07:30 15/11/2008

Chứng khoán Phố Wall lại giảm mạnh

Duy Cường

Ngày 14/11, thị trường Mỹ tưởng chừng tiếp tục tăng điểm nhưng sự đảo chiều bất ngờ đã thay đổi cục diện

Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã đồng loạt đảo chiều đi xuống trong 2 giờ giao dịch cuối cùng trong ngày - Ảnh: Getty.
Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã đồng loạt đảo chiều đi xuống trong 2 giờ giao dịch cuối cùng trong ngày - Ảnh: Getty.
Ngày 14/11, thị trường Mỹ tưởng chừng tiếp tục tăng điểm nhưng sự đảo chiều bất ngờ đã thay đổi cục diện.

Ba chỉ số chính mất từ 4,99% đến 7,92%

Giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 12 tại NYMEX trong ngày 14/11 đã giảm 1,2 USD/thùng và đóng cửa ngày giao dịch ở mức 57,04 USD/thùng.

Số liệu của Chính phủ Mỹ công bố trong ngày 14/11 cho thấy, doanh thu bán lẻ của nước này trong tháng 10 đã giảm 2,8% xuống 363,7 tỷ USD - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1992, trong đó doanh số ôtô giảm 5,5%, đồ nội thất gia đình giảm 2,5%.

Liên quan đến tập đoàn cho vay thế chấp bất động sản lớn thứ hai ở Mỹ, Freddie Mac vừa công bố lỗ 25,3 tỷ USD, tương đương -19,44 USD/cổ phiếu trong quý 3/2008. Đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hình thành của tập đoàn này.

Thông tin đáng chú ý khác, Citigroup sẽ cắt giảm khoảng 10.000 việc làm tại mảng ngân hàng đầu tư và các chi nhánh khác trên thế giới, tờ Wall Street Journal vừa cho biết như vậy trong ngày 14/11. Trước đó Citigroup đã thông báo cắt giảm 11.000 việc làm trong quý 3 nâng tổng số việc làm bị cắt giảm trong 9 tháng của tập đoàn lên 23.000.

Trong khi đó, tập đoàn công nghệ Sun Microsystems cũng công bố sẽ cắt giảm 5.000 đến 6.000 việc làm do bị tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.

Chứng khoán đã giảm điểm với biên độ lớn sau khi có ngày lên điểm ấn tượng và bất ngờ trước đó. Thị trường chứng khoán hôm thứ Sáu đã đón nhận tin tức không khả quan khi doanh thu bán lẻ trong tháng 10 sụt giảm mạnh.

Bên cạnh đó, sau mức tăng hơn 6,5% của phiên trước đó, nhiều nhà đầu tư đã tăng mạnh bán ra nhằm hiện thực hóa lợi nhuận các danh mục đầu tư.

Ngay khi thị trường mở cửa, cả ba chỉ số chính đều ở ngưỡng thấp hơn phiên trước đó, đến khoảng 9 giờ (giờ địa phương), cả ba chỉ số cùng giảm mạnh, tới 11 giờ - hàn thử biểu đều giảm xấp xỉ 4%.

Nhưng đến hơn 12 giờ, các chỉ số lại đồng loạt tăng điểm và có lúc đã vượt ngưỡng phiên trước đó. Nhưng điều bất ngờ lớn nhất đã xảy ra khi vào lúc 14 giờ chiều, cả ba chỉ số bắt đầu giảm mạnh và duy trì xu huống này đến hết ngày giao dịch.

Quan sát trên thị trường trong hai ngày qua, có thể thấy mức độ bất thường, bất ngờ ngày một nhiều và điểm đáng chú ý nhất chính là thị trường đã chạy trong biên độ dao động +/-4% trong ngày - điều rất hiếm khi xảy ra trên thị trường chứng khoán vốn được coi là có tính ổn định bậc nhất trên thế giới.

Trong phiên này, cổ phiếu khối công nghệ sụt giảm mạnh nhất, trong đó cổ phiếu Nokia giảm 3,68%, cổ phiếu của Apple (AAPL) trượt 6,4%, cổ phiếu Qualcomm mất 5,4%...

Trong tuần qua, số phiên giảm điểm (4) áp đảo số phiên lên điểm (1) nên đã đẩy chỉ số S&P 500 mất 6,16%, chỉ số Dow Jones hạ 4,99%, chỉ số Nasdaq trượt 7,92%.

Cổ phiếu khối tài chính tiếp tục dẫn đầu về biên độ giảm điểm trong tuần khi mất 11,79% giá trị và thấp hơn 56,76% so với cùng kỳ năm ngoái; cổ phiếu khối nguyên vật liệu cơ bản hạ 9,31% và thấp hơn 47,79% so với cùng kỳ năm 2007; cổ phiếu khối dịch vụ viễn thông mất điểm ít nhất với mức giảm 0,55% nhưng vẫn thấp hơn 37,67% so với cùng kỳ năm trước.

Kết thúc ngày giao dịch: Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 337,94 điểm, tương đương -3,82%, đóng cửa ở mức 8.497,31.

Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 79,85 điểm, tương đương -5%, chốt ở mức 1.516,85.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 38 điểm, tương đương -4,17%, đóng cửa ở mức 873,29.

Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,45 tỷ cổ phiếu trong khi khối lượng khớp lệnh thành công của Nasdaq đạt 2,3 tỷ cổ phiếu. Thị trường cứ có 4 mã giảm điểm thì có 1 mã lên điểm.

Chứng khoán châu Âu lên điểm ngày cuối tuần

Chứng khoán châu Âu đã có ngày giao dịch thành công khi cả ba chỉ số chính đều tăng điểm trở lại.

Cổ phiếu khối năng lượng, ngân hàng dẫn dầu về biên độ tăng điểm, trong đó, cổ phiếu BP, Royal Dutch Shell và Total tăng từ  3,2% đến 3,6%; cổ phiếu Deutsche Bank, Deutsche Postbank, Erste Group và Commerzbank tiến thêm từ 3,4 đến 5,3%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh lên 63,76 điểm, tương đương 1,53%, đóng cửa ở mức 4.232,97, khối lượng giao dịch đạt 1,94 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này lên 0,67%, khối lượng giao dịch đạt 38,7 triệu cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 1,31%, khối lượng giao dịch đạt 173 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán chấu Á “xanh” ngày cuối tuần

Diễn biến tích cực của phiên giao dịch trước đó của thị trường Mỹ đã hỗ trợ thị trường châu Á khởi sắc sau ba ngày mất điểm trước đó.

Cũng giống như nhà đầu tư ở thị trường Mỹ, giới đầu tư ở châu Á đang rất hy vọng vào một tuyên bố chung, một giải pháp toàn diện của nhóm G20 (7 nước có nền công nghiệp phát triển và 13 nền kinh tế mới nổi) trong cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 15/11.

Chứng khoán Nhật phiên giao dịch hôm thứ Sáu đã tăng điểm trở lại sau ba ngày mất điển liên tiếp trước đó, nhưng chỉ số Nikkei 225 vẫn mất hơn 1,4% giá trị trong tuần.

Ảnh hưởng tích cực từ thị trường Mỹ đã kéo chỉ số Nikkei 225 đã tăng trên 5% nhưng sau đó thị trường đã duy trì xu hướng giảm điểm cho đến hết phiên và khép lại ngày giao dịch cuối tuần với mức tăng gần 3%.

Cổ phiếu blue-chip của nhiều nhà xuất khẩu lớn có mức giảm trên 10% trong ba ngày trước đã được nhà đầu tư tăng mạnh mua vào để nhằm kiếm tìm lợi nhuận từ các đợt phục hồi kỹ thuật.

Trong đó, cổ phiếu của Advantest lên 9,1%, cổ phiếu Canon tăng 2,3%, cổ phiếu Honda tiến thêm 3,2%, cổ phiếu Toyota tăng 2%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 223,75 điểm, tương đương 2,72%, chốt ở mức 8.462,39. Khối lượng giao dịch đạt 2,1 tỷ cổ phiếu, thị trường có 955 cổ phiếu lên điểm và có 683 cổ phiếu giảm điểm.

Điểm qua các thị trường khác: Chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này tiến thêm 14,87 điểm, tương ứng 0,34%, đóng cửa ở mức 4.452,70, thấp hơn tuần trước 6,1%.

Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc hạ 0,18 điểm, tương đương -0,02%, chốt ở mức 1.088,26, giảm 4,07% giá trị trong tuần.

Chỉ số Straits Times của Singapore lên 3,6 điểm, tương đương 0,21%, đóng cửa ở mức 1.759,14, trượt 4,92% so với tuần trước.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông lên 321,31 điểm, tương ứng 2,43%, chốt ở mức 13.542,70, giảm 4,92% so với tuần trước

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc phiên này tăng 58,82 điểm, tương đương 3,05 điểm, chốt ở mức 1.986,44, tăng 13,66% so với tuần trước.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 8.835,25 8.497,31 Down337,94 Down3,82
Nasdaq 1.596,70 1.516,85 Down  79,85 Down5,00
S&P 500 911,29 873,29 Down  38,00 Down4,17
Anh FTSE 100 4.169,21 4.232,97  Up  63,76 Up1,53
Đức DAX 4.649,52 4.710,24  Up  60,72 Up1,31
Pháp CAC 40 3.269,46 3.291,47  Up  22,01 Up0,67
Đài Loan Taiwan Weighted 4.437,83 4.452,70 Up  14,87 Up0,34
Nhật Nikkei 225 8.238,64 8.462,39 Up223,75 Up2,72
Hồng Kông Hang Seng 13.221,35 13.542,70  Up321,31 Up2,43
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.088,44 1.088,26 Down   0,18 Down0,02
Singapore Straits Times 1.733,79 1.759,14 Up   3,67 Up0,21
Trung Quốc Shanghai Composite 1.927,61 1.986,44 Up 58,82 Up3,05
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg