Chứng khoán “loạn cào cào” với dự đoán CPI
Đêm qua, giới đầu tư được phen mất ngủ, khi truyền hình bất ngờ đưa tin dự báo CPI tháng 3 tăng tới 3%
Đêm qua, giới đầu tư được phen mất ngủ, khi truyền hình bất ngờ đưa tin dự báo của Bộ Công Thương về mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tới 3%!
Liên tiếp những ngày sát thời điểm công bố CPI tháng 3, khá nhiều phân tích, dự đoán về mức tăng CPI. Những con số được đưa ra nhiều nhất đều “khoảng” 2% so với tháng 2/2011. Với dự đoán tới 3%, không ít nhà đầu tư giật mình.
Không rõ bản tin “Việt Nam và các chỉ số” trích nguồn từ báo cáo nào của Bộ Công Thương, nhưng nhiều tờ báo cũng dẫn nguồn này với số liệu dự kiến chỉ tăng “khoảng 2%”.
Mức tăng CPI tháng 3 trở nên quan trọng vì nó bắt đầu phản ánh các tác động từ việc tăng giá xăng dầu, giá điện, cũng như giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng lên do thay đổi tỷ giá. CPI tháng 3 còn góp phần khẳng định liệu mức tăng tới 2,09% đã là đỉnh hay chưa. Với giới đầu tư chứng khoán, “đỉnh của lạm phát là đáy của chứng khoán” đang được kỳ vọng không nhỏ.
Một yếu tố nữa khiến CPI tháng 3 được “cân đong đo đếm” vì đây là căn cứ để dự đoán chính sách. Mức tăng bao nhiêu sẽ làm thay đổi chính sách, với các khả năng “từ từ nới lỏng” hay “giữ nguyên mức độ thắt chặt hiện tại”, hoặc tiêu cực hơn là “tăng mức độ thắt chặt để kiềm chế lạm phát”.
Trả lời báo chí mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết còn một công cụ nữa là nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, trong trường hợp thật cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc sử dụng. Dĩ nhiên đây là công cụ rất mạnh, có ảnh hưởng tức thì và cần có thời gian cho các ngân hàng chuẩn bị nên khó có thể sử dụng ngay lập tức. Tuy nhiên, đây vẫn là một “cửa” để ngỏ, trong trường hợp lạm phát tăng quá cao.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán SME, rất khó có khả năng mức tăng CPI tháng 3 này sẽ thấp hơn tháng 2, vì CPI tháng 2 mới đơn thuần là thể hiện mức giá trong tháng Tết, chưa bao gồm tác động của đợt điều chỉnh giá mới. Các doanh nghiệp đều chọn ngày 1/3 làm thời điểm chốt tăng giá. Nhiều hàng hóa, dịch vụ cùng điều chỉnh tăng từ 10%-15%.
Khả năng CPI quanh mức 2% có vẻ được thị trường chấp nhận phổ biến vào lúc này. Trừ trường hợp đột biến cao hơn hoặc thấp hơn, thị trường mới phản ứng mạnh. Theo Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC), nếu CPI tháng 3 tăng dưới 2% sẽ là một thông tin tích cực. HSC dự báo CPI tháng này chỉ từ 1,5% đến 1,8%.
Một thông tin nữa cũng khiến thị trường chú ý là tình trạng sử dụng đòn bẩy ở nhiều công ty chứng khoán. Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, hiện tại tình trạng sử dụng đòn bẩy tài chính ở một số công ty chứng khoán đang gặp nhiều khó khăn. Cá biệt một số công ty chứng khoán đã và đang cắt giảm tỷ lệ margin của khách hàng xuống.
Không rõ thông tin này xác thực đến đâu vì chỉ có những nhà đầu tư mở tài khoản tại đó mới biết chính xác. Tuy nhiên nếu có xảy ra thì đây cũng là diễn biến bình thường vì định hướng giảm dòng tiền vào các lĩnh vực phi sản xuất đã có cách đây khá lâu. Tín hiệu từ việc nâng lãi suất hỗ trợ vốn và ứng trước tiền bán là nhằm tăng chi phí vốn cho nhà đầu tư.
Thông tin hỗ trợ đáng kể trong tháng 3, nếu có, chỉ là số liệu CPI tốt hơn kỳ vọng. Kết quả kinh doanh quý 1/2011 không nhiều dấu hiệu khả quan trong bối cảnh lãi suất, chi phí đầu vào cao như vậy. Dĩ nhiên, cũng có doanh nghiệp làm ăn tốt, nhưng bối cảnh thị trường mới mang tính quyết định.