07:41 30/03/2022

Chứng khoán Mỹ tăng liền 4 phiên, giá dầu sụt giảm vì tin tốt về Nga-Ukraine

Bình Minh

“Thị trường đã tăng khoảng 10% trong 10 ngày vừa qua. Đây là một đợt tăng điểm khá mạnh trong một thời gian khá ngắn"...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Gett/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Gett/CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm phiên thứ tư liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (29/3), mặc cho sự đảo ngược của đường cong lợi suất Mỹ dẫn tới lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế. Giá dầu có thêm một phiên sụt giảm khi nhà đầu tư kỳ vọng vào một kết quả tích cực từ cuộc đàm phán hoà bình giữa Nga và Ukraine.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 338 điểm, tương đương tăng 0,97%, đạt 35.294,19 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,23%, đạt 4.631,6 điểm.

Chỉ số Nasdaq tăng 1,84%, đạt 14.619,64 điểm. Với phiên tăng này, Nasdaq chỉ còn thấp hơn chưa đầy 10% so với mức kỷ lục mọi thời đại.

“Thị trường đã tăng khoảng 10% trong 10 ngày vừa qua. Đây là một đợt tăng điểm khá mạnh trong một thời gian khá ngắn dù không có nhiều thay đổi trong các thông tin, ngoại trừ khả năng tăng lãi suất nhiều hơn đang được phản ánh vào giá các tài sản”, Giám đốc đầu tư Stephanie Lang thuộc Homrich Berg nói với hãng tin CNBC.

“Đây là diễn biến tích cực. Nhưng tôi không quá lạc quan về thời gian còn lại của năm. Tôi cho rằng chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều biến động”, bà Lang nói thêm.

Sự chú ý của nhà đầu tư trong phiên này dồn vào thị trường trái phiếu, khi đường cong lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 5 năm và 30 năm đã đảo ngược lần đầu tiên kể từ năm 2016 vào hôm thứ Hai. Lịch sử cho thấy, đường cong lợi suất đảo ngược thường là một dấu hiệu suy thoái kinh tế sắp xảy ra, nhưng không phải lần đảo ngược nào của đường cong lợi suất cũng báo hiệu suy thoái. Dù đây là một dấu hiệu đáng ngại, nhà đầu tư nhìn chung giữ được bình tĩnh.

Đường cong lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm cũng đang tiến dần tới trạng thái đảo ngược.

“Câu chuyện được nói đến nhiều nhất vào lúc này là vào bất kỳ thời điểm nào, suy thoái cũng có thể xuất hiện”, bà Lang nói. “Thông thường, phải sau khoảng 17 tháng kể từ khi đường cong lợi suất đảo ngược, suy thoái mới xảy ra. Chúng tôi cho rằng nguy cơ suy thoái đã tăng lên, nhưng không có nghĩa là suy thoái sẽ xảy ra ngay trong năm nay. Năm tới mới đáng lo”.

Thị trường cũng đang dõi theo những diễn biến của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Hy vọng về một thoả thuận ngừng bắn đã giúp ích cho tâm lý của nhà đầu tư, sau khi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin nói rằng nước này sẽ giảm mạnh hoạt động quân sự gần thủ đô Kiev của Ukraine.

Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York có lúc tụt khỏi mốc 100 USD/thùng, nhưng nhanh chóng hồi lại mức giá này.

Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giảm 1,72 USD/thùng, tương đương giảm 1,62%, còn 104,24 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại London giảm 2,25 USD/thùng, tương đương giảm 2%, còn 110,23 USD/thùng.

Các nhà đàm phán Nga và Ukraine đã có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ sau 3 tuần. Nhà đàm phán cấp cao nhất của Nga cho biết vòng đàm phán này “mang tính xây dựng”. Phía Ukraine cho biết nước này đề xuất theo đuổi “lập trường trung lập” để đổi lấy sự đảm bảo an ninh, đồng nghĩa với việc nước này sẽ không gia nhập liên minh quân sự hay cho phép bên nào mở căn cứ quân sự trên lãnh thổ Ukraine.

“Giá dầu lại đang chịu áp lực giảm vì kỳ vọng vào đàm phán hoà bình giữa Nga và Ukraine. Nếu đàm phán có kết quả, Nga có thể được nới trừng phạt”, Giám đốc nghiên cứu Kiroyuki Kikukawa của Nissan Securities nhận định.

Giá dầu còn đương đầu với áp lực giảm khi phong toả ở Thượng Hải gây ảnh hưởng suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Thượng Hải chiếm khoảng 4% tổng tiêu thụ dầu của Trung Quốc, theo ANZ Research.

“Chính sách triệt tiêu Covid của Trung Quốc đang mang lại một sự giải toả cho thị trường dầu vốn đang rất thắt chặt do sự gián đoạn nguồn cung từ Nga”, nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank nhận định.

Thị trường đang chờ cuộc họp sản lượng của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga, dự kiến diễn ra vào ngày thứ Năm. OPEC+ được dự báo sẽ tiếp tục tăng chậm sản lượng trong tháng 5, bất chấp lời kêu gọi nâng sản lượng mạnh hơn từ các nước nhập khẩu dầu lớn như Mỹ.

Ngày 29/3, bộ trưởng bộ dầu lửa của Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nói rằng OPEC+ không nên sa đà vào chuyện chính trị, trong bối cảnh phương Tây gây áp lực đòi họ phải có động thái nhằm vào Nga trong vấn đề Ukraine.