06:00 23/01/2013

“Chứng khoán năm qua cực kỳ nhạy cảm”

Tú Uyên

Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM nói cơ quan quản lý sẽ chú trọng gia tăng sự minh bạch trên thị trường

Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM.<br>
Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM.<br>
Để giải quyết những khó khăn cho thị trường chứng khoán trong năm 2013, giải pháp cần thiết là gì? Trong cuộc trao đổi dưới đây, ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) cho biết, một giải pháp xuyên suốt luôn được các cơ quan quản lý chú trọng, đó chính là gia tăng sự minh bạch trên thị trường.

Thị trường cổ phiếu niêm yết tại HOSE năm 2012 có những điểm gì đặc biệt, thưa ông?

Trong năm 2012, các chỉ số trên HOSE đều tăng trưởng: VN-Index tăng hơn 18%, còn VN30 so với đầu năm cũng tăng hơn 25%. Tôi đánh giá rằng đây là mức tăng trưởng khá lý tưởng cho các khoản đầu tư cả dài hạn và ngắn hạn trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Về thanh khoản, trung bình một phiên giao dịch đạt 890 tỷ đồng, tuy chưa phải là mức cao nhưng đã cải thiện nhiều so với năm 2011 với mức tăng gần 40%.

Tuy tình hình chung của thị trường có nhiều khả quan nhưng năm 2012 chứng kiến thị trường giao dịch cổ phiếu tại HOSE tăng giảm qua nhiều giai đoạn với các nguyên nhân khác nhau.

Giai đoạn tăng trưởng mạnh đầu năm do ảnh hưởng từ các chính sách vĩ mô, giai đoạn sụt giảm giữa năm chịu tác động của các thông tin về các nhân vật chủ chốt tại một số công ty niêm yết và giai đoạn phục hồi nhẹ cuối năm do những tín hiệu lạc quan về kinh tế cũng như các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn cho thị trường của các cơ quan quản lý.

Về thanh khoản, mặc dù bình quân phiên có cao hơn năm ngoái nhưng chênh lệch giữa các phiên là rất lớn. Có những phiên giao dịch hơn 2 ngàn tỷ đồng, có những phiên chỉ có 200-300 tỷ đồng. Điều này cho thấy thị trường chứng khoán trong năm qua trở nên cực kỳ nhạy cảm và phản ứng với các thông tin trên thị trường.

Trong năm cũng chứng kiến một số vụ sáp nhập, thâu tóm chưa có tiền lệ trong lịch sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Những kết quả không có nhiều khả quan của các doanh nghiệp niêm yết và công ty chứng khoán trong năm 2012 có cho thấy khó khăn đã vượt sức chịu đựng của doanh nghiệp chưa, thưa ông?

Đến nay chúng ta mới có kết quả hoạt động của 3 quý năm 2012. Báo cáo tài chính quý 3 cho thấy bức tranh thị trường với các mảng sáng tối.

Bên phía các công ty chứng khoán thành viên, số công ty lỗ ít hơn năm 2011 - 56 công ty với tổng lỗ là 465 tỷ đồng. Mặc dù vậy, cũng có một số công ty chứng khoán đã thu hẹp hoạt động để tiết giảm chi phí nên tổng lỗ giảm cũng không phản ánh được thực chất hoạt động của doanh nghiệp.

“Chứng khoán năm qua cực kỳ nhạy cảm” 1Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản hay vật liệu xây dựng chịu tác động mạnh nhất trong thời gian qua. Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM

Đối với khối công ty niêm yết, các chỉ số về lợi nhuận và doanh thu đều giảm so với cùng kỳ năm 2011, phản ánh tình trạng khó khăn trong hoạt động kinh doanh và sử dụng vốn, tài sản không hiệu quả của các doanh nghiệp niêm yết.

Kinh tế không thuận lợi đã gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp nói chung, tuy nhiên, cũng có những ngành khó khăn hơn các ngành khác, tạo ra sự phân hóa giữa các ngành nghề và các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản hay vật liệu xây dựng chịu tác động mạnh nhất trong thời gian qua.

Những ngành khác, đặc biệt là ngành tiêu dùng, khoáng sản, dịch vụ giải trí, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn có kết quả về doanh thu, lợi nhuận tốt, giá cả tăng cao hơn mức trung bình trên thị trường. Trong các công ty chứng khoán, những công ty nào xây dựng được hệ thống quản trị công ty tốt, hoạt động theo các chuẩn mực sẽ vẫn được các nhà đầu tư tin tưởng. Đây là cơ hội để sàng lọc công ty.

