Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới, giá dầu giảm, bitcoin mất mốc 70.000 USD
Cả ba chỉ số cùng đang tiến tới hoàn tất quý 1 với mức tăng mạnh, trong đó S&P 500 đã tăng 10% kể từ đầu quý...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (27/3), với chỉ số S&P 500 chốt phiên ở mức cao kỷ lục và tiến tới hoàn tất quý 1 tăng mạnh nhất kể từ năm 2019. Giá dầu thô giảm do lượng tồn trữ của Mỹ tăng, trong khi giá bitcoin không giữ được mốc 70.000 USD vì sự thoái vốn khỏi các quỹ ETF bitcoin giao ngay.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,86%, đạt 5.248,49 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 477,75 điểm, tương đương tăng 1,22%, chốt ở mức 39.760,08 điểm. Phiên tăng này đồng nghĩa cả S&P 500 và Dow Jones cùng chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp trước đó.
Chỉ số Nasdaq tăng 0,51%, chốt phiên ở mức 16.399,52 điểm.
Sự tăng điểm trong phiên này diễn ra trên diện rộng, với toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500 cùng “xanh”. Dẫn đầu là nhóm tiện ích với mức tăng 2,8%, nhóm bất động sản tăng 2,4% và nhóm công nghiệp tăng 1,6%.
“Hãy nhìn vào S&P 500 mà xem: những cổ phiếu dẫn dắt sự tăng điểm của phiên này lại chính là những kẻ thất bại trong thời gian qua. Bởi vậy, có vẻ như đây là một sự cân bằng lại vào cuối quý và phản ánh sự hưng phấn gia tăng đối với cổ phiếu. Nếu đây không phải là thời điểm cuối quý, thị trường có lẽ đã im ắng hơn”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của công ty B. Riley Wealth nhận định.
Cả ba chỉ số cùng đang tiến tới hoàn tất quý 1 với mức tăng mạnh: S&P 500 đã tăng 10% kể từ đầu quý, và đây có thể sẽ quý 1 tăng mạnh nhất của chỉ số này kể từ quý 1/2019 - quý mà chỉ số đã tăng 13,1%.
Dow Jones tăng 5,5% từ đầu quý và đang trên đà ghi nhận quý 1 tăng mạnh nhất kể từ năm 2021 - năm mà chỉ số bluechip này tăng 7,4% trong quý đầu năm. Nasdaq tăng 9,3% từ đầu quý tới nay.
Xung lực tăng của thị trường được duy trì mạnh mẽ trong tháng 3, khi cả ba chỉ số cùng tiến tới hoàn tất tháng tăng thứ 5 liên tiếp. Tính đến đóng cửa phiên ngày thứ Tư, S&P 500 tăng khoảng 3%. Cả Nasdaq và Dow Jones đều đã tăng 1,9% trong tháng này.
“Một cuộc hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ là điều được kỳ vọng phổ biến trên thị trường vào lúc này, và thị trường đã giảm bớt kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất”, một báo cáo của công ty quản lý tài sản UBS Wealth Management nhận định. “Về quý 2, chúng tôi cho rằng đó sẽ là giai đoạn tiếp theo để hai động lực tăng điểm chính của thị trường được triển khai, bao gồm sự khởi đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn, và việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên diện rộng”.
Trong thời gian còn lại của tuần này, nhà đầu tư sẽ nhận được một số dữ liệu kinh tế Mỹ, trong đó quan trọng nhất là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Tuy nhiên, thị trường sẽ đóng cửa nghỉ lễ Good Friday vào ngày thứ Sáu.
Giá dầu thô WTI giao tháng 5 tại thị trường New York giảm 0,27 USD/thùng, tương đương giảm 0,33%, chốt ở mức 81,35 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 0,16 USD/thùng, tương đương giảm 0,19%, còn 86,09 USD/thùng.
Dầu giảm giá sau khi báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô thương mại của nước này tăng 3,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22/3. Lượng tồn trữ xăng tăng 1,3 triệu thùng.
Cũng theo báo cáo trên, sản lượng dầu thô của Mỹ trong tuần duy trì ở mức 13,1 triệu thùng/ngày. Lượng sản phẩm xăng dầu cung ứng ra thị trường - một chỉ báo về nhu cầu tiêu thụ - giảm 212.000 thùng.
Năm nay, giá dầu WTI đã tăng 13,5% và giá dầu Brent tăng 11,75%. Động lực tăng giá cho dầu thô từ đầu năm tới nay là sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ, triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến tới cắt giảm lãi suất, các dự báo về sự thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu trong năm nay, và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và ở Nga-Ukraine.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, giá đồng tiền ảo lớn nhất là bitcoin tiếp tục giằng co quanh ngưỡng chủ chốt 70.000 USD. Ngày thứ Tư, có thời điểm giá bitcoin vượt 71.000 USD, nhưng sau đó lại giảm dưới 70.000 USD.
Lúc gần 7h sáng nay (28/3) theo giờ Việt Nam, giá bitcoin đứng ở mức 69.129 USD, giảm gần 2% so với cách đó 24 tiếng - theo dữ liệu từ trang Conmarketcap.com.
Theo giới phân tích, áp lực giảm đối với bitcoin tăng lên gần đây khi nhà đầu tư rút 1,9 tỷ USD khỏi quỹ ETF bitcoin giao ngay có tên Grayscale Bitcoin Trust trong tuần trước. Các quỹ ETF bitcoin giao ngay khác như quỹ của BlackRock, Fidelity Investments… vẫn hút vốn ròng, nhưng không đủ để bù lại lượng vốn rút khỏi quỹ Grayscale.
Một lý do khiến nhà đầu tư rút vốn khỏi Grayscale là quỹ này áp mức phí cao hơn so với quỹ khác. Nhà đầu tư mua bitcoin thông qua quỹ này phải trả phí 1,5%, so với mức chỉ 0,2% ở quỹ của BlackRock và một số quỹ khác.
Giá bitcoin đã lập kỷ lục mọi thời đại ở mức hơn 73.000 USD vào trung tuần tháng này.
“Mỗi khi giá một tài sản lập kỷ lục, nhu cầu hiện thực hoá lợi nhuận sẽ xuất hiện” hoặc ít nhất nhu cầu mua sẽ lắng xuống - chuyên gia Adam Sze của công ty Global X nhận định. Ông Sze cho rằng để dòng vốn chảy vào các quỹ ETF bitcoin hồi phục, yếu tố quan trọng không phải là giá bitcoin ổn định hơn mà là dấu hiệu cho thấy mối quan tâm lớn hơn của các nhà đầu tư tổ chức.