07:59 31/03/2023

Chứng khoán Mỹ và giá dầu đồng loạt tăng

Bình Minh

Khi chỉ còn 1 phiên giao dịch nữa là kết thúc quý 1, nhóm cổ phiếu công nghệ đã tăng khoảng 20% từ đầu quý, trở thành nhóm tăng mạnh nhất...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (30/3), khi cổ phiếu công nghệ duy trì đà tăng mạnh dù cổ phiếu các ngân hàng sụt giảm trở lại sau khi Chính phủ Mỹ đề xuất các biện pháp tăng cường giám sát nhằm giảm bớt rủi ro. Giá dầu tăng hơn 1% vì mối lo về nguồn cung dầu từ Iraq thắt chặt và số liệu hàng tuần cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm.

Nhóm cổ phiếu công nghệ trong S&P 500 tăng 1,1%, trở thành cú huých lớn nhất cho chỉ số trong phiên này. Chỉ số Philadelphia Semiconductor Index đo giá cổ phiếu con chip đạt mức cao nhất trong hơn 1 năm. Đây là phiên thứ hai liên tiếp cổ phiếu chip tăng mạnh, nhờ kỳ vọng rằng thời kỳ suy giảm doanh số chip đã chấm dứt.

Cổ phiếu ngân hàng khu vực tụt dốc sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden kêu gọi các quy định giám sát ngặt nghèo hơn, với mục đích cải thiện sức khoẻ của các ngân hàng tầm trung mà không cần phải có sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ.

Chỉ số KBW đo giá cổ phiếu ngân hàng khu vực chốt phiên với mức giảm 2%. Nhóm cổ phiếu tài chính trong S&P 500 giảm 0,3%, trở thành nhóm giảm duy nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của chỉ số.

“Công nghệ có lẽ là nhóm ngành ít liên quan nhất đến nhóm tài chính”, nên đang có một sự dịch chuyển từ cổ phiếu tài chính sang cổ phiếu công nghệ - Giám đốc đầu tư Jack Ablin của công ty quản lý vốn Cresset Capital nói với hãng tin Reuters.

Cuộc khủng hoảng ngân hàng nổ ra trong tháng 3 này, với sự sụp đổ của 2 ngân hàng khu vực Mỹ, đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới.

Khi chỉ còn 1 phiên giao dịch nữa là kết thúc quý 1, nhóm cổ phiếu công nghệ đã tăng khoảng 20% từ đầu quý, trở thành nhóm tăng mạnh nhất trong kỳ. Nhóm tăng mạnh tiếp theo là nhóm dịch vụ truyền thông, với mức tăng khoảng 18%. Chỉ số Nasdaq đang trên đà hoàn tất quý tăng mạnh nhất kể từ cuối 2020.

Nhà đầu tư đang chờ báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. Số liệu này là thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa chuộng và có ảnh hưởng lớn đến các động thái chính sách tiền tệ của Fed. Gần đây, các số liệu khác đều cho thấy lạm phát ở Mỹ tăng tốc trở lại sau khi giảm vào cuối năm ngoái.

Phát biểu ngày thứ Năm, ba quan chức Fed để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất để kéo lạm phát xuống. Tuy nhiên, hai vị trong số này lưu ý rằng những vấn đề trong hệ thống ngân hàng có thể đặt ra thêm trở ngại đối với nền kinh tế.

Báo cáo hàng tuần của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Năm cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng trong tuần trước, với mức tăng lớn hơn dự kiến - một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang yếu đi.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 141,43 điểm, tương đương tăng 0,43%, đạt 32.859,05 điểm. S&P 500 tăng 0,57%, đạt 4.050,83 điểm. Nasdaq tăng 0,73%, đạt 12.013,47 điểm.

Thị trường lãi suất tương lai đang phản ánh khả năng 55% Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 2-3/5.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,99 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 79,27 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,4 USD/thùng, tương đương tăng 1,9%, chốt ở 74,37 USD/thùng.

Giá dầu được hỗ trợ bởi thông tin rằng các nhà sản xuất dầu đã đóng cửa hoặc giảm sản lượng tại một số mỏ dầu ở vùng người Kurd tự trị ở miền Bắc Iraq, sau khi hoạt động xuất khẩu dầu bằng đường ống từ vùng này bị dừng. Theo dự kiến, sản lượng dầu của vùng này sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Do các quyết định chính trị, Iraq phải giảm xuất khẩu 450.000 thùng/ngày, tương đương khoảng 0,5% nguồn cung dầu toàn cầu. Tuy nhiên, ngân hàng Citigroup cho rằng thay đổi chính trị ở Iraq có thể sớm đi đến một giải pháp bền vững, đưa lượng dầu xuất khẩu của nước này hồi phục.

Báo cáo hôm thứ Tư từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng tồn kho dầu thô của nước này bất ngờ giảm 7,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 24/3, xuống mức thấp nhất 2 năm, thay vì tăng 100.000 thùng/ngày như dự báo trước đó của giới phân tích.

Trong khi đó, thông tin về Nga lại gây áp lực giảm lên giá dầu. Nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng Nga hiện chỉ giảm 300.000 thùng/ngày, so với mức giảm 500.000 thùng mà nước này công bố trước đây.

Tập đoàn năng lượng quốc doanh PetroChina của Trung Quốc dự báo tiêu thụ các sản phẩm xăng tinh luyện dầu của nước này có thể tăng 3% trong năm nay so với mức của năm 2019, trước khi Covid trở thành đại dịch. “Chúng tôi cho rằng giá dầu còn biến động trong ngắn hạn, nhưng nhập khẩu dầu của Trung Quốc tăng và Nga giảm sản lượng sẽ nâng đỡ giá dầu trong những quý sắp tới”, một báo cáo của ngân hàng UBS nhận định.

“Nếu mọi thứ diễn ra như dự báo và Mỹ tránh được suy thoái, giá dầu sẽ dao động trong khoảng 75-85 USD/thùng trong mấy tháng tới”, một báo cáo của FGE nhận định.