16:51 26/10/2008

Chứng khoán suy giảm: Tìm giải pháp hướng nội?

Hoàng Xuân Quyến

Dù trong nước xuất hiện nhiều thông tin tốt, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tụt dốc cùng thị trường thế giới

 Vào thời điểm hiện tại, gần 200 công ty niêm yết đã có báo cáo quý 3 mà phần lớn vẫn duy trì kết quả kinh doanh tốt, giá cố phiếu rẻ - Ảnh: Việt Tuấn.
Vào thời điểm hiện tại, gần 200 công ty niêm yết đã có báo cáo quý 3 mà phần lớn vẫn duy trì kết quả kinh doanh tốt, giá cố phiếu rẻ - Ảnh: Việt Tuấn.
Dù trong nước xuất hiện nhiều thông tin tốt, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tụt dốc cùng thị trường thế giới.

Không còn nghi ngờ gì nữa, nền kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán nói riêng đang chịu ảnh hưởng mạnh của xu thế suy giảm toàn cầu. Đã đến lúc Việt Nam nên có chính sách phản ứng nhanh, mà trọng tâm là chính sách hướng nội.

Ảnh hưởng tâm lý

VN-Index đã phá đáy 366 xuống 345 điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Tác nhân trực tiếp góp phần không nhỏ là do ảnh hưởng tâm lý, khi nhà đầu tư ngọai vẫn tiếp tục bán ròng chứng khoán trên cả hai sàn giao dịch (9.000 tỷ trái phiếu Chính phủ và 1.100 tỷ cổ phiếu trong tháng 10).

Dù khó có thể biết chính xác những toan tính của nhà đầu tư nước ngoài nhưng người viết suy đoán có thể động thái này nhằm nhiều mục đích: đáp ứng nhu cầu về thanh khoản trong và ngoài nước khi cần; tận dụng hưởng lợi chênh lệch tỷ giá một khi đồng Việt Nam giảm giá trong thời gian tới; gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và giảm giá cổ phiếu khi cần sẽ mua lại ở mức giá rẻ hơn.

Nếu những suy diễn trên là có cơ sở thì thị trường chứng khoán có thể hồi phục ngay khi khối ngoại dừng bán ròng.

Tuy nhiên, theo người viết, mức độ hồi phục của thị trường sẽ không mạnh như hồi tháng 7, bởi lẽ các yếu tố cơ bản của nền kinh tế đang bị tác động mạnh của xu hướng suy thoái kinh tế toàn cầu.

Vào thời điểm hiện tại, gần 200 công ty niêm yết đã có báo cáo quý 3 mà phần lớn vẫn duy trì kết quả kinh doanh tốt, giá cố phiếu rẻ. Thêm vào đó, cả lạm phát thưc và kỳ vọng lạm phát đều đã giảm rất đáng kể. Tính thanh khoản trong các ngân hàng thương mại đã không còn là nỗi lo, nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt.

Nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bỏ qua những thông tin tốt, trái lại đang phản ứng với kỳ vọng về thông tin xấu có thể diễn ra trong quý 4 và cả năm 2009, do những lo ngại về tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang ngày càng tác động mạnh đến nền kinh tế.

Đo lường tác động

Tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu đến nền kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán Việt Nam có thể kể ra rất nhiều, như suy giảm xuất khẩu và giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, xáo trộn luồng vốn đầu tư gián tiếp, suy giảm niềm tin về môi trường đầu tư…

Tuy nhiên đáng được quan tâm nhất vẫn là tác động đến khu vực kinh tế xuất khẩu, bởi lẽ xuất khẩu chiếm 2/3 tỷ trọng GDP và là khu vực sử dụng nhiều lao động nhất. Các ngành kinh tế như thủy sản, da giày, may mặc, cao su, lương thực, cà phê, hồ tiêu, dầu khí, điện tử… sẽ chịu tác động mạnh nhất.

Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chủ yếu vẫn tập trung vào bất động sản và sản xuất thép xây dựng. Măc dù tác động của FDI cũng rất lớn đặc biệt là cân đối cán cân thanh toán nhưng khu vực này lại tiêu hao nhiều năng lượng và dễ gây ô nhiễm môi trường, vì vậy chưa phải là mục tiêu ưu tiên trong giai đọan này của chính sách phát triển.

