07:37 07/03/2023

Chứng khoán Mỹ và giá dầu cùng tăng trước phiên điều trần của Chủ tịch Fed

Bình Minh

“Sẽ là khôn ngoan khi thị trường không quá vội vã, vì tuần này là một tuần quan trọng, có thể thay đổi hướng đi của các tài sản”, một chuyên gia nói...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (6/3), duy trì xu thế tăng của tuần trước trong bối cảnh nhà đầu tư bước vào một tuần bận rộn với các thông tin kinh tế. Giá dầu thô cũng đi lên nhờ kỳ vọng vào tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 40,47 điểm, tương đương tăng 0,12%, chốt ở 33.431,44 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,07%, đạt 4.048,42 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,11%, còn 11.675,74 điểm.

Vào thời điểm đạt đỉnh của phiên, Dow Jones tăng 181 điểm và Nasdaq tăng gần 1,2%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng nhẹ, với lợi suất của kỳ hạn 1 năm về cuối phiên chỉ tăng hơn 1 điểm phần trăm, sau khi nhiều lần vọt qua ngưỡng chủ chốt 4% trong tuần trước. Xu hướng tăng của lợi suất thời gian gần đây phản ánh nỗi lo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên mức cao hơn và giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian lân hơn. Lợi suất tăng cũng đẩy cao lãi suất các khoản vay tiêu dùng và có thể là một dấu hiệu cho thấy sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Mặc những biến động này, một số cổ phiếu công nghệ vẫn tăng khá mạnh. Apple tăng gần 2% sau khi được ngân hàng Goldman Sachs đưa ra khuyến nghị mua. Với tỷ trọng 7% trong tổng vốn hoá của S&P 500, việc Apple tăng phiên này đã tạo ra một cú huých cho chỉ số. Các cổ phiếu Alphabet và Microsoft cùng có một phiên xanh nhẹ.

Nhà đầu tư đang chờ phiên điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trước Quốc hội nước này vào ngày thứ Ba và thứ Tư. Những phát biểu của ông Powell trong lần xuất hiện này sẽ là định hướng cho nhà đầu tư hiểu rõ hơn quan điểm của Fed về lạm phát và chiến dịch nâng lãi suất. Từ đó, thị trường có thể xác định hướng đi tiếp theo cho giá các tài sản.

“Sẽ là khôn ngoan khi thị trường không quá vội vã, vì tuần này là một tuần quan trọng, có thể thay đổi hướng đi của các tài sản”, chuyên gia Quincy Krosby của LPL Financial nhận định khi giải thích về sự “lình xình” của thị trường trong ngày thứ Hai - phiên mở màn của một tuần bận rộn.

Ngoài hai cuộc điều trần của ông Powell trước Thượng viện và Hạ viện, tuần này còn có một số dữ liệu kinh tế Mỹ quan trọng được công bố, đặc biệt là báo cáo việc làm tháng 2. Các chuyên gia kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ có thêm 225.000 công việc mới trong tháng 2, sau khi thị trường đạt mức trưởng bùng nổ với số đầu việc mới lên tới 517.000 trong tháng 1.

Chính số liệu việc làm tháng 1 quá tốt so với dự báo là một nguyên nhân gây áp lực giảm lên thị trường trong thời gian gần đây, bên cạnh các số liệu cho thấy lạm phát giảm chậm. Đó là bởi sự thắt chặt kéo dài của thị trường lao động đồng nghĩa với việc Fed sẽ phải kéo dài chiến dịch nâng lãi suất để chống lạm phát.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên đầu tuần, cũng vì nỗi lo lãi suất tiếp tục tăng. Chỉ số Stoxx 600 giảm 0,02%.

Các thị trường mới nổi tăng 0,58%; chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 0,49%; chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 1,11%; và chỉ số MSCI của chứng khoán toàn cầu tăng 0,27%.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,41%, chốt ở 86,18 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,98%, chốt ở 80,46 USD/thùng.

Dù tiếp tục chịu áp lực giảm từ mối lo lãi suất tăng trên toàn cầu, giá dầu thô phiên này được hỗ trợ khi đồng USD giảm giá. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đóng cửa với mức giảm gần 0,2%.

Ngoài ra giá dầu cũng được nâng đỡ bởi kỳ vọng về sự khởi sắc của nhu cầu của Trung Quốc. Giới đầu tư cho rằng trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc đang diễn ra, nước này sẽ công bố thêm các biện pháp hỗ trợ sự phục hồi nền kinh tế sau khi gỡ bỏ chính sách Zero Covid.

Trong một dấu hiệu cho thấy triển vọng nhu cầu dầu tốt lên, Saudi Arabia có tháng thứ hai liên tiếp nâng giá bán dầu thô nhẹ Arab - loại dầu xuất khẩu chủ lực của nước này - cho các khách hàng ở khu vực châu Á.