16:08 02/08/2011

Chứng khoán sợ... thịt lợn

Trọng Nghĩa

Liệu có thể nào giá thịt lợn sẽ là yếu tố quyết định hướng đi của thị trường chứng khoán Việt Nam

Nhà đầu tư tiếp tục bị ám ảnh về nguy cơ lạm phát cao kìm hãm khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán
Nhà đầu tư tiếp tục bị ám ảnh về nguy cơ lạm phát cao kìm hãm khả năng phục hồi của thị trường chứng khoán
Cả mấy tuần nay giới đầu tư chứng khoán đột nhiên lại quan tâm đến giá... thịt lợn. Cũng không có gì khó hiểu khi giá thực phẩm - mà thịt lợn cũng là “blue-chip” – còn tăng thì khả năng kiềm chế lạm phát càng giảm và chứng khoán càng khó.

Thịt lợn bỗng nhiên được giới đầu tư để ý, không chỉ vì đầy rẫy thông tin trên các phương tiện truyền thông về thực trạng tăng giá thời gian qua, mà còn xuất hiện trong cả báo cáo của chính phủ, quốc hội, lẫn báo cáo kinh tế của tổ chức phân tích chuyên nghiệp.

Từ đầu tháng 6 đến nay, biến động của giá thịt lợn chiếm vị trí quan trọng trong các bản tin của giới truyền thông với đủ các từ ngữ nghiêm trọng: Tăng phi mã, thiếu hụt nguồn cung, nông dân không tái đàn... Thậm chí có cả so sánh mức tăng giá của thịt lợn đã tăng nhanh gấp 3 lần giá vàng trong gần một năm qua. Thủ tướng cũng phải có công điện tìm các biện pháp bình ổn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thậm chí phải họp khẩn để bàn biện pháp tháo gỡ tình trạng thực phẩm tăng giá đột biến.

Báo cáo phân tích vĩ mô của Công ty Chứng khoán SBS mới đây cho rằng giá lương thực, thực phẩm đang gây áp lực lạm phát. Báo cáo ngày 29/7 của SBS nhận xét mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 đã phá vỡ xu hướng giảm trong các tháng trước. Con số lạm phát đang ở mức 22,16% và có khả năng sẽ còn tăng trong một hai tháng tới trước khi giảm xuống vào quý 4. 

“Đã có nhiều kỳ vọng về lạm phát tháng 7 giảm xuống dưới mức 1%. Tuy nhiên đa số mọi người đều tỏ ra hơi quá lạc quan về tầm ảnh hưởng từ nhóm lương thực, thực phẩm, thanh phần chiếm tỉ lệ lớn trong giỏ tính CPI của Việt Nam”, báo cáo viết.

 SBS tin rằng việc giá lương thực ở Trung Quốc tăng mạnh đã ảnh hưởng đến Việt Nam mặc dù khó có thể tín được con số chính xác. Trung Quốc hiện cũng đang phải trải qua hoàn cảnh tương tự Việt Nam, trong đó có xu hướng tăng cao của giá lương thực, thực phẩm. “Chúng tôi nhận thấy xu hướng tăng trở lại của giá dầu cũng như giá lương thực thế giới. Vậy, có khả năng lạm phát sẽ còn tăng trong các tháng tới? SBS vẫn giữ quan điểm lạc quan và vẫn cho rằng lạm phát sẽ đạt đỉnh trong tháng 9, khoảng 23%”.

Một báo cáo khác công bố hôm 28/7 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng nhóm hàng lương thực, thực phẩm đóng vai trò quan trọng nhất trong việc kéo lạm phát đến tháng 7 lên trên mức 20% so với cùng kỳ. Cụ thể, nhóm hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống đã tăng giá đến hơn 30% so với cùng kỳ. Với mức tăng lớn như vậy, nhóm hàng này đã đóng góp gần 60% và mức tăng của CPI so với cùng kỳ.

“Mức tăng giá hàng lương thực thực phẩm hiện tại của Việt Nam không chỉ bị chi phối bởi yếu tố nội tại mà còn bị dẫn dắt mang tính toàn cầu. Chỉ số giá lương thực của FAO cho thấy đã tăng khoảng 40% so với tháng 6 năm ngoái và chưa cho thấy xu thế sớm đảo chiều.... Tại Trung Quốc giá thịt lợn đã tăng 57% trong tháng 6. Trong vài tháng tới giá lương thực thế giới vẫn có thể tiếp tục ở mức cao và đe dọa lạm phát tại các nước đang phát triển”, báo cáo nhận xét.

Thậm chí, trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 8 vừa công bố của Công ty Chứng khoán SME còn nói rõ “trong tháng 7, giá thịt lợn là đề tài được quan tâm nhiều nhất và đã có nhà đầu tư ví rằng giá thịt lợn trong thời gian tới  sẽ là nhân tố quan trọng quyết định hướng đi của thị trường chứng khoán Việt Nam”!

Theo ý kiến này, Việt Nam đang ở trong thời kỳ lạm phát tâm lý và muốn dập tắt hiện tượng này có lẽ cần những cú sốc bất ngờ như kiểu giá cả hàng hóa sụt giảm mạnh năm 2008: “Những biện pháp mang tính kỹ thuật của Ngân hàng nhà nước trong trường hợp này thường không hiệu quả. Trong tháng 8, CPI nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng cao khi chúng tôi quan sát thấy giá thịt lợn hơi và lợn bán lẻ tại Hà Nội trong tuần cuối tháng 7 vẫn tiếp tục tăng giá mạnh”.

Tại một cuộc hội thảo do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức cuối tuần qua, ông Lê Đức Thúy, nguyên Chủ tịch ủy ban này, cho rằng vẫn chưa thể nói được nền kinh tế đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất hay chưa. 

“Mức tăng CPI tháng 6 ở mức 1,09% được xem là giảm tốc nhiều nhất, nhưng đó là so sánh với tháng trước đó. Chúng ta phải nhớ rằng nếu so với cùng kỳ thì con số này cao gấp 5 lần: mức tăng CPI tháng 6/2010 chỉ là 0,23%. Hay như tháng 7/2011, tốc độ tăng CPI là 1,17%, cao gấp 20 lần so với tốc độ tăng CPI của tháng 7/2010 (0,06%)”, ông Thúy nói.

Thực ra các lo ngại như trên không phải là mới. Biến động trên thị trường chứng khoán đã cho thấy khá rõ điều này. Các thông tin tích cực chỉ có thể hãm đà giamr chức chưa thể tạo đột biến. Việc CPI theo tháng giảm được khuyến cáo là chưa đủ tin cậy vì mức tăng CPI tính theo năm vẫn đang trong xu hướng tăng và chưa biết chắc chắn sẽ đạt đỉnh vào thời điểm nào. Khá nhiều phân tích, dự báo tương đồng về mặt thời điểm vào tháng 9. Tuy nhiên sự cảnh giác của giới đầu tư lúc này khiến họ cần một số liệu khẳng định, hơn là những dự báo.