07:37 16/02/2024

Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới, giá dầu tăng bất chấp dự báo ảm đạm về nhu cầu

Bình Minh

Chi phối tâm lý nhà đầu tư ở Phố Wall trong tuần này là câu hỏi trạng thái thực chất của nền kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại là gì?...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (15/2), với chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới lần thứ 11 trong năm nay. Giá dầu tăng khá mạnh do căng thẳng địa chính trị tiếp diễn ở Trung Đông và bất chấp dự báo ảm đạm về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,58%, đạt 5.029,73 điểm. Trước phiên này, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ đã có 10 lần lập kỷ lục đóng cửa trong vòng chỉ 1 tháng rưỡi qua.

Chỉ số Nasdaq tăng 0,3%, đạt 15.906,17 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 348,85 điểm, tương đương tăng 0,91%, đạt 38.773,12 điểm.

Chi phối tâm lý nhà đầu tư ở Phố Wall trong tuần này là câu hỏi trạng thái thực chất của nền kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại là gì? Tuy nhiên, các số liệu kinh tế công bố trong tuần chưa thể mang lại cho họ một câu trả lời rõ ràng.

Thống kê đưa ra vào ngày thứ Năm cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 1 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, mạnh hơn so với mức dự báo giảm 0,3% mà giới phân tích đưa ra. Số liệu doanh thu bán lẻ tháng 12 được điều chỉnh, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn con số đưa ra trong lần công bố sơ bộ.

Dữ liệu này khiến nhà đầu tư ít nhiều lo lắng về sức khoẻ của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh lạm phát có dấu hiệu giảm chậm lại và lãi suất còn đang cao. Số liệu công bố trước đó trong tuần này cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng cao hơn so với dự báo.

Tuy nhiên, tin xấu về bán lẻ cũng được nhiều nhà đầu tư xem là tin tốt, vì củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh việc khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Phản ánh kỳ vọng này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống. Giá cổ phiếu nhờ đó cũng tăng, mặc cho mối lo rằng nền kinh tế Mỹ có thể sẽ không có được một cuộc hạ cánh mềm như nhà đầu tư vẫn kỳ vọng cho tới gần đây.

“Số liệu bán lẻ không được như kỳ vọng, nhưng phù hợp với dự báo của chúng tôi là môi trường tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại khi bước sang năm 2024. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cho là tăng trưởng sẽ bền, đồng nghĩa là nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được một cuộc suy thoái vào giữa năm 2024”, Giám đốc đầu tư Bill Northey của công ty US Bank Wealth Management nói với hãng tin Reuters.

Thị trường đang hồi phục sau phiên bán tháo ngày thứ Ba - phiên mà Dow Jones ghi nhận mức giảm phần trăm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023, sau khi số liệu CPI nóng hơn dự báo khiến thị trường cắt giảm các đặt cược về giảm lãi suất. Với hai phiên tăng vào ngày thứ Tư và thứ Năm, Dow Jones hiện đã tăng 0,26% trong tuần này và S&P 500 tăng 0,06%, nhưng Nasdaq đã giảm 0,53% từ đầu tuần.

“Báo cáo CPI nóng hơn dự báo đã dẫn tới phản ứng bán tháo quá mức của nhà đầu tư. Tôi cho rằng thị trường sẽ dành thời gian còn lại của tuần này để lấy lại những gì đã mất trong phiên đó… Chúng tôi tin rằng xu hướng tăng sẽ duy trì”, chiến lược gia trưởng Art Hogan của công ty B. Riley Wealth Management nhận định với hãng tin CNBC.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao tháng 3 tại New York tăng 1,39 USD/thùng, tương đương tăng 1,81%, chốt ở mức 78,03 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 4 tại London tăng 1,26 USD/thùng, tương đương tăng 1,54%, chốt ở 82,86 USD/thùng.

Giá dầu được hỗ trợ bởi đồng USD giảm giá sau báo cáo doanh thu bán lẻ tháng 1 của Mỹ và bởi căng thẳng địa chính trị.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm gần 0,4%, chốt phiên ở mức gần 104,3 điểm. Ở Trung Đông, Israel đã ném bom Lebonon vào hôm thứ Tư để trả đũa các vụ tấn công rocket nhằm vào miền Bắc Israel trước đó. Các cuộc đàm phán ở Cairo, Ai Cập nhằm đạt một thoả thuận ngừng bắn tạm thời cho dải Gaza rơi vào bế tắc.

Trong phiên, có thời điểm giá dầu giảm khoảng 1% sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 1,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, giảm gần 50% từ mức tăng 2,3 triệu thùng/ngày trong năm 2023. Trong khi đó, nguồn cung được dự báo sẽ tăng trưởng 1,7 triệu thùng/ngày, vượt mức tăng của nhu cầu, chủ yếu do sản lượng dầu cao hơn ở các nước như Mỹ, Brazil, Canada và Guyana - theo định chế có trụ sở ở Paris.

“Dù tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay chậm hơn nhiều so với năm ngoái, lượng dầu tồn kho toàn cầu sẽ tiếp tục giảm trong năm nay nếu Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tiếp tục giữ sản lượng dầu ở mức thấp”, nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nhận định với Reuters.

Về phần mình, OPEC đã dự báo một thị trường dầu lửa thắt chặt hơn trong năm 2024 so với dự báo mà IEA đưa ra, trong đó nhu cầu được dự báo tăng 2,2 triệu thùng/ngày và sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC chỉ tăng 1,2 triệu thùng/ngày.

“IEA và OPEC đang ở một trong một cuộc đấu giữa các chuyên gia, nhưng thị trường luôn tin OPEC hơn vì OPEC mới là những người thực sự sản xuất và giao dịch dầu lửa nên họ hiểu thị trường tốt hơn”, Giám đốc Manish Raj của công ty Velandera Energy Partners nói với Reuters.