Chứng khoán Mỹ trượt nhẹ sau báo cáo lạm phát, giá dầu giảm 1%
Lạm phát cao hơn dự báo củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải duy trì trạng thái chính sách tiền tệ thắt chặt lâu hơn...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (14/2), sau khi đón nhận số liệu lạm phát tháng 1 cao hơn so với dự báo. Giá dầu thô giảm do Mỹ tuyên bố xả dự trữ.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 156,66 điểm, tương đương giảm 0,46%, còn 34.089,27 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,03%, còn 4.136,13 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq tăng 0,57%, chốt ở 11.960,15 điểm.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 0,5% trong tháng đầu năm và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cao hơn so với các mức dự báo tương ứng là 0,5% và 6,2% - theo một cuộc khảo sát chuyên gia kinh tế của hãng tin Dow Jones.
Không tính hai nhóm mặt hàng có mức độ biến động lớn là thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,4% trong tháng và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, cũng cao hơn mức dự báo tương ứng là 0,3% là 5,5%. Trong tháng 12, CPI Mỹ tăng 0,1% so với tháng trước.
Lạm phát cao hơn dự báo củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải duy trì trạng thái chính sách tiền tệ thắt chặt lâu hơn. Điều này gây áp lực giảm lên giá nhiều tài sản, và cổ phiếu không phải là một ngoại lệ.
Trao đổi với hãng tin CNBC, ông Ed Yardeni, Chủ tịch Yardeni Research, nói rằng lạm phát ở Mỹ vẫn đang cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed, nhưng những con số vừa được công bố không hoàn toàn gây bất ngờ.
“Lạm phát cao hơn kỳ vọng, tôi cho rằng đó là lý do vì sao thị trường lùi lại” ông Yardeni nói. Đề cập đến sự tăng tốc của CPI tháng, ông nói thêm “thị trường có một con đường dài và gập ghềnh để đi. Nhưng nhìn tổng thể, tôi cho rằng quá trình giảm lạm phát mạnh mẽ đang diễn ra”.
Dù kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ có được một cuộc “hạ cánh mềm”, ông Yardeni không cho rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Một số dữ liệu khác liên quan đến lạm phát ở Mỹ sẽ được công bố vào ngày thứ Tư, gồm doanh thu bán lẻ và lạm phát bán lẻ.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,96 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%, còn 85,65 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 0,87 USD/thùng, tương đương giảm 1,1%, còn 79,27 USD/thùng.
Dầu giảm giá sau khi Bộ Năng lượng Mỹ tuyên bố sẽ bán 26 triệu thùng dầu từ dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR). Động thái này giúp giải toả nỗi lo thiếu cung dầu, cho dù lượng dầu trong dự trữ SPR đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1983.
Ngoài ra, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ số liệu lạm phát cao hơn dự báo của Mỹ. “Thị trường tài chính đang cố gắng nghiền ngẫm báo cáo CPI. Các kỳ vọng về lãi suất đang không ngừng biến động, từ đó ảnh hưởng đến các tài sản như giá dầu”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS phát biểu.
Tuy nhiên, giá dầu phiên này được hỗ trợ bởi một báo cáo của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Trong bản báo cáo hàng tháng, OPEC nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2023 thêm 100.000 thùng/ngày, trên cơ sở kinh tế Trung Quốc hồi phục sau khi dỡ Zero Covid.
“Báo cáo hàng tháng về thị trường dầu của OPEC mang lại một vài sự lạc quan thận trọng”, nhà phân tích Matt Smith của Kpler phát biểu, nhưng cho rằng giá dầu sẽ còn gặp trở ngại trong ngắn hạn vì tâm lý lo ngại rủi ro đang chiếm ưu thế trên thị trường.
Các quan chức Fed phát biểu ngày thứ Ba đưa ra lập trường chính sách tiền tệ thiếu nhất quán, khiến nhà đầu tư có phần băn khoăn. Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia Patrick Harker nói Fed chưa hoàn tất việc tăng lãi suất, nhưng “có thể đã đến gần” mức lãi suất cực đại”. Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams nói dù lạm phát đang yếu đi, Fed vẫn còn một chặng đường dài phải đi và có thể phải mất nhiều năm để lạm phát giảm về mức mục tiêu 2%.
Dù thị trường Mỹ giảm điểm, chứng khoán thế giới có một phiên tăng nhẹ. Chỉ số MSCI toàn cầu chốt phiên ngày thứ Ba với mức tăng 0,1%. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 0,08%.