Việt Nam hiểu rõ giá trị của phát triển kinh tế đại dương bền vững
Là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của nước biển dâng, Việt Nam hiểu rõ giá trị của phát triển kinh tế đại dương bền vững, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu. Việt Nam sẽ nỗ lực hợp tác cùng các quốc gia trong giải quyết và ứng phó với các thách thức toàn cầu vì một biển xanh và nền kinh tế bền vững...
Phát biểu khai mạc “Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu” chiều 12/5/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, đại dương đang đứng trước những nguy cơ rất nghiêm trọng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hoạt động khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường biển và các rủi ro khác.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, những nguy cơ này diễn biến ngày càng nhanh và khó lường. Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng, nếu không có các hành động kiên quyết và mạnh mẽ kịp thời để bảo vệ đại dương tốt hơn, nhiều vùng đảo và vùng biển cùng các hệ sinh thái tự nhiên trên hành tinh sẽ biến mất vào năm 2100 do mực nước biển dâng. Đây là thách thức vô cùng lớn đối với nhiều quốc gia, dân tộc.
Vì vậy, phát triển kinh tế đại dương bền vững, hạn chế và thích ứng với biến đổi khi hậu là mệnh lệnh của tất cả chúng ta, thể hiện mối quan tâm chung của nhân loại. Điều này chỉ có thể đạt được trên cơ sở hợp tác, đoàn kết toàn cầu, tôn trọng chủ quyền và lợi ích của mỗi quốc gia, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Phó Thủ tướng mong muốn, các quốc gia quan tâm chung tay hành động vì nhân loại cũng như sự sống trên Trái đất. Theo đó, các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để thể hiện trách nhiệm của mình vì sự phát triển bền vững kinh tế đại dương. Đây không chỉ là trách nhiệm đối với sự sinh tồn của cộng đồng dân cư của mỗi quốc gia mà còn là trách nhiệm đối với sự tồn vong của hệ sinh thái biển, của thiên nhiên, nơi nắm giữ chìa khóa dẫn tới sự thịnh vượng của nhân loại.
Nhấn mạnh ô nhiễm môi trường biển, rác thải nhựa đại dương là vấn đề cấp bách toàn cầu, Phó Thủ tướng cho rằng cần thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về rác thải nhựa đại dương từ phạm vi quốc gia, khu vực và toàn thế giới; từ đó khắc phục bằng được những thách thức trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương ở quy mô toàn cầu trong giai đoạn tới.
Trong quản lý bền vững tài nguyên và các hoạt động trên biển như nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, vận tải biển, du lịch biển, ven biển, phát triển năng lượng dựa vào đại dương phải dựa trên cơ sở công nghệ kỹ thuật biển xanh, tiên tiến và hiện đại, nhất là sự hợp tác hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng, các quốc gia phát trển cần có trách nhiệm hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm quản lý và chuyển giao công nghệ. Các quốc gia đang phát triển cần phấn đấu sớm nắm vững khoa học kỹ thuật biển xanh và tiếp cận quản lý để cùng nhau tiến ra biển với một tâm thế bình đẳng, cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu của biển và đại dương.
Là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của nước biển dâng, Việt Nam hiểu rõ giá trị của phát triển kinh tế đại dương bền vững, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu để vừa đảm bảo phục lợi tốt hơn cho mọi người dân, vừa làm tròn nghĩa vụ bảo vệ biển và đại dương cùng cộng đồng quốc tế cho các thế hệ mai sau. Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ nỗ lực hợp tác cùng các quốc gia trong giải quyết và ứng phó với các thách thức toàn cầu vì một biển xanh, trong lành và một nền kinh tế bền vững.
Theo ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm của một thành viên tích cực trong Cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia và các đối tác chia sẻ tri thức khoa học, kinh nghiệm, nguồn lực và các sáng kiến quản lý tổng hợp vì một nền kinh tế biển xanh bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/5, Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Ngoại giao Na Uy chủ trì với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết kế hoạch đồng tổ chức Hội nghị quốc tế về “Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu: Giải pháp cho nền kinh tế biển xanh có khả năng chống chịu” đã lên kế hoạch tổ chức trong năm 2020. Tuy nhiên, sự kiện quan trọng này đã phải hoãn đến hôm nay do tác động của đại dịch Covid-19.
Với chủ đề “Giải pháp cho một nền kinh tế biển bền vững và có khả năng chống chịu” hội nghị thảo luận các cơ hội chính trong thúc đẩy, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển cũng như các thách thức chính của khủng hoảng Covid-19, biến đổi khí hậu và ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương; xác định cơ hội thúc đẩy hành động bảo vệ các hệ sinh thái biển với mục tiêu phục hồi kinh tế biển và phát triển kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu của các cộng đồng và quốc gia dễ bị tổn thương.
Các nước cũng trao đổi kinh nghiệm, thực tiễn tốt và kết quả nghiên cứu nhằm đẩy mạnh chia sẻ kiến thức về kinh tế biển bền vững thành công, các chiến lược và hành động thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội nghị là diễn đàn huy động hợp tác quốc tế thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế biển Việt Nam.