17:02 24/01/2008

Chứng khoán thế giới: Niềm vui chưa trọn

Kiều Oanh

Đêm qua và sáng nay (24/1), thị trường chứng khoán thế giới trải qua một phiên giao dịch tràn đầy sinh lực, trừ thị trường châu Âu

Thị trường châu Á sáng nay được thúc đẩy bởi hiệu ứng của phiên hồi phục tại thị trường Mỹ.
Thị trường châu Á sáng nay được thúc đẩy bởi hiệu ứng của phiên hồi phục tại thị trường Mỹ.
Đêm qua và sáng nay (24/1), thị trường chứng khoán thế giới trải qua một phiên giao dịch tràn đầy sinh lực, trừ thị trường châu Âu.

Mỹ và Á “lên dốc”, Âu “xuống dốc”

Hôm qua, “liệu pháp” lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục phát huy hiệu quả và chính thức kéo thị trường chứng khoán Mỹ thoát khỏi sự vây hãm của những dấu trừ và mũi tên chỉ xuống. Giới đầu tư ồ ạt mua vào các loại cổ phiếu với mức giá hấp dẫn sau những phiên điều chỉnh liên tục vừa qua khiến các chỉ số chủ chốt trên phố Wall cứ ào ào mà tiến.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng thêm 298,98 điểm, tương đương 2,5%, chốt lại ở 12.270,17 điểm. Chỉ số Nasdaq lên 24,14 điểm, tức 1,05%, đóng cửa ở 2.316,41 điểm. Còn chỉ số S&P500 thêm 28,10 điểm, bằng 2,14%, đạt 1.338,60 điểm.

Tại thị trường châu Á sáng nay, sắc xanh lại tiếp tục lan tỏa khắp các sàn giao dịch từ Singapore tới Tokyo, trừ thị trường Hồng Kông và Việt Nam. Cuối ngày, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản tăng 2,1%, đạt mức 13.092,78 điểm, sau khi đã tăng 4% trong phiên trước. Chỉ số Topix giảm 2,76%, còn 1.284,45 điểm.

Tại thị trường Singapore, chỉ số Strait Times thêm 2,32%, đạt 3.052,94 điểm. Chỉ số S&P/ASX tăng 3,11%, lên 5.580,40 điểm. Thị trường Hồng Kông sau khi dẫn đầu phiên hồi phục của chứng khoán châu Á ngày hôm qua, hôm nay lại đi xuống, với chỉ số Hang Seng mất 2,29% số điểm, còn 23.539,27 điểm.

Chỉ số MSCI của thị trường châu Á - Thái Bình Dương ngoại trừ Nhật Bản tăng 2,6%, lên mức 140,97 điểm, sau khi đã tăng 4% hôm qua. Hai ngày qua là hai ngày tăng điểm mạnh nhất của thị trường chứng khoán châu Á kể từ tháng 10/1998.

Khác với thị trường Mỹ và Á, ngày hôm qua lại là một ngày ảm đạm của thị trường chứng khoán châu Âu. Lo ngại về nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm lại, kéo giá dầu thô giảm, đẩy cổ phiếu các công ty năng lượng lớn nhất của châu lục này lao dốc, kéo các chỉ số chính trở lại “vùng đỏ”.

Những “ngọn gió lành”

Giới đầu tư chứng khoán thế giới hứng khởi trước nhiều “ngọn gió lành”. Ngoài nguồn động lực từ hành động cứu hộ khẩn cấp của FED, thị trường Mỹ còn được hỗ trợ bởi thông tin cho hay, chính quyền bang New York sẽ thảo luận với các ngân hàng về một kế hoạch hỗ trợ các công ty bảo hiểm trái phiếu của Mỹ. Mặt khác, việc Tổng thống Bush và Quốc hội Mỹ đang tiến rất sát một kế hoạch hỗ trợ kinh tế cũng giúp ích nhiều cho việc hỗ trợ thị trường.

Thị trường châu Á sáng nay được thúc đẩy bởi hiệu ứng của phiên hồi phục tại thị trường Mỹ. Thêm vào đó, những số liệu mới công bố về kinh tế Trung Quốc cũng hết sức lạc quan.

