21:49 11/07/2011

Chứng khoán “dài cổ” chờ giảm lãi suất

Khánh Hà

Cơn khát chờ lãi suất giảm đã được chứng thức bằng một phiên biến động đột ngột hôm 5/7, nhưng triển vọng vẫn rất mơ hồ

Thắt chặt tiền tệ khiến dòng tiền hạn chế đầu tư vào chứng khoán
Thắt chặt tiền tệ khiến dòng tiền hạn chế đầu tư vào chứng khoán
Cơn khát chờ lãi suất giảm đã được chứng thức bằng một phiên biến động đột ngột hôm 5/7. Tuy nhiên, triển vọng hạ lãi suất vẫn còn khá mơ hồ, ít nhất cho tới khi lạm phát theo năm có thể đạt đỉnh.

Vỡ mộng với “tín hiệu”

Cuối tuần trước, giới đầu tư được một phen vỡ mộng khi Ngân hàng Bhà nước chính thức phát đi thông điệp khẳng định: Việc giảm lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua thị trường mở từ 15%/năm xuống 14%/năm không phải là tín hiệu chính sách, mà chỉ là giải pháp điều hành linh hoạt công cụ nghiệp vụ thị trường mở hàng ngày. Có lẽ đây là lần đầu tiên Ngân hàng nhà nước phải phát đi thông điệp cụ thể về hoạt động điều chỉnh lãi suất thị trường mở vì từ trước đến nay, các biến động về lãi suất trên thị trường mở chỉ được các tổ chức tài chính thành viên thị trường quan tâm.

Thông điệp cũng được đưa ra kịp lúc sau khi có khá nhiều phát ngôn, phân tích rả rích được công khai từ đầu tuần. Thậm chí có phân tích còn cho rằng việc hạ lãi suất trên thị trường mở như vậy “hàm ý” khả năng nới lỏng tiền tệ. Thông điệp của Ngân hàng Nhà nước đã phủ định khả năng nói trên và khẳng định “chỉ là giải pháp điều hành linh hoạt công cụ nghiệp vụ thị trường mở hàng ngày phù hợp với chủ trương điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và linh hoạt”.

Ngân hàng Nhà nước cũng đồng thời tái khẳng định trong thời gian tới, sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, theo các mục tiêu tiền tệ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 và Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 05/6/2011.

Có lẽ thông điệp trên cũng phần nào muốn “trấn an” các quan điểm lo ngại Việt Nam thực hiện nới lỏng tiền tệ quá sớm trong khi áp lực lạm phát những tháng cuối năm 2011 còn cao. Tuy nhiên, với thị trường chứng khoán, thông điệp trên không tốt đẹp gì vì lực đỡ chính cho kỳ vọng của nhà đầu tư là lãi suất những tháng cuối năm sẽ hạ nhiệt, doanh nghiệp dễ thở hơn và tiền chảy vào chứng khoán dễ dàng hơn. 

Chứng khoán vẫn khó

Phiên giao dịch ngày 5/7, thị trường chứng khoán đã tăng khá mạnh và được cho là phản ứng từ kỳ vọng nới lỏng tiền tệ thông qua tín hiệu thị trường mở. Tuy nhiên, ngay sau đó thị trường có dấu hiệu hạ nhiệt mà không thể tiếp nối đà tăng. Thanh khoản sụt giảm trở lại mức quanh 400 tỷ đồng giá trị khớp lệnh hai sàn.

Một thống kê sơ bộ cho thấy các tổ chức đầu tư lớn vẫn hết sức cẩn trọng và có lẽ đa phần lực mua mạnh giá cao tại phiên đó vẫn chỉ xuất phát từ nhà đầu tư cá nhân. Theo số liệu của HSX, khối tự doanh của các công ty chứng khoán vẫn rất dè chừng với các biểu hiện nhất thời như vậy. Riêng tại HSX, nhóm tự doanh chỉ mua vào tổng cộng 3,69 tỷ đồng, trong khi bán ra 23,15 tỷ đồng ngày hôm đó. Phiên kế tiếp ngày 6/7, tự doanh thậm chí còn mua vào ít hơn, chỉ 2,4 tỷ đồng, trong khi tiếp tục bán ra 24,08 tỷ đồng.

Thiếu sự tham gia đủ mạnh của các tổ chức lớn, thanh khoản thị trường ngay lập tức sụt giảm và giá rớt trở lại. Điều này cũng được ủng hộ bởi khá nhiều báo cáo kinh tế của các chuyên gia kinh tế tại công ty chứng khoán cho rằng việc giảm lãi suất ngắn hạn trên thị trường mở không phát đi tín hiệu về một xu hướng nới lỏng tiền tệ. Thực tế cơ hội giảm nhanh mặt bằng lãi suất là rất khó.

