07:30 16/07/2008

Chứng khoán thế giới: Thị trường Mỹ mất điểm ngày thứ ba

Duy Cường

Ngày 15/7, chứng khoán châu Á, Âu và Mỹ sụt giảm mạnh trong khi giá dầu đã bất ngờ giảm gần 7 USD/thùng

Chứng khoán Mỹ sụt giảm ngày thứ ba liên tiếp, trong đó chỉ số Dow Jones lần đầu tiên trong 2 năm qua tụt khỏi mốc 11.000 điểm.
Chứng khoán Mỹ sụt giảm ngày thứ ba liên tiếp, trong đó chỉ số Dow Jones lần đầu tiên trong 2 năm qua tụt khỏi mốc 11.000 điểm.
Ngày 15/7, chứng khoán châu Á, Âu và Mỹ sụt giảm mạnh trong khi giá dầu đã bất ngờ giảm gần 7 USD/thùng.

Chứng khoán Mỹ: Liên tiếp ba ngày mất điểm

Giá dầu thô kỳ hạn giao tháng Tám tại NYMEX trong ngày 15/7 bất ngờ giảm 6,44 USD/thùng, tương đương 4,4%, đóng cửa ngày giao dịch ở mức 138,74 USD/thùng. Như vậy, giá dầu giảm gần 7 USD/thùng trong một ngày giao dịch là mức giảm kỷ lục trong vòng 17 năm qua.

Hôm thứ Ba, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán lẻ trong tháng Sáu của nước này tăng 0,1% so với tháng Năm, thấp hơn so với mức dự báo tăng 0,4% của giới phân tích.

Trong khi đó, Bộ Lao động cũng vừa công bố chỉ số giá sản xuất hay chỉ số giá của nhà sản xuất (PPI) của Mỹ trong tháng Sáu tăng 1,8% so với tháng Năm do tác động từ giá năng lượng tăng cao và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/1981. Nếu loại trừ yếu tố năng lượng, PPI của Mỹ tăng 0,2% so với tháng Năm.

Thông tin liên quan đến nhà sản xuất ôtô hàng đầu nước Mỹ, General Motors thông báo kế hoạch sẽ cắt giảm 20% việc làm, bán 4 tỷ USD tài sản và mượn ít nhất 2 tỷ USD nhằm khắc phục tính thanh khoản nhưng cũng nhấn mạnh rằng năm 2009 họ sẽ phải đi vay tới 15 tỷ USD.

Liên quan đến hãng Intel, hôm thứ Ba hãng này công bố kết quả kinh doanh quý 2/2008. Theo đó, doanh thu của hãng đạt 10,6 tỷ USD. Lợi nhuận sau thuế đạt 1,6 tỷ USD, tương đương 28 cent/cổ phiếu, tăng 6 cent/cổ phiếu so với năm ngoái.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống với đà sụt giảm của chỉ số Dow Jones và S&P 500 trong khi chỉ số Nasdaq tăng nhẹ nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Intel. Tuy nhiên, điểm đáng chú nhất trong phiên này là chỉ số Dow Jones lần đầu tiên trong 2 năm qua tụt khỏi mốc 11.000 điểm.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục giảm 92,65 điểm, tương đương -0,84%, đóng cửa ở mức 10.962,54.

Chỉ số Nasdaq phiên này tăng 2,84 điểm, tương ứng 0,13%, chốt ở mức 2.215,71.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 13,39 điểm, tương đương -1,09%, đóng cửa ở mức 1.214,91.

Chứng khoán châu Âu: Sắc đỏ trở lại

Giá lương thực – thực phẩm và nhiên liệu tăng cao đã đẩy tỷ lệ lạm phát của Anh trong tháng Sáu lên gần gấp đôi so với mục tiêu đề ra của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).

Theo đó, lạm phát của Anh trong tháng Sáu đã tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.Tháng trước, mức tăng của lạm phát đạt 3,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, chỉ số niềm tin của các nhà đầu tư ở Đức trong tháng Bảy vừa được công bố cho thấy niềm tin của giới đầu tư ở nước này đã xuống rất thấp. Theo đó, chỉ số này đã giảm từ -52,4 trong tháng Sáu xuống -63,9 trong tháng Bảy.

