07:26 22/01/2025

Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh nhờ hy vọng về thuế quan, giá dầu giảm

Bình Minh

“Các tuyên bố chính sách trong ngày nhậm chức của Tổng thống Trump về thuế quan mềm mỏng hơn nhiều so với kỳ vọng"...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (21/1), khi giới đầu tư xem những phát biểu và động thái về thương mại trong ngày cầm quyền đầu tiên của tân Tổng thống Donald Trump là “nhẹ nhàng” hơn so với dự kiến. Giá dầu thô giảm hơn 2% vì ông Trump đưa ra chính sách nhằm tăng sản lượng khai thác dầu của Mỹ.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 537,98 điểm, tương đương tăng 1,24%, chốt ở mức 44.025,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,88%, đạt 6.049,24 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,64%, đạt 19.756,78 điểm.

Sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký một loạt sắc lệnh điều hành và văn bản khác liên quan đến nhiều lĩnh vực từ quản lý nhập cư cho tới thương mại và năng lượng. Tuy chưa ký văn bản nào về áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu, ông Trump tuyên bố cân nhắc áp thuế quan 25% lên Mexico và Canada từ ngày 1/2 vì chính sách biên giới của các nước này. Ông cũng đề cập đến Trung Quốc, mói rằng Mỹ có thể áp thuế quan lên hàng Trung Quốc nếu Bắc Kinh không phê chuẩn một thương vụ thâu tóm TikTok.

Sau đó, khi thị trường đã đóng cửa phiên giao dịch chính thức, ông Trump nói với báo giới vào buổi tối ngày 21/1 - tức đầu giờ sáng nay (22/1) theo giờ Việt Nam rằng ông sẽ áp thuế quan 10% lên hàng Trung Quốc từ ngày 2/1.

Trong một bản ghi nhớ về thương mại, ông Trump chỉ đạo các cơ quan liên bang nghiên cứu về các hành vi thương mại mà Mỹ cho là bất bình đẳng của nước ngoài. Dù vậy, các tuyên bố và động thái này của ông Trump được giới đầu tư xem là tín hiệu cho thấy ông sẽ không hành động quyết liệt về thuế quan như được dự báo trước khi ông nhậm chức.

“Các tuyên bố chính sách trong ngày nhậm chức của Tổng thống Trump về thuế quan mềm mỏng hơn nhiều so với kỳ vọng. Hiện tại, thuế quan có vẻ đang có mức độ ưu tiên thấp hơn so với dự báo”, nhà kinh tế trưởng Alec Phillips của ngân hàng Goldman Sachs nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.

Tuy nhiên, ông Phillips cho rằng riêng đối với Canada và Mexico, những phát biểu mà ông Trump đưa ra thực chất cứng rắn hơn so với những gì nhà kinh tế này dự báo. Dù vậy, ông hạ thấp khả năng Mỹ áp thuế quan lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ mọi quốc gia trong năm nay. Trước khi ông Trump nhậm chức, thị trường đã lo ngại rằng một chương trình thuế quan phủ khắp có thể châm ngòi cho lạm phát ở Mỹ leo thang trở lại.

Phát biểu trong ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng, ông Trump cũng nói ông chưa sẵn sàng áp thuế quan phủ khắp.

Ngoài chính sách thương mại, giới đầu tư ở Phố Wall còn quan tâm xem liệu ông Trump có thực thi những lời hứa thân thiện với kinh doanh mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Trong đó, đáng chú ý nhất là cam kết nới lỏng quy chế giám sát - một yếu tố đã đưa cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh kể từ khi ông Trump tái đắc cử vào tháng 11.

Cổ phiếu công nghệ vốn hóa nhỏ cũng tăng giá mạnh trong ngày giao dịch đầu tiên sau khi ông Trump nhậm chức, với chỉ số Russell 2000 tăng khoảng 1,9%. Mua cổ phiếu vốn hóa nhỏ được coi là một giao dịch “Trump trade”, có mức độ nhạy cảm cao với chính sách của chính quyền Trump 2.0.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,86 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%, còn 79,29 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,99 USD/thùng, tương đương giảm 2,6%, còn 75,89 USD/thùng.

Việc ông Trump công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng trong ngày cầm quyền đầu tiên đã đặt ra khả năng sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng mạnh, trong khi thị trường dầu lửa toàn cầu đã được dự báo là sẽ dư cung trong năm nay.

“Cuối cùng, không hề có chuyện thiếu dầu. Thứ nhiếu là nhu cầu. Nếu các nhà máy lọc dầu thấy không cần phải sản xuất thêm xăng, họ sẽ chẳng mua thêm dầu thô”, nhà phân tích Robert Mizuho của ngân hàng Mizuho nhận định với hãng tin Reuters.

Các dự báo gần đây đều cho rằng thị trường dầu lửa toàn cầu sẽ thừa cung trong năm nay, do triển vọng kinh tế ảm đạm và nỗ lực chuyển đổi năng lượng ở nhiều quốc gia - nhất là Trung Quốc - và sản lượng dầu vốn dĩ đang ở mức cao kỷ lục của Mỹ. Ngày 21/1, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) nhắc lại dự báo giá dầu sẽ giảm trong cả năm nay và năm tới.

“Tăng trưởng sản lượng dầu toàn cầu mạnh mẽ và nhu cầu tăng yếu hơn đang gây áp lực mất giá dầu”, EIA viết trong một báo cáo.

Dù ông Trump tuyên bố sẽ làm đầy dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR), nhưng giới phân tích không chắc việc này có tạo ra bất kỳ thay đổi nào đối với nhu cầu tiêu thụ dầu hay không.

“Việc mua dầu lửa cho SPR sẽ không thay đổi bất kỳ điều gì. Tổng thống Joe Biden vốn đã làm việc đó trước khi rời nhiệm sở rồi, với tốc độ mua tối đa 3 triệu thùng/tháng”, nhà phân tích Bjarne Schieldrop của công ty SEB Research nhận định với Reuters.

Gây áp lực giảm lên giá dầu phiên này còn có khả năng các cuộc tấn công nhằm vào tàu bè đi qua Biển Đỏ sẽ sớm chấm dứt. Hôm 20/1, phiến quân Houthi của Yemen tuyên bố sẽ chỉ tấn công tàu bè có liên quan tới Israel, thay vì tất cả tàu bè thương mại như trước, miễn sao thỏa thuận ngừng bắn ở dải Gaza giữa Israel và Hamas được thực thi nghiêm chỉnh.