10:45 24/03/2008

"Chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp tham gia làm luật"

Nam Dương

"Khi đưa ra một điều luật, việc đầu tiên chúng tôi làm là tự hỏi luật này ban hành có giúp ích được cho doanh nghiệp hay không"

Bà Natalie Shirley, Bộ trưởng Thương mại và Du lịch bang Oklahoma, Mỹ.
Bà Natalie Shirley, Bộ trưởng Thương mại và Du lịch bang Oklahoma, Mỹ.
Chính phủ Mỹ cùng với các tổ chức Việt Nam và Mỹ hiện đang tài trợ tổ chức một loạt hội thảo ở Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.HCM, tập trung vào các vấn đề quản trị doanh nghiệp và các chiến lược khuyến khích tư duy kinh doanh và các kỹ năng lãnh đạo doanh nghiệp.

Tham gia vào nỗ lực này có các thành viên đến từ bang Oklahoma (Mỹ). Dưới đây là cuộc trao đổi của chúng tôi với bà Natalie Shirley, Bộ trưởng Thương mại và Du lịch bang Oklahoma, về vấn đề vai trò của chính quyền địa phương đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Là một trong những diễn giả chính tại hội thảo về quản trị tốt và phát triển doanh nghiệp, bà đã chia sẻ những kinh nghiệm gì cho các đại biểu tham dự?

Cử tọa chủ yếu là doanh nhân nên chúng tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm làm sao để chính quyền hoạt động hiệu quả nhất khi giúp đỡ các doanh nghiệp. Bởi vì với mỗi một doanh nghiệp, họ đều có những mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Vậy thì chính quyền phải thay đổi, làm như thế nào để giúp đỡ doanh nghiệp thể hiện tính hiệu quả cao nhất.

Theo tôi, chính quyền địa phương có vai trò quan trọng trong phát triển doanh nghiệp. Vì liên quan đến việc cung cấp cơ sở hạ tầng điện, nước phục vụ cho doanh nghiệp, đồng thời cũng liên quan đến bảo vệ doanh nghiệp.

Một chức năng quan trọng nữa là cung cấp thông tin đầy đủ, cần thiết nhất cho các doanh nghiệp.

Tuy vậy, tôi cũng lưu ý một điều là: tuy chức năng của chính quyền địa phương rất quan trọng nhưng có nhiều việc họ không thể thay thế cho doanh nghiệp, mà chính doanh nghiệp phải tự làm. Điều tôi muốn nhấn mạnh là việc xây dựng chương trình hợp tác giữa chính quyền với các doanh nghiệp phải đảm bảo để cả hai bên đều đóng góp công sức của mình theo một tinh thần hợp tác chung.

Bà vừa đề cập đến việc chính quyền cần thay đổi để giúp đỡ doanh nghiệp. Vậy thì chính quyền cần thay đổi như thế nào? Bà có thể đưa lời khuyên cụ thể gì cho trường hợp các doanh nghiệp của Việt Nam?

Một trong những ví dụ liên quan đến luật. Nói chung, chính quyền nào cũng thế, họ cũng muốn kiểm soát, quản lí bằng việc đưa ra các điều luật.

Nhưng khi chúng tôi đưa ra một điều luật, việc đầu tiên chúng tôi làm là tự hỏi luật này ban hành có giúp ích được cho doanh nghiệp hay không, có làm tốt hơn cho các dịch vụ của doanh nghiệp đưa ra hay không, có thể tạo ra được lợi ích gì cho doanh nghiệp hay không. Nếu như không trả lời được những câu hỏi cơ bản như vậy thì cần xem xét lại luật đó.

Một điều nữa tôi cũng muốn đề cập là chúng tôi rất muốn lắng nghe các doanh nghiệp. Và để lắng nghe các doanh nghiệp thì các doanh nghiệp cũng phải nói. Nếu doanh nghiệp không nói thì chúng tôi không biết doanh nghiệp cần gì.

Cho nên một điều nữa là chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào đối thoại, tham gia vào quá trình làm luật của chúng tôi. Họ phải cho biết ý kiến cái gì là tốt cho môi trường kinh doanh chung của tất cả mọi người, không phải nói cái gì tốt cho bản thân một doanh nhân. Chỉ làm như vậy chính quyền địa phương mới biết họ phải làm gì cho doanh nghiệp.

Để thay đổi tình hình, theo bà, chính quyền địa phương phải là người đi đầu hay là doanh nghiệp đi đầu?

Tôi không muốn nói đến từ “tuỳ thuộc” nhưng trong trường hợp này cũng buộc phải nói rằng điều đó còn tuỳ thuộc vào từng vấn đề. Chẳng hạn như có những vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng thì chính quyền phải đi đầu. Cụ thể là trong trường hợp muốn chuyển dây điện mắc trên không xuống lòng đất cần có mối quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp điện-nước và chính quyền thành phố.

Các doanh nghiệp tất nhiên không phải bắt buộc nhưng họ nói rằng không thể làm tốt, không thể đưa thêm các doanh nghiệp khác vào Hà Nội làm việc với cơ sở hạ tầng như thế này. Nếu như doanh nghiệp nói vấn đề đó một cách rõ ràng, rành mạch, quyết liệt thì chính quyền địa phương cũng phải nghe theo.

Từ trước tới nay hợp tác giữa bang Oklahoma với Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dầu khí và đào tạo. Trong thời gian tới, bang Oklahoma sẽ tiếp tục củng cố quan hệ trong những lĩnh vực truyền thống này hay mở rộng sang các lĩnh vực khác nữa?

Có 3 lĩnh vực chúng tôi sẽ tập trung trong thời gian tới. Thứ nhất là lĩnh vực công nghệ, thứ hai là sinh học và thứ ba là nông nghiệp. Một điều nữa chúng tôi cũng quan tâm, đó là hiện nay quan hệ giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp ở Mỹ đã rõ ràng nhưng ở Việt Nam vẫn còn mới. Việt Nam đang so sánh các mô hình khác nhau để tìm ra con đường của riêng mình.

Do đó, chúng tôi muốn biết trong thời gian tới Việt Nam sẽ giải quyết những vấn đề thách thức của Việt Nam như thế nào? Bởi vì giải quyết những thách thức hiện nay của Việt Nam sẽ cung cấp những kinh nghiệm quý báu với bản thân tôi và Oklahoma.