Chứng khoán Mỹ trượt khỏi kỷ lục, giá dầu ngừng đà giảm, bitcoin chạm 90.000 USD
“Giao dịch Trump” chững lại trong phiên ngày thứ Ba, với các cổ phiếu hưởng lợi nhiều nhất từ việc cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử cũng chính là những cổ phiếu mất giá nhiều nhất...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (12/11), khi nhà đầu tư dường như muốn một chút tạm dừng sau chuỗi phiên tăng liên tiếp hậu bầu cử tổng thống Mỹ. Giá dầu chững lại sau mấy phiên liên tục giảm, dù Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tiếp tục cắt giảm dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 382,15 điểm, tương đương giảm 0,86%, còn 43.910,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,29%, còn 5.938,99 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,09%, còn 19.291,4 điểm.
Với phiên giảm này, cả Nasdaq và S&P 500 đều chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp. Hôm thứ Hai, cả ba chỉ số cùng đạt mức cao nhất mọi thời đại. Trong đó, Dow Jones lần đầu tiên đóng cửa trên mức 44.000 điểm và S&P 500 lần đầu tiên chốt phiên trên 6.000 điểm. Sự thăng hoa này của thị trường phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ mang tới những chính sách thuận lợi cho nền kinh tế như giảm thuế và nới lỏng quy chế giám sát.
“Giao dịch Trump” chững lại trong phiên ngày thứ Ba, với các cổ phiếu hưởng lợi nhiều nhất từ việc cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử cũng chính là những cổ phiếu mất giá nhiều nhất.
Điển hình là cổ phiếu Tesla với mức giảm hơn 6%. Trước đó, cổ phiếu hãng xe điện do tỷ phú Elon Musk - người đã trở nên thân cận với ông Trump sau cuộc bầu cử này - tăng khoảng 31% kể từ ngày bầu cử.
Cổ phiếu Trump Media & Technology Group, công ty mạng xã hội do ông Trump sáng lập, giảm gần 9%. Hiện cổ phiếu này đã giảm 10% kể từ sau khi ông Trump thắng cử.
Các cổ phiếu vốn hóa nhỏ - được xem là một đối tượng hưởng lợi tiềm năng từ việc ông Trump trở lại Nhà Trắng - đương đầu áp lực giảm trên diện rộng. Chỉ số Russell 2000 của những cổ phiếu này chốt phiên với mức giảm khoảng 1,8%.
Theo Giám đốc đầu tư Mark Malek của công ty Siebert, chứng khoán Mỹ có thể đã tăng quá nhanh quá xa trước khi ông Trump thắng cử. Bởi vậy, giờ là lúc thị trường phải giải “cơn say” bầu cử và mối quan tâm của nhà đầu tư sẽ bắt đầu quay trở lại với những vấn đề kinh tế chủ chốt - ông Malke nhấn mạnh.
“Phiên giao dịch ngày hôm nay cho thấy một chút mệt mỏi. Tất cả chúng ta đều lo lắng về nợ công và thâm hụt ngân sách. Thâm hụt ngân sách không phải lúc nào cũng gây lo ngại, nhưng hiện tại, thị trường xem sự thâm hụt đó là một vấn đề. Đó có thể sẽ là một lý do để tạm dừng việc mua cổ phiếu một khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu chững lại”.
Trong thời gian còn lại của tuần này, mối quan tâm của nhà đầu tư sẽ dành cho hai báo cáo lạm phát tháng 10 gồm báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) - những dữ liệu có thể chi phối kỳ vọng về đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau 2 đợt giảm lãi suất liên tiếp vào tháng 9 và tháng 10 vừa qua.
Phát biểu ngày thứ Ba, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin, nói với tốc độ lạm phát đang giảm về gần mục tiêu 2% của Fed, thị trường lao động đang vững vàng và Fed đang trong tiến trình hạ lãi suất, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẵn sàng phản ứng nếu áp lực lạm phát tăng lên hay thị trường việc làm suy yếu nhanh chóng.
Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, ông Neel Kashkari, nói nền kinh tế đang ở trong “một trạng thái tốt” và ông cảm thấy chính sách tiền tệ hiện đang “hơi thắt chặt một chút”, với lãi suất cho vay ngắn hạn tiếp tục có hiệu ứng làm giảm lạm phát và tăng trưởng kinh tế, nhưng không nhiều.
Thị trường tiếp tục giảm đặt cược vào khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 12. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường hiện cho rằng khả năng Fed giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp cuối cùng của năm nay chỉ là hơn 58%, giảm từ mức hơn 77% cách đây 1 tuần.
Trên thị trường tiền ảo, giá bitcoin có lúc chạm mốc 90.000 USD, cao chưa từng thấy trong lịch sử, sau đó chững lại. Lúc gần 6h sáng nay (13/11) theo giờ Việt Nam, giá đồng tiền ảo lớn nhất thế giới dao động trên ngưỡng 88.000 USD, tăng khoảng 1,4% so với cách đó 24 tiếng và tăng hơn 27% sau 1 tuần.
Giá bitcoin đã bùng nổ kể từ sau khi ông Trump tái đắc cử. Ông được xem là một người ủng hộ mạnh mẽ tiền ảo và đã hứa trong chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ đưa nước Mỹ trở thành “thủ phủ tiền ảo của hành tinh”.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,06 USD/thùng, chốt ở mức 71,89 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 0,08 USD/thùng, chốt ở 68,12 USD/thùng.
Trước phiên này, giá dầu đã giảm khoảng 5% trong hai phiên, xuống mức thấp nhất 2 tuần vào phiên ngày thứ Hai. Gây áp lực giảm lên giá dầu thời gian gần đây là xu hướng tăng giá mạnh của đồng USD và nỗi thất vọng của nhà đầu tư về gói kích thích kinh tế bằng chính sách tài khóa mà Trung Quốc công bố hôm thứ Sáu tuần trước.
Ngày thứ Ba, OPEC hạ dự báo về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay và năm tới, đánh dấu lần thứ tư liên tiếp hạ dự báo trong báo cáo hàng tháng. Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu xấu đi đang đặt ra thách thức đối với OPEC và các nước đồng minh gồm Nga, tức liên minh OPEC+. Mới đây, nhóm này đã trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu.
“Với nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc vẫn ảm đạm, việc OPEC hoãn tăng sản lượng sẽ không có nhiều tác dụng để giữ mức sàn của giá dầu Brent ở 70 USD/thùng”, nhà phân tích độc lập Gaurav Sharma ở London nhận định.
OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,82 triệu thùng/ngày trong năm nay, thấp hơn mức dự báo tăng 1,93 triệu thùng/ngày đưa ra trong báo cáo tháng trước. Về năm 2025, OPEC dự báo nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng 1,54 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức dự báo trước đó là tăng 1,64 triệu thùng/ngày.