Để giải quyết những khó khăn cũng như tồn tại của doanh nghiệp và thị trường lúc này, những giải pháp cần thiết là gì, thưa ông?

Sẽ luôn có các khó khăn, thách thức trong sự phát triển của thị trường và doanh nghiệp, lúc này thì khó khăn này, lúc khác thì khó khăn khác. Cơ quan quản lý thị trường là Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra một loạt các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, cho thị trường như mở rộng biên độ, các chính sách về thuế, giải pháp về giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài...

Tuy nhiên, một giải pháp xuyên suốt luôn được các cơ quan quản lý chú trọng, đó chính là gia tăng sự minh bạch trên thị trường. Minh bạch về thông tin của các doanh nghiệp niêm yết, minh bạch về cơ chế chính sách, minh bạch về lộ trình phát triển thị trường...

Khi thị trường có thông tin đầy đủ, quyết định sẽ nằm trong sự phân tích, đánh giá của doanh nghiệp, của nhà đầu tư. Mức độ hiệu quả của thị trường chứng khoán sẽ tùy thuộc vào mức độ minh bạch thông tin và tốc độ các thông tin đó được phản ánh vào giá cả trên thị trường.

Trong năm 2012, những vi phạm nào của doanh nghiệp niêm yết và công ty chứng khoán được xem là nhiều nhất, thưa ông?


Sự phát triển “bong bóng” của những năm trước đây đã để lại nhiều hậu quả cho thị trường do sự phát triển không đi song hành với việc gia tăng các chuẩn mực trên thị trường. Khi tốc độ tăng trưởng của thị trường chững lại, những yếu kém trước đó có thể bị bỏ qua nay sẽ được bộc lộ rõ nét nhất. Đó là một trong những nguyên nhân của những vi phạm doanh nghiệp niêm yết và công ty chứng khoán những năm gần đây.

Riêng trong năm 2012, các vi phạm về công bố thông tin vẫn là nhiều nhất, chiếm hơn 50% các vụ vi phạm. Trong đó, có gần 200 công ty niêm yết vi phạm quy định về công bố thông tin, từ vi phạm nhẹ đến vi phạm nghiêm trọng, có một công ty bị hủy niêm yết vì những vi phạm này.

Đối với các công ty chứng khoán, phần lớn là vi phạm về chế độ báo cáo, việc thực hiện chế độ công bố thông tin được các công ty chứng khoán thực hiện khá tốt. Tình hình vi phạm như vậy là có giảm so với năm 2011.

HOSE đã có những giải pháp gì để hạn chế những vi phạm này, thưa ông?

Trong năm 2012, bên cạnh việc thực hiện các hoạt động phát triển thị trường, HOSE đã chú trọng tăng cường công tác giám sát thị trường. Một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra trong hoạt động của HOSE là giảm số lượng các công ty vi phạm.

“Chứng khoán năm qua cực kỳ nhạy cảm” 2HOSE kiên quyết đề nghị công ty thay đổi nhân viên công bố thông tin nếu công ty đó thường xuyên vi phạm quy định công bố thông tin. Ông Trần Đắc Sinh, Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM

Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đã thực hiện hàng loạt các giải pháp có hiệu quả trong năm qua như: tổ chức hội thảo hướng dẫn về Quy chế Công bố thông tin sửa đổi nhằm giúp các doanh nghiệp niêm yết nắm bắt kịp thời các quy định mới; tổ chức các buổi gặp gỡ với đại diện các công ty niêm yết để trao đổi các vấn đề thắc mắc liên quan đến quy định về công bố thông tin cũng như phổ biến các hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về một số vướng mắc trong xử lý kế toán, kiểm toán báo cáo tài chính.

Cán bộ phụ trách các doanh nghiệp niêm yết thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở công ty công bố thông tin đầy đủ nội dung và đúng thời hạn và trao đổi, hướng dẫn công ty về việc tuân thủ quy định công bố thông tin.

Đặc biệt, Sở cũng kiên quyết đề nghị công ty thay đổi nhân viên công bố thông tin nếu công ty đó thường xuyên vi phạm quy định công bố thông tin. Nhờ những biện pháp quyết liệt và tích cực, số vụ việc vi phạm và công ty vi phạm có giảm trong năm qua.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)