Chứng khoán châu Âu phiên giao dịch hôm thứ Ba đã đảo chiều và giảm mạnh sau nhiều thông tin bất lợi liên quan đến tình hình lạm phát ở Anh, niềm tin giới đầu tư Đức suy giảm…đã tác động đến thị trường.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 128,50 điểm, tương đương -2,42%, đóng cửa ở mức 5.171,90, khối lượng giao dịch đạt 1,86 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này giảm 1,61%, khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 4,30 tỷ cổ phiếu. Chỉ số CAC 40 của Pháp phiên này giảm 1,37%, khối lượng giao dịch ở mức 186 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Thị trường mất điểm với biên độ lớn

Chứng khoán châu Á phiên giao dịch hôm thứ Ba ngập trong sắc đỏ do ảnh hưởng từ thị trường tài chính Mỹ cũng như quan ngại về tác động dây truyền có thể lan rộng đối với khối tài chính khu vực.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa phiên này với ngày giao dịch đầu tuần chính là biên độ dao động. Nếu như phiên trước biên độ dao động giảm là không đáng kể thì phiên này biên độ giảm từ 2% đến gần 5%.

Hôm thứ Ba, Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) đã đưa ra quyết định duy trì mặt bằng lãi suất cơ bản ở mức 0,5% như dự báo của giới phân tích. Tuy nhiên BOJ đã hạ mức dự báo về tăng trưởng kinh tế và cảnh báo chi phí năng lượng tăng cao sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục suy giảm.

Ngoài ra, BOJ cũng dự báo lạm phát cơ bản (không bao gồm giá năng lượng và lương thực – thực phẩm) sẽ tăng lên 1,8% thay cho mức 1,1% đư ra hồi tháng Tư.

Chứng khoán Nhật phiên giao dịch hôm thứ Ba giảm gần 2% xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 tháng qua. Nguyên nhân giảm điểm do sự sụt giảm của cổ phiếu khối tài chính và cổ phiếu các nhà xuất khẩu lớn như Canon, Fujitsu… do đồng Yên lên giá.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 255,60 điểm, tương ứng 1,96%, đóng cửa ở mức 12.754,56.

Chuyển qua thị trường chứng khoán Hồng Kông, chỉ số Hang Seng phiên này tiếp tục sụt giảm do tác động từ thị trường tài chính toàn cầu và ảnh hưởng của các thị trường trong khu vực, kết thúc ngày giao dịch, chỉ số này giảm 3,81%.

Liên quan đến thị trường Hàn Quốc, Ngân hàng Trung ương nước này cho biết giá hàng hóa nhập khẩu trong tháng Sáu đã tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Lạm phát ở Hàn Quốc trong tháng Sáu ở mức 5,5% và buộc Ngân hàng Trung ương tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức 5%.

Trong tuần trước, Ngân hàng Trung ương đã công bố dự trữ ngoại tệ của Hàn Quốc ở mức 258 tỷ USD. Thông tin đó khiến đồng Won tăng 4,8% so với USD nhưng vẫn mất 7% so với đầu năm.

Chứng khoán Hàn Quốc phiên này tiếp tục mất điểm với biên độ giảm đáng thất vọng do sự sụt giảm của cổ phiếu khối tài chính. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số KOSPI giảm 3,16%, chốt ở mức 1.509,33

Điểm qua các thị trường khác: chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này sụt giảm 4,51%. Chỉ số Straits Times của Singapore giảm 2,44%.

Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc phiên này không thể duy trì sắc xanh của phiên trước đó. Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Shanghai Composite giảm 3,43%.
 
Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 11.055,19 10.962,54  -92,65 -0,84
Nasdaq 2.212,87 2.215,71  +2,84  +0,13
S&P 500 1.228,30 1.214,91  -13,39 -1,09
Anh FTSE 100 5.300,40 5.171,90  -128,50  -2,42
Đức DAX 6.200,25 6.100,24  -100,01  -1,61
Pháp CAC 40 4.142,53 4.085,93  -56,60 -1,37
Đài Loan Taiwan Weighted 7.156,96 6.834,24 -322,72 -4,51
Nhật Nikkei 225 13.010,16  12.754,56 -255,60 -1,96
Hồng Kông Hang Seng 22.014,46 21,174.77 -839,69 -3,81
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.558,62 1.509,33 -49,29  -3,16
Singapore Straits Times 2.926,58 2.833,38 -70,74 -2,44
Trung Quốc Shanghai Composite 2.878,26 2.779,45 -98,81  -3,43
Nguồn: CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg