Chứng khoán Mỹ xanh rực nhờ kỳ vọng lãi suất, giá dầu tăng mạnh sau tín hiệu từ Saudi Arabia
Nhà đầu tư tạm gác lại mối lo về chính sách chống Covid-19 của Trung Quốc và thay vào đó, hướng sự chú ý tới loạt báo cáo tài chính khả quan và tính đến khả năng lãi suất sẽ tăng chậm lại...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (22/11), khi nhà đầu tư tạm gác lại mối lo về chính sách chống Covid-19 của Trung Quốc và thay vào đó, hướng sự chú ý tới loạt báo cáo tài chính khả quan và tính đến khả năng lãi suất sẽ tăng chậm lại. Giá dầu thô cũng tăng mạnh sau khi Saudi Arabia tuyên bố sẽ duy trì chính sách thắt chặt sản lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 397,82 điểm tương đương tăng 1,18%, chốt ở 34.098,1 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,36%, chốt ở 4.003,58 điểm, đánh dấu lần đầu tiên chốt trên 4.000 điểm kể từ tháng 9. Chỉ số Nasdaq tăng 1,36%, đạt 11.174,41 điểm.
Kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo của một số doanh nghiệp đã trở thành một chất xúc tác quan trọng cho sự hưng phấn của nhà đầu tư trong phiên này.
Hãng bán lẻ hàng điện tử Best Buy chứng kiến giá cổ phiếu tăng 1,28% sau khi nâng dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2023, đồng thời đưa ra mức lợi nhuận quý 3/2022 tốt hơn dự báo. Cổ phiếu hai hãng bán lẻ thời trang Abrecrombie & Fitch và American Eagle Outfitters tăng tương ứng 21,4% và 18,2% cũng nhờ kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo.
Tuy nhiên, cổ phiếu công ty hội nghị video Zoom và công ty bán lẻ giá rẻ Dollar Tree giảm tương ứng 3,9% và 7,8% do kết quả kinh doanh gây thất vọng.
Cuối tuần vừa rồi, Trung Quốc ghi nhận những ca tử vong do Covid đầu tiên ở đại lục kể từ tháng 5, khiến giới chức nước này quyết định thắt chặt các quy định phòng dịch. Mới chỉ cách đây 1 tuần, Trung Quốc bắt đầu nới một số biện pháp chống dịch để tiến tới chính sách mềm mỏng hơn.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ “cực kỳ hữu ích cho tăng trưởng” - theo chiến lược gia trưởng Seema Shah của Principal Asset Management. “Dù vậy, nhà đầu tư cần cẩn trọng theo dõi các diễn biến ở Trung Quốc, vì việc nước này thực thi kế hoạch mở cửa trở lại như thế nào sẽ quyết định triển vọng đầu tư”, bà Shah nói trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.
Giá cổ phiếu còn được nâng đỡ khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm do nhà đầu tư nhìn về năm 2023. Các phát biểu của quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng thu hút sự chú ý. Hôm thứ Hai, Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland Loretta Mester nói rằng dữ liệu lạm phát gần đây rất hứa hẹn và bà ủng hộ việc giảm tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới. Như vậy, Fed có thể sẽ sớm đạt tới lãi suất cực đại trong khoảng 4-5%.
“Điều đó đồng nghĩa với một gánh nặng lớn được gỡ bỏ khỏi đôi vai của nhà đầu tư”, nhà quản lý danh mục Phil Camporeale của JPMorgan Asset Management nhận định với CNBC về việc Fed tăng lãi suất chậm lại.
Dầu thô tăng giá sau khi Saudi Arabia tuyên bố sẽ giữ vững chính sách cắt giảm sản lượng như đã công bố trước đây. Tuyên bố này của Riyadh giúp “trung hoà” mối lo của nhà đầu tư về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu trong bối cảnh nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và số ca nhiễm Covid tăng mạnh ở Trung Quốc.
Thông tấn SPA của Saudi Arabia hôm thứ Hai dẫn lời Bộ trưởng Bộ Năng lượng nước này, hoàng tử Abdulaziz bin Salman, phủ nhận một bài báo của tờ Wall Street Journal nói rằng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đang cân nhắc tăng sản lượng. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) một thành viên lớn khác của OPEC, cũng phủ nhận thông tin này. Tương tự, Kuwait nói hiện tại không có cuộc đàm phán nào về nâng sản lượng.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,08 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, chốt ở 88,53 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau ở New York tăng 1,14 USD/thùng, tương đương tăng 1,4%, chốt ở 81,18 USD/thùng.
“Giá dầu đang nỗ lực hồi phục sau đợt giảm gần đây. Việc Saudi Arabia phủ nhận tin đồn rằng họ đang đàm phán tăng sản lượng với các thành viên OPEC khác và đồng minh đã hỗ trợ giá dầu”, nhà phân tích Naeem Aslam của Avatrade nói với hãng tin Reuters.
OPEC, Nga và các đồng minh khác, tức nhóm OPEC+, sẽ họp vào ngày 4/12, một ngày trước khi Liên minh châu Âu (EU) và nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) chính thức triển khác các biện pháp trừng phạt tiếp theo nhằm vào xuất khẩu dầu thô của Nga nhằm đáp trả cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. Các biện pháp này có thể hỗ trợ thêm cho giá dầu.
Theo đó, EU sẽ cấm vận dầu Nga xuất khẩu bằng đường biển từ ngày 5/12. Cũng từ ngày này, G7 sẽ áp trần giá lên dầu Nga bằng cách chỉ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển được phép cung cấp dịch vụ cho xuất khẩu dầu của Nga nếu dầu đó được bán bằng hoặc dưới giá trần.
Tuy nhiên, mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu trong bối cảnh lãi suất tăng và chính sách Zero Covid của Trung Quốc duy trì được giới phân tích nhận định sẽ tiếp tục là nhân tố gây trở ngại cho giá dầu, hạn chế mức độ tăng giá của “vàng đen”.