Chứng khoán Mỹ xanh rực trước ngày đón báo cáo CPI, giá dầu tăng nhẹ
Tâm điểm của tuần này là dữ liệu lạm phát. Vào ngày thứ Ba, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 và thị trường đang chờ xem liệu lạm phát có giảm thêm hay không...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (13/2), sau khi hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq trải qua tuần giảm mạnh nhất gần 2 tháng vào tuần trước, và trong bối cảnh nhà đầu tư hướng sự chú ý tới báo cáo lạm phát quan trọng dự kiến công bố vào ngày thứ Ba. Giá dầu thô tăng nhẹ khi thị trường nghiền ngẫm việc Nga giảm sản lượng dầu và một số dấu hiệu bất lợi về nhu cầu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 376,66 điểm, tương đương tăng 1,11%, chốt ở 34.245,93 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng. S&P 500 tăng 1,14%, đạt 4.137,29 điểm. Nasdaq tăng 1,48%, chốt ở 11.891,79 điểm.
Dẫn đầu phiên tăng này của Dow Jones là cổ phiếu Microsoft với mức tăng 3,1%. Nike và Salesforce tăng 2,4% mỗi cổ phiếu, cũng góp phần quan trọng vào đà tăng của chỉ số. Ngoài ra còn phải kể tới cổ phiếu Intel với mức tăng 2,7%.
Tâm điểm của tuần này là dữ liệu lạm phát. Vào ngày thứ Ba, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 và thị trường đang chờ xem liệu lạm phát có giảm thêm hay không – cơ sở để họ căn chỉnh kỳ vọng về các động thái chính sách tiền tệ tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Hiện tại, thị trường đang đặt cược rằng báo cáo CPI này cho thấy lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục xu hướng hạ nhiệt kể từ sau khi lập đỉnh vào mùa hè năm ngoái, và Fed sẽ tiến tới tạm dừng tăng lãi suất hoặc thậm chí cắt giảm lãi suất trong năm nay.
“’Trạng thái vàng’ kết hợp giữa sự phục hồi của sản lượng công nghiệp và xu hướng giảm của lạm phát mà chúng tôi kỳ vọng xuất hiện trong quý này đang giúp thúc đẩy tâm lý ham thích rủi ro và giá cổ phiếu”, chuyên gia Ray Farris của ngân hàng Credit Suisse nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.
Tuy nhiên, ông Farris cho rằng đến mùa hè năm nay, cú huých này có thể không còn, nhất là khi hiệu ứng đến trễ của việc nâng lãi suất khiến cho các điều kiện tài chính trên toàn cầu thắt chặt.
Ngoài ra, nếu báo cáo CPI công bố ngày thứ Ba cho thấy lạm phát không giảm như kỳ vọng, thị trường sẽ xem đây là tín hiệu rằng Fed sẽ còn tăng lãi suất lên cao hơn. Trong trường hợp đó, thị trường chứng khoán sẽ đương đầu thêm áp lực giảm.
“Thị trường đang bắt đầu cảm thấy rằng câu chuyện giảm phát vô cùng dễ chịu thực ra lại phức tạp hơn những gì chúng ta muốn”, kinh tế trưởng Mohamed El-Erian của Allianz nói với CNBC.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2022 ở Phố Wall đang dần đi tới hồi kết. Đến hiện tại, kết quả của mùa báo cáo này tệ hơn dự báo, đánh dấu mùa báo cáo tài chính tệ nhất của thị trường chứng khoán Mỹ trong hơn 2 thập kỷ nếu không tính đến những giai đoạn suy thoái – theo Credit Suisse.
Chứng khoán toàn cầu tăng điểm trong phiên ngày thứ Hai. Chỉ số MSCI All-World đo chứng khoán thế giới tăng 0,88%. Sau khi tăng hơn 8% trong 5 tuần đầu năm, chỉ số này đã giảm 1,3% trong tuần trước.
Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu tăng 0,9%, trong khi chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi tăng 0,07%.
Tuần trước, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm, trong đó Dow Jones giảm 0,17%. S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 1,11% và 2,41%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 12.
Nhà đầu tư cảm thấy áp lực sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng cuộc chiến chống lạm phát còn một chặng đường dài phải đi. Ông Powell cũng nói lãi suất có thể tăng lên mức cao hơn so với kỳ vọng của thị trường nếu các con số lạm phát không dịu đi.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,22 USD/thùng, tương đương tăng 0,3%, chốt ở 86,61 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,42 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, chốt ở 80,14 USD/thùng.
Giá dầu vẫn đang được nâng đỡ bởi động thái của Nga vào hôm thứ Sáu tuần trước. Quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới tuyên bố sẽ giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 3 để đáp trả các biện pháp trừng phạt liên quan tới xung đột Nga-Ukraine mà phương Tây áp lên năng lượng Nga. Mức cắt giảm này tương đương khoảng 5% sản lượng dầu thô hàng ngày của Nga.
Tuần trước, cả giá dầu Brent và WTI đều tăng hơn 8% nhờ kỳ vọng về sự phục hồi nhu cầu ở Trung Quốc khi nước này mở cửa trở lại nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhà đầu tư trên thị trường năng lượng đang lo ngại rằng nếu báo cáo CPI công bố ngày thứ Ba cho thấy lạm phát cao hơn dự báo, Fed sẽ phải tăng lãi suất lên cao hơn và điều này sẽ gây bất lợi cho nhu cầu dầu. Mối lo này hạn chế mức tăng của giá dầu trong phiên đầu tuần.
“Không có gì là quá khi nói về tầm quan trọng của dữ liệu này, vì các nhà giao dịch và cả Fed đều đang muốn xác nhận xu hướng giảm của lạm phát”, chiến lược gia trưởng Matthew Ryan của công ty dịch vụ tài chính Ebury nói với hãng tin Reuters.
Dù vậy, giới phân tích nói chung vẫn lạc quan về triển vọng giá dầu.
“Nền tảng căn bản của giá dầu vẫn đang rất mạnh. Với Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu dầu sẽ tăng, trong khi Nga và OPEC không tăng, thậm chí còn giảm sản lượng dầu. Điều này rất có lợi cho giá dầu”, nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group phát biểu.
Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin đã ở trong xu thế giảm nhẹ thời gian gần đây, từ vùng 23.000-24.000 USD vào đầu tháng về mức dưới 22.000 USD. Lúc gần 7h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 21.819 USD, giảm 0,5% so với cách đó 24 tiếng và giảm hơn 4% so với cách đó 1 tuần.