07:25 26/08/2022

Chứng khoán Mỹ tăng bùng nổ trước khi ông Powell phát biểu, giá dầu lao dốc

Bình Minh

Thị trường đang kỳ vọng rằng trong bài phát biểu này, ông Powell sẽ đưa ra những tín hiệu về việc Fed sẽ cứng rắn như thế nào trong việc tăng lãi suất...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ xanh rực trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (25/8), nhờ mức tăng mạnh mẽ của cổ phiếu công nghệ trong lúc nhà đầu tư chờ bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell để tìm những tín hiệu mới về triển vọng chính sách tiền tệ. Giá dầu thô sụt mạnh vì khả năng “tái xuất” của dòng dầu xuất khẩu dồi dào từ Iran.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,98%, đạt 33.291,78 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,41%, đạt 4.199,12 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,67%, đạt 12.639,27 điểm.

 

Các nhà giao dịch ở Phố Wall đang nghiêng về khả năng Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9, thay vì bước nhảy 0,5 điểm phần trăm.

Tại hội nghị thường niên của Jackson Hole, Wyoming - sự kiện dự kiến kéo dài 3 ngày và đã khai mạc vào ngày thứ Năm - ông Powell sẽ có bài phát biểu được chờ đợi vào ngày thứ Sáu. Thị trường đang kỳ vọng rằng trong bài phát biểu này, ông Powell sẽ đưa ra những tín hiệu về việc Fed sẽ cứng rắn như thế nào trong việc tăng lãi suất nhằm kiểm soát mức lạm phát đang cao nhất nhiều thập kỷ ở Mỹ.

“Chúng ta đang ở vào một giai đoạn giữa lúc kết thúc mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 và khi có thêm những dữ liệu quan trọng mới thị Fed. Thị trường đang có phần trầm lắng, với mức độ biến động khá thấp”, Giám đốc đầu tư Bill Northey của US Bank Wealth Management nhận định với hãng tin Reuters.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống sau khi tăng lên mức cao nhất 3 tháng trong thời gian gần đây. Lợi suất giảm là cơ hội để cổ phiếu công nghệ tăng giá.

“Lãi suất giảm xuống đã tạo ra lực hỗ trợ nhất định cho một số nhóm cổ phiếu có mức tăng trưởng lớn” như công nghệ - ông Northey nhấn mạnh.

Cổ phiếu hãng sản xuất con chip Nvidia tăng 4%, cho dù công ty đưa ra dự báo kết quả kinh doanh quý 3 không tốt như dự báo. Nhiều nhà đầu tư xem đây là một dấu hiệu cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất của đợt suy giảm doanh thu ngành chip đã qua đi.

Các cổ phiếu công nghệ lớn khác cũng chứng kiến mức tăng ấn tượng, góp phần dẫn dắt các chỉ số đi lên. Apple và Microsoft tăng hơn 1% mỗi cổ phiếu, trong khi Amazon và Alphabet tăng hơn 2%.

Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính trong S&P 500 đều tăng điểm, dẫn đầu là nhóm nguyên vật liệu cơ bản với mức tăng 2,26%, tiếp theo là nhóm dịch vụ truyền thống tăng 2,06%.

Số liệu công bố ngày thứ Năm cho thấy nền kinh tế Mỹ trong quý 2 giảm ít hơn so với lần công bố dữ liệu đầu tiên. Theo Cục Phân tích kinh tế Mỹ, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm 0,6% trong quý trước, ít hơn mức giảm 0,9% như số liệu sơ bộ đưa ra.

Theo Reuters, các nhà giao dịch ở Phố Wall đang nghiêng về khả năng Fed nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9, thay vì bước nhảy 0,5 điểm phần trăm. Mối lo này đã gây áp lực giảm lên thị trường trong thời gian gần đây, khiến cả ba chỉ số cùng mất điểm trong tuần trước, trong đó S&P 500 gián đoạn chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp.

Tuần này, thị trường đang tiến tới một tuần giảm điểm nữa. Trong đó, Dow Jones đã giảm 1,2% từ đầu tuần, còn S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 0,7% và 0,5%.

Dù đã phục hồi từ mức đáy của năm thiết lập hồi tháng 6, S&P 500 hiện vẫn giảm khoảng 12% và Nasdaq giảm khoảng 19% từ đầu năm đến nay. Lạm phát cao, lãi suất tăng và mối lo suy thoái kinh tế là những nguyên nhân chính khiến các chỉ số trượt dốc.

Trong các phát biểu vào ngày thứ Năm, các quan chức Fed không nói cụ thể về bước nhảy lãi suất mà họ dự kiến áp dụng trong cuộc họp chính sách vào ngày 20-21/9, nhưng tiếp tục khẳng định quan điểm sẽ tăng lãi suất và giữ lãi suất ở mức cao cho tới khi lạm phát cao được loại bỏ khỏi nền kinh tế.

 

“Không ai muốn nhảy vào thị trường dầu lúc này, vì tin tức về Iran có thể xuất hiện tràn ngập bất kỳ lúc nào”.

Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau tại Mizuho, ông Bob Yawger

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,88 USD/thùng, tương đương giảm 1,9%, còn 99,34 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,37 USD/thùng, tương đương giảm 2,5%, còn 92,52 USD/thùng.

Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Iran vẫn đang tiếp tục các cuộc thảo luận để khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015. Cách đây ít ngày, Iran cho biết đã nhận được phản hồi của Mỹ về nội dung văn kiện cuối cùng mà EU đưa ra nhằm khôi phục thoả thuận này.

“Không ai muốn nhảy vào thị trường dầu lúc này, vì tin tức về Iran có thể xuất hiện tràn ngập bất kỳ lúc nào”, Giám đốc phụ trách mảng năng lượng giao sau tại Mizuho, ông Bob Yawger, nhận định khi nói về khối lượng giao dịch thưa thớt trên thị trường dầu trong phiên ngày thứ Năm.

Cũng như trên thị trường chứng khoán, giới đầu tư dầu lửa đang chờ bài phát biểu ngày thứ Sáu của ông Powell. “Thị trường đang có chút lo ngại về việc ông Powell sẽ nói gì về lãi suất vào ngày mai”, nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nói với Reuters.

Nhu cầu tiêu thụ xăng yếu đi ở Mỹ làm gia tăng mối lo về sự giảm tốc kinh tế và nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Trong tuần báo cáo vừa rồi, nhu cầu tiêu thụ xăng bình quân hàng ngày trong 4 tuần gần nhất ở Mỹ giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái - theo Bộ Năng lượng Mỹ.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn được hỗ trợ bởi phát biểu hôm thứ Hai của Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nói rằng OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng khai thác dầu. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước đối tác ngoài khối gồm Nga.

Cân nhắc này của OPEC+ có thể ngăn cản khả năng giá dầu giảm trở lại về mốc 90 USD/thùng trong ngắn hạn - nhà phân tích Craig Erlam của Oanda nhận xét.