06:00 11/07/2008

Chứng khoán thế giới: Sụt giảm vì khối tài chính

Duy Cường

Ngày 10/7, chứng khoán châu Âu giảm hơn 2% trong khi thị trường Mỹ lên điểm bất chấp giá dầu tăng

Sự sụt giảm của cổ phiếu khối tài chính đã góp phần đẩy chứng khoán châu Âu mất hơn 2% giá trị.
Sự sụt giảm của cổ phiếu khối tài chính đã góp phần đẩy chứng khoán châu Âu mất hơn 2% giá trị.

Ngày 10/7, chứng khoán châu Âu giảm hơn 2% trong khi thị trường Mỹ lên điểm bất chấp giá dầu tăng.

Chứng khoán Mỹ: Sắc xanh trở lại

Hôm thứ Năm, giá dầu đã tăng thêm 5 USD/thùng sau khi Ngoại trưởng Mỹ, bà Condoleezza Rice nói rằng Hoa Kỳ sẽ không từ bỏ lập trường nếu Iran tiếp tục thử tên lửa. Kết thúc ngày giao dịch, giá dầu thô kỳ hạn giao tháng Tám tại NYMEX đóng cửa ở mức 141,65 USD/thùng.

Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ thông báo, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở nước này trong tuần trước đã giảm 58.000 người và hiện có tổng 346.000 người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu.

Như vậy, tín hiệu khả quan hơn đã được phát đi khi số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở mức thấp nhất kể từ ngày 19/4. Được biết, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này trong tháng Sáu đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Liên quan đến ngành bán lẻ, nhiều tập đoàn bán lẻ ở Mỹ đã công bố thông tin khả quan về doanh thu trong tháng Sáu. Theo đó, doanh thu của chuỗi siêu thị bán lẻ của hãng này tăng 5,8%, cao hơn mức dự báo 3,8% của giới phân tích.

Trong khi đó, hãng Costco Wholesale cũng vừa đưa ra thông báo về tình hình kinh doanh tháng Sáu. Theo đó, doanh thu của hãng này tăng 9%, thấp hơn mức tăng 12% của năm ngoái.

Trước nhiều thông tin lạc quan hơn được công bố trong ngày, chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trở lại sau khi sụt giảm phiên trước đó.

Một trong những nhân tố quan trọng giúp thị trường hồi phục là phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, ông Ben Bernanke và Bộ trưởng Bộ Tài chính Henry Paulson trước Quốc hội rằng họ đang làm mọi thứ có thể nhằm khôi phục thị trường tài chính Mỹ và nhấn mạnh với các nhà làm luật rằng những thay đổi mang tính chất dài hạn trong các điều luật là quan trọng cho việc ngăn ngừa khủng hoảng tài chính có thể xảy ra trong tương lai.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 81,58 điểm, tương đương 0,73%, đóng cửa ở mức 11.229,02.

Chỉ số Nasdaq phiên này tăng 22,96 điểm, tương ứng 1,03%, kết thúc ngày giao dịch ở mức 2.257,85.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tăng 8,70 điểm, tương đương 0,70%, đóng cửa ở mức 1.253,39.

Chứng khoán châu Âu: Sụt giảm vì khối tài chính

Ngân hàng Trung ương Anh BoE hôm thứ Năm đã đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản đối với đồng Bảng ở mức 5%/năm bất chấp lạm phát đang gia tăng.

Những dấu hiện về sự suy yếu của nền kinh tế nước này đang dần lộ diện, với giá bất động sản sụt giảm, tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát hiện đang ở mức 3,3%. Các nhà phân tích cho rằng, thắt chặt chính sách tiền tệ ở nước này tiếp tục được thực thi là do ảnh hưởng từ sự rối loạn trong lĩnh vực tín dụng toàn cầu.

