng của nhà đầu tư tổ chức trong nước và khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã đẩy mạnh mua ròng kỷ lục 15.213 tỷ đồng trong tháng 11 ở sàn HoSE, gấp 6,7 lần so với tháng 10. Nếu tính về khớp lệnh thì giá trị mua ròng đạt 14.381 tỷ đồng. Như vậy, các cá nhân trong nước đã mua ròng cả 11 tháng trong năm 2021 với tổng giá trị 84.173 tỷ đồng, trong đó có 88.611 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.

HPG là cổ phiếu được các cá nhân mua ròng mạnh nhất ở tháng 11 với giá trị 2.317 tỷ đồng. SSI cũng được mua ròng 2.185 tỷ đồng. Các cổ phiếu như VPB, PAN, VND, GEX, DGC hay NLG đều được mua ròng trên 1.000 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, CTG bị cá nhân trong nước bán ròng mạnh nhất với 1.248 tỷ đồng. VHM và VCB đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 928 tỷ đồng và 537 tỷ đồng.

Top 10 cổ phiếu nhà đầu tư cá nhân mua/bán nhiều nhất trong tháng 11 (tỷ đồng).
Top 10 cổ phiếu nhà đầu tư cá nhân mua/bán nhiều nhất trong tháng 11 (tỷ đồng).

Đánh giá về triển vọng, mục tiêu của thị trường chứng khoán trong thời gian tới, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung dài hạn của nền kinh tế, san sẻ và hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng. Quy mô thị trường cổ phiếu vào năm 2025 tối thiểu 85% GDP (đã điều chỉnh) và 110% GDP năm 2030. Số lượng nhà đầu tư đạt 5% dân số năm 2025 và 8% dân số vào năm 2030. Cơ cấu nhà đầu tư bao gồm tổ chức, chuyên nghiệp, cá nhân và nhà đầu tư trong nước. ngoài nước phát triển theo chiều sâu.

Còn ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, theo như chiến lược phát triển thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới, hy vọng đến năm 2025 có khoảng độ 5% dân số của chúng ta trên 18 tuổi có thể tham gia vào thị trường chứng khoán. Hiện nay, số lượng tài khoản theo như báo cáo có khoảng 4 triệu tài khoản, nhưng thực tế tài khoản giao dịch hàng ngày thì cũng chỉ hơn 1 triệu thôi. Tuy nhiên, việc gia tăng nhu cầu đầu tư vào thị trường chứng khoán vẫn là quy luật tất yếu theo sự phát triển của thị trường.

"Việc đông đảo nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường là điều rất đáng mừng, tuy nhiên các công ty chứng khoán phải hết sức chú trọng vào việc đào tạo kiến thức cho các nhà đầu tư mới. Thực tế hiện nay, các công ty chứng khoán cũng đang tập trung vào việc đào tạo cho các nhà đầu tư để các nhà đầu tư hiểu rằng, tham gia vào thị trường là “đầu tư chứng khoán” chứ không phải là “chơi chứng khoán”. Điều đó sẽ tạo ra tính bền vững cho sự phát triển của thị trường trong thời gian tới", ông Sơn nhấn mạnh.