Trong quý 4 năm ngoái, nền kinh tế này tiếp tục tăng trưởng ở mức 11,2%, chỉ thấp hơn chút ít so với mức 11,5% trong quý 4. Trong khi đó, lạm phát của Trung Quốc trong tháng 12 đã “hạ nhiệt” xuống mức 6,5%. Những con số này khiến thị trường lạc quan rằng, tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc có khả năng bù đắp cho sự tăng trưởng chậm lại tại Mỹ. Dự báo, Trung Quốc năm nay sẽ vượt qua Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.Do bước vào ngày giao dịch hôm qua trước khi có những thông tin tốt lành từ Mỹ và châu Á, thị trường châu Âu chịu ảnh hưởng nặng bởi sự ảm đạm của thị trường dầu lửa. Giá dầu thô Brent tại London giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng trở lại đây trước khả năng nhu cầu tiêu thụ giảm vì nguy cơ suy thoái toàn cầu đã khiến một loạt cổ phiếu năng lượng mất giá mạnh mẽ.

Ngày hôm qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet phát biểu đưa ra những dấu hiệu cho thấy có thể ngân hàng này sẽ phải cắt giảm lãi suất đồng Euro trong thời gian không xa. Việc một ngân hàng trung ương ưu tiên mục tiêu chống lạm phát hơn tăng trưởng kinh tế như ECB tính đến việc cắt giảm lãi suất khiến thị trường càng tin rằng, viễn cảnh kinh tế châu Âu là ảm đạm.

Chỉ số Dow Jones Stoxx 600 đã sụt mất 3%, còn 306,03 điểm. Tại 18 thị trường các nước Tây Âu, trừ thị trường Luxembourg, tất cả các chỉ số chủ chốt đều sụt điểm. Chỉ số FTSE của thị trường London tuột mất 2,3%, chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 4,3%, trong khi chỉ số DAX của thị trường Đức giảm 4,9%.

Những cổ phiếu đi đầu

Tại thị trường châu Mỹ hôm qua, những loại cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là cổ phiếu của các ngân hàng lớn như JP Morgan Chase, Citigroup, Merrill Lynch, Morgan Stanley và Lehman Brothers. Trong đó, đi đầu là cổ phiếu của JP Morgan Chase với mức tăng 12%. Cổ phiếu của Ambac Financial và MBIA, hai hãng bảo hiểm trái phiếu lớn nhất của Mỹ tăng mạnh nhất trong số các công ty nằm trong chỉ số S7P 500.

Tại thị trường châu Á, dẫn đầu cũng là các cổ phiếu ngân hàng. Trong phiên này, cổ phiếu của các ngân hàng, các hãng bảo hiểm và các công ty địa ốc tăng mạnh nhất, với mức tăng chung là 4,6%.

Cổ phiếu của ngân hàng HSBC niêm yết tại Hồng Kông tăng 1,3%, một mức tăng khiêm tốn so với mức “đột phá” 7,5% của ngân hàng lớn nhất Nhật Bản Mitsubishi UJF. Đây là phiên tăng ngoạn mục nhất của Mitsubishi UJF kể từ tháng 11/2005. Tăng mạnh hơn nữa là cổ phiếu của hãng bảo hiểm lớn nhất Nhật Bản Millea Holdings, với mức tăng 8,5%. Cổ phiếu của Mizuho, ngân hàng lớn thứ 3 của Nhật, cũng tăng 5%.

Tại thị trường Hàn Quốc, cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất nước này là Kookmin cũng tăng thêm 1,1%. Cổ phiếu của công ty chứng khoán lớn thứ 3 Hàn Quốc, Samsung Securities, cũng tăng 5,4%.

Còn tại thị trường châu Âu hôm qua, dẫn đầu sự đổ dốc của thị trường là các cổ phiếu năng lượng. Cổ phiếu của hãng dầu khí lớn nhất nước Áo OMG mất giá 4,2%, trong khi cổ phiếu của hãng sản xuất đồng lớn nhất châu Âu KGHM sụt 1,3%. Cổ phiếu của hãng năng lượng lớn nhất châu Âu CEZ giảm 6,1%.