Chứng khoán Mỹ bán tháo sau tin Fed, giá dầu vẫn tăng, Bitcoin giảm mạnh
Nhà đầu tư lo lắng sau khi thấy biên bản cuộc họp Fed tiết lộ rằng ngân hàng trung ương này đã thảo luận đến việc cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (5/1), sau khi biên bản cuộc họp tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được công bố. Giá dầu thô giữ đà tăng cho dù OPEC+ tăng sản lượng và lượng xăng tồn kho của Mỹ tăng. Giá Bitcoin giảm mạnh xuống dưới 44.000 USD.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 1,94%, còn 4.700,58 điểm. Chỉ số Dow Jones trượt 1,07%, còn 36.407,11 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 3,34%, còn 15.100,17 điểm.
Nhà đầu tư lo lắng sau khi thấy biên bản cuộc họp Fed tiết lộ rằng ngân hàng trung ương này đã thảo luận đến việc cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán. Đây là một bước đi quan trọng nữa của Fed bên cạnh rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo thời đại dịch Covid-19. Trước khi nói đến vấn đề thu hẹp lượng tài sản nắm giữ, Fed đã tuyên bố đẩy nhanh cắt giảm quy mô của chương trình mua tài sản và dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm nay.
Biên bản nói rằng Fed dự định giảm lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu đảm bảo bằng nợ địa ốc. Đây là những tài sản mà Fed đã mua vào một lượng lớn, qua đó bơm hàng nghìn tỷ USD vào thị trường kể từ khi đại dịch bắt đầu. Quy mô bảng cân đối kế toán của Fed hiện ở mức khoảng 8,8 nghìn tỷ USD.
“Hầu hết các thành viên dự họp đều nhất trí rằng sẽ là hợp lý để bắt đầu giảm bảng cân đối kế toán vào một thời điểm nào đó sau đợt nâng lãi suất đầu tiên”, biên bản viết.
Dù tăng vào đầu phiên, các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt chuyển sang sắc đỏ khi thông tin trên được đưa ra.
“Nếu bạn đang lướt trên một làn sóng thanh khoản để đi lên, và khi thanh khoản đó bắt dầu mất đi, thì chẳng có gì lạ khi bạn thấy thị trường có phản ứng”, bà Kathy Jones, trưởng bộ phận trái phiếu của Charles Schwab, phát biểu.
“Năm nay là năm chúng ta sẽ chứng kiến sự chuyển giao từ chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá siêu lỏng lẻo sang chính sách tiền tệ và tài khoá bớt lỏng hơn. VIệc đó sẽ phải có một số ảnh hưởng đến các tài sản rủi ro đã tăng giá nhiều”, bà Jones nói.
Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính trong S&P 500 đều mất điểm phiên này.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,8 USD/thùng, tương đương tăng 1%, chốt ở 80,8 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,86 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, đạt 77,85 USD/thùng.
Giá dầu giữ đà tăng của những phiên gần đây cho dù OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước sản xuất dầu ngoài khối gồm Nga, duy trì kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng trong tháng 2.
Một thông tin bất lợi nữa đối với giá dầu đến từ báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ. Theo báo cáo này, lượng tồn kho xăng của Mỹ tăng hơn 10 triệu thùng trong tuần trước, do nhu cầu suy giảm khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Hôm thứ Hai tuần này, Mỹ báo cáo hơn 1 triệu ca nhiễm mới trong 1 ngày, kỷ lục về số ca nhiễm mới Covid trong một ngày tại một quốc gia từ khi đại dịch bắt đầu.
Giới phân tích nói rằng việc giá dầu tăng bất chấp những thông tin bất lợi này cho thấy nhà đầu tư tiếp tục tin vào sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ năng lượng trọng năm nay.
Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin vẫn đang trên đà sụt giảm. Lúc hơn 7h sáng nay (6/1), giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com là 43.565 USD, giảm hơn 5% so với cách đó 24 tiếng.
Xu hướng giảm gần đây của Bitcoin và thị trường tiền ảo nói chung không nằm ngoài xu hướng nhiều biến động của thị trường tài chính. Lạm phát tăng mạnh ở nhiều nơi đang buộc các ngân hàng trung ương, gồm Fed, phải thắt chặt hoặc tiến tới thắt chặt chính sách tiền tệ, đe doạ nguồn thanh khoản dồi dào vốn là động lực cho sự tăng giá của nhiều tài sản trong năm ngoái.
“Fed đã trở nên cứng rắn. Phản ứng từ thị trường tiền ảo cho thấy loại tài sản này nên được xem là một tài sản rủi ro, cho dù xu hướng dài hạn là tiền ảo có thể trở thành một kênh đầu tư chống lạm phát hay lưu trữ giá trị”, CEO Stephane Ouellette của FRNT Financial nhận định.