16:04 20/10/2015

Chứng khoán ngày 20/10: “Cánh én” VNM bắt đầu đuối

Lan Ngọc

VNM một lần nữa chiếm vị trí dẫn đầu thị trường về quy mô giao dịch

VN-Index mặc dù có VNM, BVH nâng đỡ vẫn không thoát khỏi cảnh sụt giảm mạnh - Ảnh: TVSI.
VN-Index mặc dù có VNM, BVH nâng đỡ vẫn không thoát khỏi cảnh sụt giảm mạnh - Ảnh: TVSI.
Rổ VN30 có đúng 5 cổ phiếu tăng giá và chỉ số sụt giảm 0,95%. VN-Index rất may mắn khi vẫn được VNM, VBH nâng đỡ, chỉ giảm 0,7%.

Trong số 5 blue-chip còn tăng giá trên HSX, hầu hết có liên quan đến câu chuyện thoái vốn. BVH, VSH là trường hợp cá biệt, tuy nhiên sức mạnh vốn hóa ở những mã tăng đã có tác dụng nhất định.

Giao dịch của VNM vẫn tiếp tục thu hút chú ý lớn nhất thị trường. Cổ phiếu này rất khỏe trong bối cảnh hàng loạt mã lớn khác giảm giá, từ dầu khí tới ngân hàng, chứng khoán hay bất động sản. Duy nhất nhóm bảo hiểm là ngược dòng.

VNM một lần nữa chiếm vị trí dẫn đầu thị trường về quy mô giao dịch với gần 1,2 triệu cổ phiếu và 130,1 tỷ đồng. Tuy nhiên so với phiên hôm qua, VNM đã có dấu hiệu đuối khá rõ.

Cổ phiếu này ở mức giá cao nhất 115.000 đồng, tăng 3,6% so với tham chiếu. Hôm qua VNM đã tăng 4,7%. Mức tăng quá nhanh chỉ trong 2 phiên đã kích thích áp lực chốt lời rất lớn. Đóng cửa giá chỉ còn tăng 0,9% và thực ra là bị chặn bán trên tham chiếu.

Rõ ràng là sức ép đã xuất hiện nhiều hơn ở VNM mới có thể khiến giá biến động xấu đi như vậy. Bù lại là phong trào đầu cơ VNM vẫn rất mạnh và giá không lúc nào giảm trong phiên.

Việc VNM suy yếu dần đã khiến thị trường lao dốc khá mạnh về buổi chiều. VN-Index tạo đáy khoảng 588,26 điểm, tương đương giảm 1,07% so với tham chiếu, trước khi thu hẹp mức giảm này lại còn 0,7% lúc đóng cửa.

Các cổ phiếu tăng đáng chú ý trong rổ VN30 là BVH tăng 2,75%, FPT tăng 0,42%, GDM tăng 5,9%. VSH có tăng nhưng sức mạnh lẫn độ ảnh hưởng không đáng kể. Trong số này, chỉ có BVH thuộc nhóm cổ phiếu tăng tốt nhất khi các mã khác cùng ngành cũng khỏe: BMI tăng 6,78%, BIC tăng 2,09%, PVI tăng 4,9%.

Sự khác biệt rất lớn giữa chỉ số VN30-Index và VN-Index thể hiện một thực tế là VNM hay BVH, FPT, GMD cũng chỉ là những “cánh én” lẻ loi. Những mã này mạnh để nâng đỡ cho chỉ số không có nghĩa là đủ sức kéo toàn bộ thị trường.

Điều này có thể thấy rõ qua độ rộng: HSX ghi nhận 152 mã giảm/74 mã tăng, VN30 ghi nhận 23 mã giảm/5 mã tăng.

Sàn HNX cũng không khá hơn bao nhiêu về độ rộng: 119 mã giảm/85 mã tăng và HNX30 có 20 mã giảm/6 mã tăng. Tuy nhiên HNX-Index chỉ giảm 0,47% trong khi HNX30 giảm 0,63%.

PVS đóng vai trò quan trọng trên HNX tương tự VNM trên HSX. Cổ phiếu này tăng 0,9% so với tham chiếu. Ngoài ra còn có PVB tăng 2,13%, PLC tăng 2,25% và lác đác vài mã khác như NTP, TCT, DBC tăng nhưng sức ảnh hưởng không lớn.

Tuy nhiên như đã chỉ ra ở trên, sàn HNX cũng ghi nhận độ rộng rất hẹp và các blue-chips, từ chứng khoán tới ngân hàng đều giảm mạnh.

Nhà đầu tư nước ngoài lộ diện là đối tượng bán ra lớn tại các blue-chips ở HSX. Rổ này bị rút vốn tới 89 tỷ đồng ròng. VIC, VCB, MSN, HPG là những cổ phiếu bị bán ròng cực mạnh từ 11 tỷ đến gần 24 tỷ đồng. Ngoài ra là STB, SSI, PVT, KDC, HAG cũng bị bán khá nhiều.

Phía mua, chỉ có NT2, GAS là hai mã duy nhất được mua ròng trên 5 tỷ đồng, tương ứng 9,7 tỷ và 6,1 tỷ. BMP, DCM, HHS là những mã được mua khá nhất trong nhóm còn lại, nhưng vẫn dưới 5 tỷ đồng.

Một chút may mắn là HNX vẫn được khối ngoại mua ròng nhẹ gần 3,5 tỷ. Đồng thời giao dịch thỏa thuận tại HSX nhận mức vốn vào ròng +69,3 tỷ đồng. Như vậy tổng thể vị thế của nhà đầu tư nước ngoài vẫn dương, nhưng điều quan trọng là áp lực bán thực tế tác động lên giá với các blue-chips vẫn rất mạnh.