Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt hồi mạnh nhờ lực cầu bắt đáy
Nhà đầu tư bắt đáy sau đợt bán tháo vào tuần trước, với niềm tin rằng động thái cắt giảm lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ củng cố sức mạnh cho nền kinh tế...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (9/9), khi nhà đầu tư bắt đáy sau đợt bán tháo vào tuần trước, với niềm tin rằng động thái cắt giảm lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ củng cố sức mạnh cho nền kinh tế. Đây cũng là động lực giúp giá dầu thô tăng hơn 1%, bên cạnh tin bão trên Vịnh Mexico.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 484,18 điểm, tương đương tăng 1,2%, chốt ở mức 40.829,59 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,16%, đạt 5.471,05 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,16%, đạt 16.884,6 điểm.
Chuỗi phiên bán tháo vào tuần trước đã khiến chứng khoán Mỹ có tuần giao dịch tệ hại nhất kể từ đầu năm tới nay. Dow Jones đã mất hơn 1.200 điểm cả tuần; S&P 500 giảm 4 phiên không nghỉ và ghi nhận mức giảm tuần mạnh nhất kể từ tháng 3/2023; trong khi Nasdaq có tuần giảm mạnh nhất trong hơn 2 năm.
Là một trong những nhóm bị bán tháo nhiều nhất trong tuần trước, cổ phiếu công nghệ đã vụt sáng trở thành nhóm tăng mạnh nhất trong phiên ngày thứ Hai. Dẫn đầu nhóm này là Nvidia với mức tăng 1,16%, sau khi cổ phiếu chip này “bốc hơi” 14% trong tuần trước.
Ngoài nhóm công nghệ, các nhóm bán lẻ, ngân hàng và công nghiệp cũng phục hồi ấn tượng trong phiên đầu tuần, khi nhà đầu tư tin tưởng rằng một đợt hạ lãi suất sẽ tạo ra cú huých cho tiêu dùng.
“Tôi thực sự cho rằng thị trường đang có một sự phục hồi ngắn hạn sau khi đã bán quá nhiều trong tuần trước. Tuy nhiên, nhà đầu tư đang rất chú trọng vào vấn đề sức khỏe nền kinh tế hiện tại như thế nào, thay vì lạm phát sẽ như thế nào và nền kinh tế sẽ ra sao trong tương lai. Khi cảm giác bất định bắt đầu hình thành, điều đầu tiên mà nhà đầu tư làm là rút bớt tiền khỏi thị trường, nhất là sau khi thị trường đã tăng mạnh như vậy trong năm nay”, nhà quản lý quỹ Sarat Sethi của công ty Douglas C. Lane & Associates nhận xét với hãng tin CNBC.
Tuần này, nhà đầu tư chờ hai báo cáo lạm phát có thể định hình rõ hơn về quyết định lãi suất của Fed vào ngày 18/9. Đó là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI), dự kiến được Bộ Lao động Mỹ lần lượt công bố vào ngày thứ Tư và thứ Năm. Thị trường đang đặt cược chắc chắn Fed sẽ hạ lãi suất ít nhất 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 71% Fed chọn mức giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, và khả năng 29% Fed chọn mức giảm 0,5 điểm phần trăm.
Tuần trước đánh dấu sự khởi đầu kém suôn sẻ của chứng khoán Mỹ cho tháng 9 - khoảng thời gian mà thị trường có khuynh hướng gặp nhiều khó khăn. Giới đầu tư một mặt lo nền kinh tế Mỹ suy yếu, mặt khác lo Fed có thể chậm trễ trong việc hạ lãi suất.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,78 USD/thùng, tương dương tăng 1,1%, chốt ở mức 71,84 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,04 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, chốt ở 68,71 USD/thùng.
Hôm thứ Sáu, giá dầu Brent và giá dầu diesel giao sau ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021, trong khi giá dầu WTI và giá xăng giao sau ở Mỹ thấp nhất kể từ tháng 6/2023.
Phiên đầu tuần, giá dầu được hỗ trợ bởi lạc quan lãi suất và thông tin về cơn bão nhiệt đới Francine đang hình thành trên Vịnh Mexico.
“Một cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ không phải là tất yếu sẽ xảy ra, nhưng Fed cần giảm lãi suất nhanh và mạnh để tránh suy thoái”, nhà kinh tế trưởng James Knightley của ngân hàng ING phát biểu.
Các nhà khai thác dầu khí ở Vịnh Mexico đã bắt đầu sơ tán công nhân viên và giảm hoạt động để đón bão. Theo dự báo của Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ, bão Francine sẽ mạnh lên vào ngày thứ Ba trước khi đổ bộ vào bờ biển bang Louisiana. Vịnh Mexico chiếm khoảng 50% công suất lọc hóa dầu của Mỹ - theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
“Giá dầu phục hồi nhẹ nhờ tin bão. Nhưng cuộc thảo luận lớn hơn trên thị trường dầu bây giờ vẫn là nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ đến từ đâu và OPEC+ có thể làm gì”, nhà phân tích John Evans của công ty PVM Oil nhận định với hãng tin Reuters.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga. Tuần trước, OPEC+ đã nhất trí hoãn 2 tháng kế hoạch tăng sản lượng trở lại từ tháng 10.
Một số chuyên gia tỏ ra bi quan về triển vọng giá dầu. Morgan Stanley giảm dự báo giá dầu Brent trong quý 4 năm nay về 75 USD/thùng từ 80 USD/thùng trước đó. Báo cáo của ngân hàng đầu tư này cho rằng giá dầu có thể duy trì vùng 75 USD/thùng trừ phi nhu cầu giảm sâu hơn.
Các công ty giao dịch hàng hóa cơ bản Gunvor và Trafigura dự báo giá dầu có thể dao động trong khoảng 60-70 USD/thùng do nhu cầu ảm đạm ở Trung Quốc và tình trạng dư cung dầu dai dẳng trên toàn cầu.
Việc Trung Quốc dịch chuyển sang các nguồn năng lượng xanh và tình trạng ảm đạm của nền kinh tế nước này đang gây suy giảm tăng trưởng nhu cầu dầu ở quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - theo nhận định của diễn giả tại hội nghị năng lượng APPEC. Cùng với đó, biên lợi nhuận của các nhà máy lọc hóa dầu ở khu vực châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất theo mùa kể từ năm 2020 đến nay.