Chứng khoán Mỹ tăng bùng nổ, dầu tụt giá mạnh, Bitcoin đi lên
“Những nhà đầu tư lường trước được độ biến động gia tăng của thị trường trong năm 2022 đã nhanh chóng nhảy vào bắt đáy”...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khép lại một tuần đầy biến động, trong lúc nhà đầu tư tiếp tục đánh giá rủi ro tài chính xuất phát từ cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraine. Giá dầu thô sụt giảm trở lại, trong khi giá Bitcoin chuyển “xanh” theo giá cổ phiếu ở Phố Wall.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 834,92 điểm, tương đương tăng 2,5%, chốt ở 34.058,75 điểm. Đây là phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020 của chỉ số blue-chip gồm 30 cổ phiếu này.
Chỉ số S&P 500 tăng 2,2%, chốt ở 4.384,65 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,6%, đạt 13.694,62 điểm.
Trong phiên ngày thứ Năm, chứng khoán Mỹ đã có một cú “lội ngược dòng” ngoạn mục, khi các chỉ số chính đảo chiều mạnh mẽ từ xu thế giảm sâu vào đầu phiên sang tăng mạnh vào cuối phiên. Dow Jones dù có lúc giảm hơn 800 điểm nhưng vẫn đóng cửa trong sắc xanh rực rỡ.
“Những nhà đầu tư lường trước được độ biến động gia tăng của thị trường trong năm 2022 đã nhanh chóng nhảy vào bắt đáy”, Giám đốc đầu tư Jeff Kilburg của Sanctuary Wealth nhận định. “Thị trường đã rơi vào trạng thái bán quá nhiều, vì đã phản ứng quá đà với cuộc khủng hoảng Ukraine”.
Tuy nhiên, do đã giảm sâu trong ba phiên đầu tiên của tuần, Dow Jones mất điểm trong tuần này, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp. S&P 500 và Nasdaq tăng tương ứng 0,8% và 1,1% trong tuần.
Tâm lý của thị trường phiên này nhận được một cú huých sau khi điện Kremlin nói rằng Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng cử phái đoàn tới Minsk, thủ đô của Belarus, để đàm phán với Ukraine.
Trong khi đó, Mỹ tuyên bố sẽ áp lệnh trừng phạt lên ông Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Trước đó, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố biện pháp tương tự.
Tuần này, phương Tây đã áp hàng loạt biện pháp lên trái phiếu chính phủ Nga, các ngân hàng lớn của Nga và nhiều nhân vật thuộc giới tinh hoa của nước này, nhằm cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu.
“Tình hình trên thực địa vẫn phức tạp, nhưng khi đã có sự rõ ràng về trừng phạt, tôi cho rằng thị trường sẽ cảm thấy thoải mái hơn”, chiến lược gia Jeff Kleintop của Charles Schwab phát biểu.
Về dữ liệu kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) yêu thích – tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ. Mức tăng này cao hơn mức tăng 5,1% mà giới phân tích dự báo.
Nasdaq hiện vẫn đang ở trong trạng thái thị trường điều chỉnh (correction market), giảm hơn 10% so với mức kỷ lục. Dow Jones và S&P 500 vẫn còn ngấp nghé trạng thái này.
“Thị trường đang bị chi phối bởi các dòng tít báo, và khi tình hình Nga-Ukraine rõ ràng hơn, tâm điểm chú ý sẽ quay trở lại với Fed”, chuyên gia Paul Hickey của Bespoke Investments phát biểu trên CNBC.
Nỗi lo về Ukraine dịu đi, giá dầu cũng giảm nhiệt theo.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao tháng 4 tại thị trường London giảm 1,15 USD/thùng, tương đương giảm 1,2%, còn 97,93 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt 101,99 USD/thùng.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 1,22 USD/thùng, tương đương giảm 1,3%, còn 91,59 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI đạt 95,64 USD/thùng.
Cả tuần, giá dầu Brent tăng 4,7%, còn giá dầu WTI tăng 0,6%.
Hôm thứ Năm, khi Nga vừa tấn công Ukraine, giá dầu vượt mốc 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014, trong đó giá dầu Brent có lúc vượt 105 USD/thùng.
Nguồn tin là quan chức Mỹ nói với hãng tin Reuters rằng nước này sẽ không áp trừng phạt lên hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga.
“Khoảng 2,3 triệu thùng trong số 4,6 triệu thùng dầu mà Nga xuất khẩu mỗi ngày được cung cấp cho phương Tây”, một báo cáo của Wood Mckenzie cho hay. “Chúng tôi đang nhận thấy việc mua dầu Nga chậm lại. Cho tới khi các điều khoản về thanh toán được làm rõ, sự thắt chặt nguồn cung có thể gia tăng”.
Hiện Mỹ cũng đáng tính đến khả năng phối hợp cùng các quốc gia khác xả dự trữ dầu lửa chiến lược để kéo giá dầu xuống. Ngoài ra, liên minh OPEC+ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối vẫn chủ trương duy trì tăng sản lượng khai thác dầu thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng.
Theo Reuters, giới giao dịch cho biết từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc mua dầu dự trữ, bất chấp giá dầu tăng và lời kêu gọi của Mỹ về phối hợp xả dự trữ để giảm nhiệt giá dầu.
Trên thị trường tiền ảo, Bitcoin đang hồi giá theo cổ phiếu. Giá Bitcoin lúc hơn 8h sáng nay (26/2) theo giờ Việt Nam tăng gần 3,6% so với cách đó 24 tiếng, đạt 39.719 USD. Khi Nga vừa mở cuộc tấn công Ukraine tuần này, giá Bitcoin có lúc giảm còn hơn 34.000 USD.