“Chúng tôi coi động thái lãi suất repo giảm 1% xuống 14%/năm là để giảm lãi suất thị trường hơn là để giảm các lãi suất chính thức. Do đó trong trường hợp khả dĩ nhất thì lãi suất repo chỉ có thể giảm tiếp 1% trước cuối năm nay và theo chúng tôi sẽ chỉ diễn ra vào Quý 4”, các chuyên gia kinh tế của Công ty Chứng khoán HSC nhận định.

Về lý thuyết thì giảm lãi suất trên thị trường mở sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn. Tuy nhiên để tham gia thị trường mở, các ngân hàng phải có giấy tờ có giá. Mặt khác, kỳ hạn 7 ngày là rất ngắn, chỉ nhằm hỗ trợ thanh khoản chứ không phải cho vay. Trong tháng 4/2011, Ngân hàng nhà nước còn hỗ trợ qua thị trường mở bằng các kỳ hạn ngắn hơn, từ 3 đến 5 ngày. Riêng với kỳ hạn 7 ngày, mức lãi suất 14%/năm vẫn còn cao so với thời điểm tháng 2/2011, khi lãi suất repo cùng kỳ hạn chỉ có 11%/năm.

Bất chấp tín hiệu được xem là tốt qua việc hạ lãi suất thị trường mở kỳ hạn ngắn, hành trình giảm lãi suất cho vay chắc chắn vẫn còn rất gian nan và chứng khoán chưa thể trông mong vài cơ hội hưởng lợi. Thông điệp của Ngân hàng nhà nước thừa nhận thực tế thị trường hiện nay dư cung thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng tương đối ổn định ở mức 12-13%/năm, lãi suất huy động vốn VND thực tế từ tổ chức kinh tế và dân cư có biểu hiện giảm.
 
Tuy nhiên cơ hội giảm mạnh lãi suất cho các khoản vay đến tổ chức kinh tế lại là câu chuyện khác. Theo HSC, lãi suất huy động có thể giảm từ từ trong những tháng cuối năm nhưng tốc độ sẽ không nhanh do các ngân hàng sẽ tìm cách nâng cao mức chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay, vốn bị thu hẹp đáng kể trong 9 tháng qua.

Theo HSC, tốc độ giảm lãi suất cho vay sẽ phụ thuộc vào hai nhân tố: Tốc độ hạ nhiệt của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo năm và tốc độ giảm của các mức lãi suất tái cấp vốn và theo đó là mức giảm chênh lệch lãi suất. HSC cho rằng quá trình giảm tất cả các loại lãi suất chính sẽ diễn ra từ từ và lãi suất cho vay bình quân sẽ không giảm nhiều cho tới quý 4 năm nay. “Lãi suất nhiều khả năng sẽ giảm nhiều vào 6 tháng đầu năm 2012”, tổ chức này nhận định.

Việc các ngân hàng chưa chịu giảm ngay lãi suất cho vay, bất chấp có thể hạ lãi suất huy động là điều đã từng xảy ra. Quan điểm chủ đạo trong nửa cuối năm nay vẫn là thắt chặt tiền tệ, nhất là khi áp lực lạm phát còn quá cao và phải liên tục điều chỉnh tăng mục tiêu. Do đó, các ngân hàng vẫn có thể tranh thủ duy trì mức lãi suất cao để có cơ hội tận dụng chênh lệch lãi suất.

Một ước tính của HSC cho thấy mức chênh lệch lãi suất trung bình (chênh lệch giữa lãi suất cho vay trung bình với lãi suất tiền gửi) từ mức 4% hồi tháng 5/2010 đã giảm xuống còn có 1% vào tháng 5/2011. “Do lãi suất huy động đã giảm trở lại, các ngân hàng không nhất thiết phải vội vã giảm lãi suất cho vay và sẽ tận dụng cơ hội chênh lệch lãi suất tăng trở lại cho đến khi nào điều này còn diễn ra”, HSC nhận xét.

Liên quan đến CPI, các quan điểm trong và ngoài nước đều thống nhất mức tăng CPI theo năm chưa đạt đỉnh. HSC cho rằng CPI tính theo năm sẽ đạt đỉnh 21,5% vào tháng 8, sau đó giảm nhẹ xuống khoảng 19% vào cuối năm. Chứng khoán Tràng An còn cho rằng đỉnh CPI tháng 8 sẽ tăng khoảng 22,77% và đến tháng 12 năm nay rơi vào khoảng 19,19%.  Các con số có thể khác biệt nhưng tựu chung lại, mức lạm phát năm nay sẽ tương đối cao và đó sẽ là rào cản đối với khả năng hạ lãi suất cả tiết kiệm lẫn cho vay.