Chứng khoán châu Âu phiên giao dịch hôm thứ Năm đã sụt giảm hơn 2% do những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giá cổ phiếu khối ngân hàng, cổ phiếu các hãng dầu khí giảm mạnh.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 122,80 điểm, tương đương -2,22%, đóng cửa ở mức 5.506,80, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 2,95 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này giảm 1,28%, khối lượng giao dịch đạt 4,28 tỷ cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp phiên giao dịch hôm thứ Năm sụt giảm 2,49%, khối lượng giao dịch đạt 210 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Trung Quốc trong sắc đỏ

Chứng khoán châu Á phiên giao dịch hôm thứ Năm đã tăng điểm ở nhiều thị trường trong khi sắc đỏ đã hiện diện ở thị trường Trung Quốc với biên độ giảm hơn 1,5%.

Thông tin từ Ngân hàng Trung ương Nhật cho biết, giá hàng hóa bán sỉ trong tháng Sáu đã tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo 5,3% của giới phân tích. Giá dầu liên tục tăng cao là một trong những nguyên nhân cơ bản đẩy mức tăng này lên cao nhất trong vòng 27 năm qua.

Chứng khoán Nhật phiên giao dịch hôm thứ Năm đã tiếp tục tăng điểm ngày thứ hai trong tuần dù biên độ tăng là không đáng kể. Cổ phiếu khối ngân hàng tiếp tục là nhân tố chính thúc đẩy đà tăng của thị trường.

Hai đại diện tiêu biểu trong số các cổ phiếu khối ngân hàng tăng điểm đều là những ngân hàng hàng đầu của nước này. Cổ phiếu của Mitsubishi UFJ Financial Group tăng 3,5%, cổ phiếu của Mizuho Financial Group tăng 2,7%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tăng 15,08 điểm, tương đương 0,12%, đóng cửa ở mức 13.067,21.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông phiên này tăng 0,07% đóng cửa ở mức 21.821,78.

Liên quan đến thị trường Singapore, Bộ Thương mại nước này cho biết, GDP trong quý 2 tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của giới phân tích. Trong đó sản xuất công nghiệp của Singapore trong quý 2 đã giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 12,7% trong quý 1.

Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam cho biết, nước này vẫn kỳ vọng tăng trưởng GDP năm nay ở mức từ 4 - 6%. Năm ngoái, kinh tế Singapore tăng 7,7%.

Chỉ số Straits Times của Singapore phiên này giảm 0,55%, đóng cửa ở mức 2.901,58.

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này tăng 0,39%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 1,19%.

Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Sáu đã chậm lại so với tháng Năm. Theo cơ quan Hải Quan nước này, xuất khẩu trong tháng đã tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 10,5% so với tháng Năm. Nhập khẩu tăng 31%, thấp hơn so với mức tăng 40% của tháng Năm.

Như vậy trong tháng Sáu, kim ngạch thương mại của Trung Quốc thặng dư 21,4 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo giới phân tích, khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc thực tế tăng cao nhưng do đồng USD và Yên Nhật mất giá so với Nhân Dân Tệ nên giá trị xuất khẩu của nước này giảm theo tỷ giá.

Được biết, đồng Nhân Dân Tệ đã tăng 6,7% so với USD trong năm nay và tăng 21% so với thời điểm Trung Quốc áp dụng tỷ giá cố định năm 2005. Đồng tiền này cũng tăng 14% so với đồng Yên Nhật và giảm 7% so với đồng Euro.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc phiên này đã giảm điểm sau khi tăng mạnh phiên trước đó. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite mất 1,54%, đóng cửa ở mức 2.875,45.
 

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 11.147,47 11.229,02  +81,58 +0,73
Nasdaq 2.234,89 2.257,85  +22,96  +1,03
S&P 500 1.244,69 1.253,39  +8,70 +0,70
Anh FTSE 100 5.529,60 5.406,80  -122,80 -2,22
Đức DAX 6.386,46 6.305,00  -81,46 -1,28
Pháp CAC 40 4.339,66 4.231,56  -108,10  -2,49
Đài Loan Taiwan Weighted 7.048,25 7.075,65 +27,40 +0,39
Nhật Nikkei 225 13.052,13 13.067,21  +15,08 +0,12
Hồng Kông Hang Seng 21.805,81 21.821,78 +15,97 +0,07
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.519,38 1.537,43 +18,05 +1,19
Singapore Straits Times 2.917,62 2.901,58 -16,04  -0,55
Trung Quốc Shanghai Composite 2.920,55 2.875,45 -45,10 -1,54
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg