Chứng khoán Mỹ, châu Âu “xanh mướt” sau lời hứa của Chủ tịch Fed
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục hồi điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (22/6), với chỉ số Nasdaq thiết lập kỷ lục mới sau khi ông Jerome Powell hứa sẽ không tăng lãi suất quá nhanh...
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục hồi điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (22/6), sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell hứa sẽ không tăng lãi suất quá nhanh.
Chỉ số Nasdaq dẫn đầu phiên tăng này của chứng khoán Mỹ, đưa toàn thị trường đảo ngược xu thế bán tháo của tuần trước. Trong tuần trước, nhà đầu tư ở Phố Wall xả mạnh cổ phiếu sau khi Fed dự báo sẽ bắt đầu tăng lãi suất từ năm 2023, thay vì từ năm 2024 như dự kiến trước đó. Cơ sở cho việc đẩy nhanh kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ này là áp lực lạm phát ngày càng lớn.
Trước phiên tăng này, chứng khoán Mỹ đã hồi phục mạnh trong phiên ngày thứ Hai.
Với phiên tăng đêm qua, Nasdaq lập thêm một kỷ lục mới. Loạt cổ phiếu công nghệ đình đám nhờ đó nối lại xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ thiết lập từ năm ngoái.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 0,2%; S&P 500 tăng 0,51%; và Nasdaq tăng 0,79%, đạt 14.253,27 điểm.
Thị trường chứng khoán châu Âu cũng có một phiên tăng điểm trên diện rộng nhờ sự trấn an của Chủ tịch Fed. Chỉ số DAX của thị trường Đức tăng 0,21%; FTSE của chứng khoán Anh tăng 0,39%; CAC của Đức tăng 0,14%; và STOXX 600 của thị trường châu Âu tăng 0,26%.
Chỉ số MSCI All-Country World Index của chứng khoán thế giới tăng 0,62% trong phiên này.
“Tôi cho rằng thị trường đã nhận ra một điều rằng đây là một thị trường chín muồi: lãi suất vẫn đang thấp và đối với nhà đầu tư cổ phiếu, đây đúng là một sự hợp lý”, chiến lược gia trưởng Patrick Leary thuộc Incapital phát biểu. “Thị trường vốn lo ngại về những con số cho thấy lạm phát tăng và họ đã bất an hơn khi Fed phải đến tận cuộc họp vào tuần trước mới thừa nhận điều này”.
Điều trần trước Quốc hội Mỹ, ông Powell cam kết Fed sẽ không nâng lãi suất chỉ vì nỗi lo lạm phát tăng, mà thay vào đó, sẽ ưu tiên sự phục hồi “trên diện rộng và bao trùm” của thị trường việc làm. Ông nói sự gia tăng gần đây của giá cả chưa đủ để cho thấy việc tăng lãi suất là cần thiết, và thay vào đó, sự tăng giá này chủ yếu xuất phát từ những yếu tố liên quan đến việc mở cửa trở lại nền kinh tế.
“Sau khi Fed khiến thị trường bán tháo vào cuối tuần trước, mọi chuyện lại đảo chiều trong hai phiên đầu tiên của tuần này. Có vẻ như phản ứng của thị trường trong tuần trước là quá đà”, nhà kinh tế học Stephanie Roth của JP Morgan Private Bank nhận xét.
Phát biểu của ông Powell khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm sâu hơn, về ngưỡng 1,46%, từ mức 1,5% vào đầu phiên giao dịch. Đồng USD cũng trượt giá, với chỉ số Dollar Index giảm 0,2%, còn 91,73 điểm.
Giá dầu thô giảm nhẹ khi có tin liên minh OPEC+ bàn khả năng tăng sản lượng khai thác.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,09 USD/thùng, còn 74,81 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt 75,3 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 4/2019.
Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,6 USD/thùng, tương đương giảm 0,8%, còn 73,06 USD/thùng.