09:24 14/01/2008

Chứng khoán đến mùa thu hoạch

Từ nay đến cuối tháng 3/2008 các công ty cổ phần tiến hành đại hội cổ đông để quyết định phân chia lợi nhuận

Đầu năm mới cũng là lúc các công ty "tính sổ" để chia lời cho cổ đông.
Đầu năm mới cũng là lúc các công ty "tính sổ" để chia lời cho cổ đông.
Từ nay đến cuối tháng 3/2008 các công ty cổ phần tiến hành đại hội cổ đông để quyết định phân chia lợi nhuận và phương hướng hoạt động của năm tới. Liệu "mùa thu trái" có giúp thị trường đổi chiều? Dưới đây là một số ý kiến nhận định.

Giá tốt nhất, thời điểm hợp lý nhất để mua vào

(Ông Huỳnh Anh Tuấn - Công ty Chứng khoán ACBS)

"Với thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm qua vừa được một số công ty niêm yết cho thấy đa số các đơn vị đều đạt kết quả khá tốt, doanh số và lợi nhuận đều đạt hoặc vượt kế hoạch đặt ra. Thông thường đây là thời điểm các công ty niêm yết bắt đầu "khoe sắc".

Tuy nhiên, khác với năm ngoái, "mùa" công bố thông tin năm nay có thể diễn ra lặng lẽ hơn. Kết quả kinh doanh tốt chưa hẳn đã giúp giá cổ phiếu của công ty "xanh" lại liên tục. Cả hai nhân tố quan trọng chi phối đến quá trình ra quyết định của nhà đầu tư (nhà đầu tư) là tâm lý và xu hướng thị trường hiện nay đều không tốt.

Theo tôi, đây là thời điểm tốt nhất và giá các loại cổ phiếu trên sàn đang ở mức hợp lý nhất để nhà đầu tư có thể mua vào. Do đó, những thông tin tốt sẽ được các nhà đầu tư tham khảo và là một trong những yếu tố quan trọng đối với quyết định mua vào của nhà đầu tư."

Cổ đông sẽ nói câu chuyện "phát hành thêm"

(Ông Dominic Scriven - Giám đốc Quĩ Dragon Capital)

"Trong "mùa thu hoạch" chứng khoán năm nay, vấn đề được nhiều cổ đông đề cập trong các đại hội đó là việc phát hành thêm cổ phiếu. Thông thường các công ty chỉ quan tâm đến các yếu tố như doanh thu, thị phần, vốn điều lệ và lợi nhuận.

Thế nhưng điều nhà đầu tư quan tâm nhất trong thời gian tới chính là lợi nhuận trên từng cổ phiếu. Trong năm qua nhiều công ty đạt doanh thu và mức lợi nhuận khá cao, nhưng do phát hành thêm quá nhiều cổ phiếu, chỉ số EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) của những đơn vị này không tăng và chỉ số P/E cũng không giảm đi.

Phân tích các cổ phiếu chủ chốt trên sàn cho thấy những đơn vị này có tốc độ tăng trưởng đến 40%, nhưng tốc độ tăng EPS đạt chưa đến 50% tăng trưởng. Chính việc phát hành thêm quá nhiều cổ phiếu làm chỉ số EPS của các công ty niêm yết giảm, kéo giá cổ phiếu giảm.

Vì vậy, nhà đầu tư hiện nay lo lắng "bị” chia thêm cổ phiếu chứ không có tâm lý phấn khởi "được" chia thêm cổ phiếu như trước đây. Tóm lại, công ty nào có EPS cao sẽ được sự quan tâm của nhà đầu tư."

Sẽ giữ lại cổ phiếu nếu có thông tin tốt

(Nhà phân tích chứng khoán Lê Đạt Chí)

"Khó kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc trở lại sau khi các công ty niêm yết công bố thông tin. Nếu có tác động tích cực nào thì đó là những thông tin này sẽ giúp các nhà đầu tư đang nắm những cổ phiếu đó an tâm. Họ có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu này lâu dài do tin vào giá trị nội tại của nó thay vì đổ ra bán để cắt lỗ.

Điều nhà đầu tư kỳ vọng hơn, theo tôi, đó là các chính sách vĩ mô như nới lỏng cho vay kinh doanh chứng khoán, siết lại thị trường bất động sản, giảm cung, Ngân hàng Nhà nước giải bài toán tỉ giá để đồng vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài được hấp thu giải ngân hết. Nếu những chính sách này được cụ thể hóa, chắc chắn tâm lý của nhà đầu tư sẽ được giải tỏa và thị trường hấp dẫn trở lại."

Nhà đầu tư chờ thông tin tốt

(Ông Lâm Minh Chánh - Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Đại Việt)

"Theo tôi, đối với những cổ phiếu đáp ứng hai điều kiện là giá giảm 30% và công ty có mức lợi nhuận đạt hoặc vượt kế hoạch sẽ được nhiều nhà đầu tư chọn lựa. Đây là những cổ phiếu có nhiều khả năng đem lại lợi nhuận trong thời gian tới. Trong trường hợp giả định thận trọng nhất, lợi nhuận quí 4 của các công ty niêm yết bằng 25% lợi nhuận cả năm, chỉ số P/E bình quân của toàn thị trường hiện nay là 25-26%.

Nếu tỉ lệ này là 40% cả năm, chỉ số P/E của thị trường vào thời điểm hiện tại chỉ vào khoảng 21,8-22,4%, là mức khá hấp dẫn đối với một thị trường đang tăng trưởng như Việt Nam. Do vậy, nhà đầu tư chắc chắn sẽ chờ những thông tin tốt từ các công ty niêm yết vào mùa đại hội cổ đông đang và sắp diễn ra."

Lạc quan

(Ông Cheah King Yoong - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Mekong)

"VN-Index chỉ tăng khoảng 25% trong năm 2007, khá thấp so với năm 2006. So với khu vực, mức tăng trưởng VN-Index cũng có phần suy giảm so với những chỉ số quan trọng của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực.

Nhưng Việt Nam vẫn là một lựa chọn hấp dẫn khi VN-Index tiếp tục cho tỉ lệ sinh lời thuộc loại cao nhất khu vực. Theo dự đoán của chúng tôi, VN-Index trong năm 2008 sẽ đạt mức 1.140 điểm với chỉ số P/E là 28 và tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 20,1%."

IPO vẫn ám ảnh thị trường

(Anh Huỳnh Đức - nhà đầu tư tại sàn chứng khoán SSI)

"Sắp đến thời hạn cuối đóng tiền mua cổ phần của Vietcombank và tới đây là đợt phát hành cổ phần lần đầu (IPO) của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn... được nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn so với các thông tin tốt về kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết.

Bởi lẽ, nhà đầu tư muốn biết được lượng tiền chứng khoán chảy vào những "ông lớn" này bao nhiêu và mức độ tác động của nó đến xu hướng thị trường. Nhiều nhà đầu tư đang lo lắng và chờ đợi do chưa "cảm nhận" được các giải pháp giảm cung - kích cầu được các cơ quan quản lý thị trường tuyên bố vì nó chưa có gì cụ thể cả.

Dù sao, cổ phiếu của một số ngành như bất động sản và đầu tư tài chính hiện nay vẫn được quan tâm đặc biệt hơn. Cổ phiếu bất động sản hiện đang qua mặt cổ phiếu ngân hàng. Nhưng chủ trương của Chính phủ là siết lại thị trường này, vì thế cũng cần phải cân nhắc khi đầu tư."