07:03 27/07/2022

Chứng khoán Mỹ lao dốc sau cảnh báo của Walmart, giá dầu tiếp tục giảm

Ngọc Trang

Giá cổ phiếu Walmart sụt tới 7,6% sau khi hãng bán lẻ khổng lồ này hạ dự báo lợi nhuận cả năm vào cuối ngày 25/7 với lý do lạm phát thực phẩm và nhiên liệu...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (26/7) đều đóng cửa giảm điểm sau khi cảnh báo về lợi nhuận của Walmart kéo tụt một loạt cổ phiếu bán lẻ. Cùng với đó, dữ liệu về niềm tin của người tiêu dùng yếu cũng làm dấy lên lo ngại về chi tiêu tiêu dùng sụt giảm.

Giá cổ phiếu Walmart sụt tới 7,6% sau khi hãng bán lẻ khổng lồ này hạ dự báo lợi nhuận cả năm vào cuối ngày 25/7 với lý do lạm phát thực phẩm và nhiên liệu.

Cổ phiếu Target Corp cũng mất 3,6% giá trị, còn cổ phiếu Amazon giảm 5,2%. Chỉ số bán lẻ S&P 500 giảm 4,2%.

Lúc đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 228,5 điểm, tương đương 0,71%, xuống còn 31.761,54 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 45,79 điểm, tương đương 1,15%, xuống còn 3.921,05 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt mạnh hơn, khi mất 220,09 điểm, xuống còn 11.562,58 điểm, tương đương mức giảm 1,87%.

Ngày 26/7, dữ liệu được công bố cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 7 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1,5 năm với mối lo thường trực về lạm phát cao và lãi suất tăng.

“Đa số các công ty báo cáo kết quả kinh doanh hôm nay (26/7) đều vượt dự báo. Nhưng tất nhiên có một số cảnh báo và thị trường lại tập trung vào điều này”, nhà kinh tế thị trường trưởng Peter Cardillo tại Spartan Capital Securities ở New York (Mỹ), nhận xét.

Amazon là cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trong Nasdaq. Nhóm cổ phiếu bán lẻ cũng dẫn đầu về mức giảm trong các nhóm ngành của S&P 500. Amazon trước đó cho biết sẽ tăng phí giao hàng và phí dịch vụ phát video trực tuyến Prime ở châu Âu tới 43% một năm.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 26/7 đã bắt đầu cuộc họp về chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày. Vào cuối ngày 27/7, cơ quan này được dự báo sẽ thông báo tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm để tiếp tục kềm chế lạm phát. Giới đầu tư lo ngại rằng các đợt tăng lãi suất mạnh tay có thể đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Tuần này cũng là một tuần bận rộn trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2. Sau khi kết thúc phiên giao dịch ngày 26/7, báo cáo của hai hãng công nghệ khổng lồ, Alphabet và Microsoft, đã lần lượt được công bố.

Giá cổ phiếu Microsoft đã giảm 0,5% trong phiên giao dịch ngoài giờ, trong khi cổ phiếu Alphabet tăng 3% với kết quả kinh doanh khả quan. Trong phiên giao dịch chính thức cùng ngày, cổ phiếu Microsoft đã giảm 2,7%, còn Alphabet sụt 2,3%.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi và quan xem liệu kết quả lợi nhuận của một loạt công ty vốn hóa lớn được công bố trong tuần này có thể giúp thị trường duy trì được đà tăng những phiên gần đây hay không.

Theo dữ liệu của Refinitiv, lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 được dự báo tăng 6,2% trong quý 2 so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong phiên giao dịch chính thức ngày 26/7, giá cổ phiếu Coca-Cola tăng 1,6% sau khi công ty này nâng dự báo doanh thu cả năm nay. Giá cổ phiếu hãng đồ ăn nhanh McDonald's cũng tăng 2,7% nhờ kết quả kinh doanh vượt dự báo.

Giá dầu ngày 26/7 tiếp tục giảm trong bối cảnh nhà đầu tư lo lắng về niềm tin người tiêu dùng suy yếu và chuẩn bị tinh thần cho việc Mỹ xả thêm 20 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược.

Giá hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 75 Cent, tương đương 0,7%, xuống còn 104,4 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 1,72 Cent, xuống còn 94,98 USD/thùng, tương đương mức giảm 1,8%.

Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ bán thêm 20 triệu thùng dầu thô trong Kho Dự trữ Dầu Chiến lược Mỹ (SPR) – động thái nằm trong một kế hoạch nhằm làm dịu giá dầu. Hồi cuối tháng 3, Washington cũng nói sẽ xả kỷ lục 1 triệu thùng dầu SPR một ngày trong vòng 6 tháng.

Dù đóng cửa giảm, giá dầu đầu phiên 26/7 tăng nhẹ sau thông tin Nga sẽ thắt chặt nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Ngày 25/7, tập đoàn Gazprom của Nga thông báo sẽ giảm lượng khí đốt cung cấp cho Đức qua hệ thống đường ống Nord Stream 1 xuống chỉ còn 20% công suất. Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có thể phải tiến hành phân bổ khí đốt theo định mức cho các ngành công nghiệp để đảm bảo nguồn cung khí đốt cho người dân trong các tháng mùa đông sắp tới.

Nguồn cung dầu thô, khí đốt và sản phẩm dầu sang châu Âu bị gián đoạn do các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga cũng như các vấn đề liên quan tới thanh toán với phía Nga kể từ khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine. Liên minh châu Âu (EU) liên tục cáo buộc Nga dùng năng lượng để “tống tiến”, trong khi điện Kremlin nói rằng gián đoạn nguồn cung là do các biện pháp trừng phạt và hệ thống đường ống gặp vấn đề kỹ thuật.