Chung tay hướng tới nền kinh tế biển xanh bền vững và có khả năng chống chịu
Phục hồi và xây dựng tốt hơn sau đại dịch Covid-19 vì một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu với khí hậu...
Đây là một trong những định hướng trong tuyên bố chung của đồng chủ tịch Hội nghị quốc tế về Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu: Giải pháp cho nền kinh tế biển xanh có khả năng chống chịu.
Diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/5 tại Hà Nội, Hội nghị do Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Na Uy và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tổ chức. Hội nghị tập trung vào 5 chủ đề chính: Phục hồi Kinh tế Biển xanh hậu Covid-19 và hướng tới nền kinh tế đại dương xanh và bền vững; Quy hoạch không gian biển, xây dựng các thành phố ven biển và hạ tầng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; Chống ô nhiễm biển và rác thải nhựa đại dương; tài chính cho khí hậu và các đại dương…
NHẬN DIỆN NHỮNG NGUY CƠ ĐE DỌA “SỨC KHỎE” ĐẠI DƯƠNG
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng nhấn mạnh mối quan tâm chung trong phát triển và bảo tồn các nguồn lực cho kinh tế biển xanh bền vững có khả năng chống chịu, đảm bảo quản trị đại dương dựa trên quy tắc. “Sức khoẻ của các đại dương trên thế giới là rất quan trọng đối với tương lai chung của nhân loại, vì đại dương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo và thịnh vượng xã hội, an ninh lương thực, sinh kế và việc làm ở nhiều quốc gia”.
Các Bộ trưởng tái khẳng định luật pháp quốc tế, được phản ánh trong Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) và Công ước về Đa dạng sinh học (CBD 1992), cung cấp khung pháp lý cho việc bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và tài nguyên từ đại dương.
Cùng với các tác động sâu sắc, rộng lớn và ngày càng tăng của biến đổi khí hậu đối với đại dương và kinh tế biển xanh, các Bộ trưởng cũng ghi nhận những tác động của Covid-19 lên các ngành trọng yếu của kinh tế biển xanh, gồm giao thông, du lịch, vận tải biển, khai thác và sản xuất thủy sản, và nhấn mạnh sự cần thiết phục hồi xanh bền vững và bao trùm.
Các Bộ trưởng nhận thấy sự suy giảm nhanh chóng của sức khỏe đại dương và biến đổi khí hậu là những thách thức đặc biệt nghiêm trọng với các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển, các quốc gia thành viên của Diễn đàn dễ bị tổn thương do khí hậu, các nước kém phát triển cũng như nhiều nước đang phát triển có thu nhập trung bình và có nhiều nước phụ thuộc rất nhiều vào sử dụng bền vững nguồn tài nguyên do đại dương và các vùng ven biển cung cấp cho sinh kế, tăng trưởng phát triển kinh tế…
Một thách thức đe dọa đại dương cũng được chỉ ra chính là mức độ ô nhiễm chất thải nhựa gia tăng rất nhanh trong các thập kỷ gần đây
CÁC ĐỊNH HƯỚNG VÌ MỘT NỀN KINH TẾ BIỂN BỀN VỮNG
Trong bối cảnh đó, tuyên bố chung đã nêu rõ những định hướng quan trọng nhằm phát triển nền kinh tế biển xanh bền vững có khả năng chống chịu. Các Bộ trưởng xác định sự cần thiết với tất cả các bên liên quan tham gia giải quyết những vấn đề ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và toàn cầu, trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) với các hành động ưu tiên.
Qua 2 ngày làm việc đã giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển xanh bền vững có khả năng chống chịu trước các thách thức và rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu.
Trước hết là phục hồi và xây dựng tốt hơn sau đại dịch Covid-19 vì một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu với khí hậu. Tuyên bố cũng nhấn mạnh hành động ưu tiên giải quyết các rủi ro an ninh liên quan đến khí hâu; quy hoạch không gian biển, các đô thị và hạ tầng ven biển chống chịu với biến đổi khí hậu; bảo vệ đại dương, chống ô nhiễm biển bao gồm ô nhiễm nhựa; Đảm bảo công bằng giới và tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng dễ bị tổn thương. Đồng thời tiếp cận nguồn tài chính hiệu quả, công bằng, đầy đủ để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm hỗ trợ nền kinh tế xanh bền vững và phục hồi.
Nền kinh tế biển xanh bền vững phụ thuộc vào việc phát huy toàn bộ tiềm năng kinh tế của các đại dương theo phương pháp quản lý tổng hợp, bảo vệ và bảo tồn tài nguyên đại dương cho các thế hệ tương lai. Thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự lãnh đạo hiệu quả và các nỗ lực tổng hợp với sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân nhấn mạnh: “Qua 2 ngày làm việc đã giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển xanh bền vững có khả năng chống chịu trước các thách thức và rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu”.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cũng nêu rõ 5 cam kết được đưa ra qua hội nghị. Một là, kiến tạo chính sách và môi trường pháp lý quốc tế cho một nền kinh tế biển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt với các nước và các bên liên quan dễ bị tổn thương.
Hai là, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu toàn diện do Liên hợp quốc quản lý về tác động đa chiều của biến đổi khí hậu, của nước biển dâng, của rác thải nhựa nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách ứng phó toàn cầu.
Ba là, giải quyết các thách thức và rủi ro an ninh liên quan đến biến đổi khí hậu thông qua thúc đẩy và xây dựng các cơ chế hợp tác an ninh toàn cầu và khu vực thiết thực và hiệu quả, có tính đến các yếu tố về kinh tế, xã hội, tâm lý, giới và các khía cạnh khác.
Bốn là, tăng cường khả năng phục hồi phát triển kinh tế biển bền vững sau covid-19 và khả năng thích ứng của các quốc gia, cộng đồng và các bên liên quan dễ bị tổn thương để xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển quan trọng như giao thông vận tải biển, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, Du lịch biển/ven biển, và các nguồn năng lượng tái tạo.
Năm là, khuyến khích đầu tư, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ biển, chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo biển xanh mới và giám sát quản lý sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, nâng cao nhận thức, sự tham gia rộng rãi của các bên trong xây dựng quyết định và chính sách về kinh tế biển bền vững.