Tác động của luồng vốn đầu tư gián tiếp (FII) theo ý kiến của nhiều chuyên gia là chưa đáng ngại do quy mô nhỏ, hơn thế nữa thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư đối với các quỹ và cá nhân nhà đầu tư nước ngoài.

Chính sách hướng nội?

Trong bối  cảnh lạm phát đang giảm nhanh thì chính sách kích cầu có lẽ nên được đặt ra trong lúc này  để khai thác thị trường 85 triệu dân trong nước. Khi nền kinh tế suy giảm, sẽ dẫn đến thất nghiệp gia tăng và điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi khu vực kinh tế thu hút nhiều lao động (dệt may, da giày, cao su, thủy sản, lương thực, cà phê, hồ tiêu...) đang gặp khó khăn.

Nhưng chính sách kích cầu sẽ dễ đẩy lạm phát quay trở lại, nếu nền kinh tế ở trạng thái toàn dụng lao động (full employment), tức là khi mà mọi tiềm năng của các yếu tố sản xuất được khai thác hết.

Tuy nhiên, trong thực tế ở Việt Nam, hiệu quả sử dụng các yếu tố sản xuất còn rất thấp, nên nếu chính sách kích cầu trong nước nhắm tới mục tiêu nâng cao hiệu quả đầu tư và tạo thêm nhiều việc làm thì sẽ không đẩy lạm phát tăng. Muốn vậy, ba công cụ chính sách gồm tỷ giá, lãi suất và tài khóa cần phải được liên kết chặt chẽ và điều hành linh họat.

Các công cụ chính sách này cần được thể chế hóa và điều hành như thế nào nằm ngoài phạm vi bài viết này và thiết nghĩ xứng đáng là chuyên đề khoa học có ý nghĩa thực tiễn của các nhà nghiên cứu kinh tế.

Theo suy nghĩ của người viết thì chính sách hướng nội sẽ bao gồm:

- Điều hành tỷ giá sẽ diễn biến theo xu hướng để đồng nội tệ dần dần giảm giá vừa nhằm khuyến khích xuất khẩu vừa hạn chế được kích cầu giám tiếp cho nền kinh tế bên ngoài.

- Chính sách lãi suất và tín dung cần được vận dung linh họat theo hướng cho các doanh nghịêp trong nước vay vốn để tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả, các dự án sử dung nhiều lao động và đầu vào là các nguyên vật liệu sản xuất trong nước.

Theo hướng này, các dự án bất động sản, xây dựng cở sở hạ tầng cũng rất đáng được ưu tiên vay vốn dù trước đây dự án thuộc lọai này thuộc diện cắt giảm đầu tiên. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút nhiều lao động đáng được khuyến khích vay vốn phát triển sản xuất.

- Chính sách tài khóa nên cắt giảm các dự án tiêu tốn nhiều vốn, tốn thời gian triển khai, sử dụng nhiều nguyên vật liệu nhập ngọai, thu hút ít lao động. Theo hướng này thì tập đoàn kinh tế sẽ là đối tượng xem xét trước nhất. Các dự án nhiều vốn, sử dụng ít đầu vào trong nước nên tạm dừng triển khai

Đối với thị trường chứng khoán nói riêng, chính sách phát triển hướng nội chính là nhằm khôi phục các yếu tố cơ bản của thị trường và lòng tin của nhà đầu tư trong nước vào môi trường kinh tế vĩ mô.

Còn trong giai đoạn hiện tại, các nhà đầu tư xin hãy cân nhắc trước hết từ những chính sách kinh tế trong nước và tình hình hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết để quyết định đầu tư, hơn là chạy theo và bị chi phối tâm lý bởi khối nhà đầu tư nước ngoài, hiện chỉ chiếm 20% giá trị vốn hóa thị trường. Hành động này vô hình chung đang đẩy thị trường thêm suy giảm, và người hưởng lợi có thể lại chính là khối nhà đầu tư nước ngoài, nhờ đầu cơ giá xuống.

* Tác giả bài viết là Giám đốc Phân tích đầu tư - Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI)