18:49 21/04/2015

“Chúng ta mất 1/4 thế kỷ để xác lập một điều đương nhiên”

Nguyễn Lê

Cuối năm 2014, quyền tự do kinh doanh của công dân, được làm những gì mà pháp luật không cấm, đã được xác lập

Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, diễn ra trong hai ngày 21 và 22/4 ở thành phố Vinh, Nghệ An - Ảnh: Tư Giang.
Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, diễn ra trong hai ngày 21 và 22/4 ở thành phố Vinh, Nghệ An - Ảnh: Tư Giang.
Môi trường đầu tư kinh doanh nhìn từ góc độ cải cách nền hành chính và tài chính công là chủ đề được vị Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, TS. Trần Du Lịch lựa chọn trong tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015, diễn ra trong hai ngày 21 và 22/4 ở thành phố Vinh, Nghệ An.

Ba thời kỳ và ba nhân tố


Với dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua cuối năm 2014, quyền tự do kinh doanh của công dân, được làm những gì mà pháp luật không cấm, đã được xác lập.

Nhấn mạnh đây chính là bước đột phá về thể chế kinh tế, TS. Trần Du Lịch chỉ ra rằng Việt Nam mất gần 1/4 thế kỷ để xác lập tư duy về một vấn đề mang tính đương nhiên phải có trong cơ chế thị trường.

Ông phân tích, nhìn suốt quá trình đổi mới thì quyền tự do kinh doanh của công dân - một loại quyền đương nhiên trong thể chế kinh tế thị trường - để được xác lập đã trải qua ba thời kỳ:

- Phải được Nhà nước cho phép trước khi lập doanh nghiệp (luật năm 1991);

- Được đăng ký lập doanh nghiệp và kinh doanh các ngành nghề theo giấy phép đăng ký (luật năm 2000);

- Được kinh doanh những gì mà luật không cấm hoặc ghi điều kiện (luật năm 2014).

Chúng ta đã mất gần 1/4 thế kỷ, nhưng để sự đổi mới tư duy này đi được vào cuộc sống, thì vẫn đang còn là vấn đề phía trước. Nhưng dù sao, đây là một bước đột phá về nội dung đổi mới thể chế kinh tế, ông Lịch bình luận.

Vị chuyên gia này cũng khái quát: kinh tế vĩ mô ổn định môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ, chính là ba nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập tốt, chứ không phải các chính sách ưu đãi nào khác của Nhà nước.

Kiếm lời không phải việc Nhà nước


Theo ông Lịch, Chính phủ nên hạn chế thấp nhất việc bảo lãnh tín dụng, cho vay lại từ nguồn vay của ngân sách đối các dự án đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước, xóa bỏ cơ chế ưu đãi bù giá cho doanh nghiệp như giá điện chẳng hạn.

"Chúng ta cần giảm dần việc đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án bằng sự nhận xét chủ quan của mình, mà để chức năng đó cho thị trường" là những dòng chữ được in nghiêng tại bản tham luận.

Tác giả tham luận cũng cho rằng, đối với các dự án đầu tư cần thiết cho nền kinh tế, nhưng hiệu quả tài chính thấp, thì Nhà nước hỗ trợ theo phương thức tài trợ một phần, dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng chịu trách nhiệm huy động vốn là của chính doanh nghiệp.

Nhà nước chỉ nên bảo lãnh một phần tín dụng đối với các dự án đầu tư dưới hình thức hợp tác công - tư (PPP), như một sự bù đắp một phần chi phí dự án và thực hiện chính sách thuế ưu đãi cao nhất đối với loại hình đầu tư này, ông Lịch gợi ý.

Để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng trước hết cần nhận thức lại chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước phù hợp với thuộc tính của cơ chế thị trường.

Nhà nước theo đuổi mục tiêu phát triển của quốc gia, chứ Nhà nước không theo đuổi mục tiêu kinh doanh kiếm lời. Kinh doanh kiếm lời là chuyện của thị trường, ông Lịch kiên trì bày tỏ quan điểm đã được thể hiện ở một số phát biểu trong các diễn đàn trước.

Theo quan điểm của ông, thu hẹp lãnh vực hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước hiện nay chính là tạo điều kiện để thị trường phân bố có hiệu quả các nguồn lực phát triển và tạo lập đầu tư kinh doanh bình đẳng.