09:25 27/06/2007

Chứng khoán: Hành nghề nào, cấp chứng chỉ đó

Hoàng Xuân

Dự thảo Quy chế người hành nghề chứng khoán đang được Ủy ban Chứng khoán lấy ý kiến từ các thành viên thị trường

Đây sẽ là những quy định cụ thể đầu tiên về điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán cho các cá nhân hành nghề chứng khoán trên lãnh thổ Việt Nam.
Đây sẽ là những quy định cụ thể đầu tiên về điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán cho các cá nhân hành nghề chứng khoán trên lãnh thổ Việt Nam.
Dự thảo Quy chế người hành nghề chứng khoán đang được Ủy ban Chứng khoán lấy ý kiến từ các thành viên thị trường.

Nếu được thông qua, đây sẽ là những quy định cụ thể đầu tiên về điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán cho các cá nhân hành nghề chứng khoán trên lãnh thổ Việt Nam.

Người được cấp chứng chỉ hành nghề bảo lãnh phát hành chứng khoán được hành nghề môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, tự doanh chứng khoán và bảo lãnh phát hành chứng khoán. Người được cấp chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ được hành nghề môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và quản lý tài sản.

Chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán được cấp cho cá nhân có các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán bao gồm: chứng chỉ “Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán”, chứng chỉ “Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán”, chứng chỉ “Phân tích và đầu tư chứng khoán”, chứng chỉ “Môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán”.

Chứng chỉ hành nghề bảo lãnh phát hành chứng khoán được cấp cho cá nhân có chứng chỉ “Tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành chứng khoán” và chứng chỉ “Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp”.

Chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ được cấp cho cá nhân có chứng chỉ “Quản lý quỹ và tài sản” và có ba năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Những văn bằng chứng chỉ thay thế

Điểm khá mới trong dự thảo quy chế này là việc công bố những loại văn bằng, chứng chỉ có thể thay thế cho một hoặc một số chứng chỉ chuyên môn trên.

Đó là: chứng chỉ CFA level 1 có thể thay thế cho chứng chỉ “Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán”, chứng chỉ “Phân tích và đầu tư chứng khoán”, chứng chỉ “Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp”, chứng chỉ “Môi giới chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán”, chứng chỉ “Tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành chứng khoán”.

Chứng chỉ CAAC, chứng chỉ CPA có thể thay thế cho chứng chỉ “Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán”, chứng chỉ “Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp” và chứng chỉ “Tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành chứng khoán”.

Bằng thạc sỹ ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng có thể thay thế cho chứng chỉ “Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán”, chứng chỉ “Phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp”. Bằng Đại học ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng có thể thay thế cho chứng chỉ “Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán”. Bằng Đại học ngành luật kinh tế có thể thay thế cho chứng chỉ “Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán”.

Chứng chỉ CFA level 2 trở lên hoặc chứng chỉ hành nghề kinh doanh chứng khoán, quản lý quỹ hợp pháp ở nước ngoài hoặc tài liệu tương đương được thay thế cho tất cả chứng chỉ hành nghề chuyên môn về chứng khoán, ngoại trừ chứng chỉ “Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán”.

Phân định trách nhiệm và quyền lợi rõ ràng

Ngoài ra, chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán nâng cấp thành chứng chỉ hành nghề bảo lãnh phát hành chứng khoán, chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán nâng cấp thành chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ, chứng chỉ bảo lãnh phát hành chứng khoán nâng cấp thành chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ.

Sau khi được đổi chứng chỉ hành nghề chứng khoán theo loại mới, người hành nghề phải nộp lại chứng chỉ hành nghề chứng khoán cũ cho Ủy ban Chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán sẽ tổ chức thi sát hạch tối thiểu bốn lần trong một năm. Người dự thi sát hạch cấp Chứng chỉ hành nghề chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện như: có trình độ đại học trở lên, có các chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán hoặc các văn bằng thay thế tương đương, phù hợp với từng loại vhứng chỉ hành nghề chứng khoán đăng ký dự thi sát hạch theo quy định.

Riêng với những người đã có chứng chỉ hành nghề chứng khoán hoặc chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ hợp pháp ở nước ngoài, chỉ cần thi sát hạch pháp luật về chứng khoán của Việt Nam.

Một phần rất quan trọng được nhấn mạnh trong dự thảo này là quyền và trách nhiệm của người hành nghề chứng khoán. Theo đó, khi đã có chứng chỉ hành nghề chứng khoán, người hành nghề phải có trách nhiệm tuân thủ pháp luật Việt Nam về chứng khoán và thị trường chứng khoán và các văn bản pháp luật liên quan, tuân thủ Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán tối đa là hai ngày làm việc sau khi ký kết hợp đồng làm việc với một công ty hoặc thôi việc tại một công ty (theo mẫu quy định tại phụ lục trong quy chế này) hoặc phát hiện bị mất chứng chỉ hành nghề chứng khoán...

Về phía các doanh nghiệp sử dụng người hành nghề, sẽ phải có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Chứng khoán về danh sách nhân viên nghiệp vụ được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán đang làm việc tại công ty chậm nhất là ngày 10/1 hàng năm.

Đồng thời, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có trách nhiệm thông báo với Ủy ban Chứng khoán trong thời hạn hai ngày làm việc sau khi người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán bắt đầu làm việc hoặc không còn làm việc cho công ty kèm theo bản sao hợp đồng lao động (đối với trường hợp tuyển dụng mới) hoặc quyết định chấm dứt hợp đồng lao động (đối với trường hợp thôi việc).