Chứng khoán Việt Nam sẽ tăng 32% nếu lọt vào danh sách nâng hạng MSCI?
Giai đoạn thị trường tăng mạnh thường diễn ra trong khoảng thời gian từ lúc được thêm vào danh sách theo dõi tiềm năng nâng hạng cho đến khi MSCI bắt đầu thực hiện tham vấn các tổ chức đầu tư trên thế giới với mức tăng trung bình là 32%.
Chứng khoán Rồng Việt vừa có báo cáo nâng hạng chứng khoán lên thị trường mới nổi và tác động đến thị trường chứng khoán trong đó nhấn mạnh giai đoạn thị trường tăng mạnh thường diễn ra trong khoảng thời gian từ lúc được thêm vào danh sách theo dõi tiềm năng nâng hạng cho đến khi MSCI bắt đầu thực hiện tham vấn các tổ chức đầu tư trên thế giới. Quá trình này diễn ra trong khoảng 9-10 tháng trong điều kiện lý tưởng.
Theo đó, thông thường quá trình nâng hạng của MSCI sẽ gồm 4 giai đoạn: (1) MSCI sẽ công bố kết luận từ các cuộc thảo luận với cộng đồng đầu tư về danh sách các quốc gia được xem xét và công bố danh sách mới các quốc gia, nếu có, được xem xét để phân loại lại thị trường tiềm năng trong chu kỳ sắp tới vào tháng 6 hàng năm, (2) Tham vấn các nhà đầu tư tổ chức quốc tế, (3) Thông báo về quyết định nâng hạng, và cuối cùng là (4) thực hiện việc nâng hạng. Trong khung thời gian ngắn nhất, quá trình này kéo dài 2 năm.
Theo thống kê từ các thị trường đã được nâng hạng không bao gồm Qatar và UAE do có sự kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến thị trường biến động mạnh và khoảng thời gian nâng hạng bị kéo dài, giai đoạn thị trường tăng mạnh thường diễn ra trong khoảng thời gian từ lúc được thêm vào danh sách theo dõi tiềm năng nâng hạng cho đến khi MSCI bắt đầu thực hiện tham vấn các tổ chức đầu tư trên thế giới với mức tăng trung bình là 32%.
Quá trình này thường diễn ra trong khoảng 9-10 tháng sau khi một thị trường chứng khoán được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng vào tháng 6 hàng năm. Nguyên nhân là do sự tham gia của nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đón dầu sự nâng hạng của một thị trường chứng khoán.
Cũng trong giai đoạn này, xét về hiệu suất tính theo các chỉ số vốn hóa, các chỉ số vốn hóa vừa và nhỏ ở Trung Quốc (CSI Midcap và CSI Smallcap) có mức tăng vượt trội hơn so với các chỉ số vốn hóa lớn (CSI 100, CSI 300, SSE 50).
Diễn biến này là do sự thêm vào cả các cổ phiếu vốn hóa nhỏ vào các chỉ số như MSCI Emerging Makets Small Cap Index và MSCI Emerging Makets IMI. Trong khi đó, xu hướng này có phần không rõ ràng đối với các thị trường còn lại do không có đầy đủ dữ liệu về diễn biến các chỉ số theo vốn hóa.
MSCI sẽ lựa chọn số lượng nhất định các cổ phiếu thỏa mãn các tiêu chí định lượng về vốn hóa và thanh khoản để thêm vào chỉ số MSCI Emerging Markets tiêu chuẩn sao cho thỏa mãn tỷ trọng mô phỏng của nước đó trong bộ chỉ số này. Ngoại trừ Ả Rập Saudi thì các thị trường chứng khoán mới lên hạng kể trên đều có tỷ trọng ban đầu trong bộ chỉ số tiêu chuẩn thấp hơn 1,0%. Ngoài ra, một lượng cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng sẽ được thêm vào trong bộ chỉ số MSCI Emerging Markets IMI.
Về quá trình nâng hạng của chứng khoán Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế. Tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.