10:11 21/12/2022

Chương trình Khởi nghiệp quốc gia 2023: Xây dựng đội ngũ doanh nhân sáng tạo trong tương lai

Vũ Khuê

Thanh niên là động lực chính cho sự thay đổi tích cực, họ có năng lượng, ý tưởng mới để tạo ra các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của đất nước và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững…

Nhiều dự án khởi nghiệp được trưng bày, giới thiệu tại Chương trình.
Nhiều dự án khởi nghiệp được trưng bày, giới thiệu tại Chương trình.

Phát biểu khai mạc “Diễn đàn Khởi nghiệp Quốc gia 2022 - Festival Khởi nghiệp 2023” ngày 20/12, ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát gia tăng nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang khởi sắc.

NHỮNG BƯỚC TIẾN VƯỢT BẬC

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2022, cả nước có 137.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 32,2 % so với năm trước.

Đặc biệt, năm 2022, hoạt động khởi nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước, các trường đại học, cao đẳng được quan tâm, chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở.

Kết quả Chương trình Phát triển Dự án Khởi nghiệp 2022 cho thấy, ngoài các dự án công nghệ, điểm mới của các dự án khởi nghiệp năm nay đã tập trung hướng đến phát triển bền vững thông qua việc áp dụng các mô hình phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần giải quyết các thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu.

Đồng tình bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho rằng năm 2022 hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể và tăng được 5 bậc để vươn lên vị trí thứ 54 trên chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu mới.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam.

Trong 9 tháng năm 2022, Việt Nam đã nhận được tổng cộng 494.000.000 USD vốn đầu tư mạo hiểm. Những con số ấn tượng này không chỉ chứng minh các tiềm năng của công ty khởi nghiệp Việt Nam mà còn thể hiện sự quan tâm to lớn mà các nhà đầu tư dành cho thị trường Việt Nam.

Cũng theo đại diện UNDP, cho đến nay, chương trình khởi nghiệp có sự tham gia của hơn 400 doanh nhân trẻ và 150 cố vấn đã tham gia đến từ 29 tỉnh thành và đã qua các lớp đào tạo. 45 công ty đào tạo đã được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật thông qua các chương trình hỗ trợ đổi mới… Cùng với đó, hơn 700 doanh nhân trẻ đã tham gia vào các cuộc đối thoại chính sách của địa phương, quốc gia và quốc tế.

“Năm 2019 Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh của Youth CO:LAB và chào đón hơn 400 khách mời đến từ hơn 20 quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. 2022 giai đoạn hậu Covid-19, chúng tôi cũng tự hào khi thấy 3 công ty khởi nghiệp tạo tác động đến từ Việt Nam…”, đại diện UNDP bày tỏ vui mừng.

Đánh giá cao hiệu quả Chương trình, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã triển khai nhiều đề án, chương trình thúc đẩy khởi nghiệp và đã thu được các kết quả tầm quốc gia.

Nổi bật như năm 2022, Việt Nam tiếp tục duy trì chỉ số đổi mới sáng tạo xếp thứ 48 (nằm trong 50 quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo) duy trì từ năm 2017 đến nay, đứng thứ 2 trong số 36 nước có mức thu nhập trung bình thấp và là một số ít quốc gia đang trong quá trình tự tạo ra các sản phẩm đổi mới sáng tạo riêng của quốc gia mình.

Để Việt Nam thực hiện được mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển 10 năm 2021-2030, ông Nguyễn Đức Hiển giao nhiệm vụ, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, trong đó có hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia nói chung.

KHỞI NGHIỆP KHÔNG CHỈ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU KINH TẾ MÀ CÒN GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Phát động Chương trình Khởi nghiệp quốc gia 2023, ông Bùi Trung Nghĩa cho rằng, hoạt động khởi nghiệp đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo trong năm 2023 sẽ gặp nhiều thách thức khi chứng kiến sự sụt giảm trên toàn cầu về dòng vốn đầu tư mạo hiểm và những thách thức của nền kinh tế nước ta trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu về vốn và nguồn lực cho phát triển.

Phát động Chương trình Khởi nghiệp quốc gia 2023.
Phát động Chương trình Khởi nghiệp quốc gia 2023.

Tuy nhiên, với thị trường gần 100 triệu dân, với độ mở hội nhập của nền kinh tế cao, tăng trưởng ổn định ở mức 6-6,5% (không tính 2 năm 2020 và 2021 do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19) và nằm trong khu vực Đông Nam Á phát triển năng động, Việt Nam vẫn đang được coi là thị trường hấp dẫn đối với các dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Mặt khác, với sự tiến bộ nhanh chóng trong ứng dụng tri thức, khoa học và công nghệ, tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ cùng với những nỗ lực của Chính phủ và các ban, bộ, ngành trong việc đưa ra các chính sách, giải pháp cho cộng đồng, xã hội và thị trường sẽ là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo.

“Bước sang năm 2023, Chương trình Khởi nghiệp quốc gia sẽ hợp tác chặt chẽ với các bộ ban ngành, tổ chức quốc tế để hỗ trợ các địa phương, trường đại học - cao đẳng trên toàn quốc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở… Mở ra nhiều cơ hội khởi nghiệp mới, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân sáng tạo trong tương lai”, ông Nghĩa khẳng định.

Nhấn mạnh tới những “đòn bẩy” trong khởi nghiệp, bà Phạm Thu Trang, quản lý dự án Youth Co:Lab UNDP Việt Nam nhìn nhận, theo số liệu mới nhất của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, nước ta có hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước và gần 36% lực lượng lao động. Việt Nam đang trong giai đoạn "dân số vàng" với đội ngũ lao động đông đảo, tiếp thu nhanh chóng các tiến bộ phát triển của thế giới… đây chính là sức mạnh cho khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai rất nhiều chương trình, đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nói riêng và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung. Dự án Youth Co:lab và UNDP Việt Nam chung tay hỗ trợ, đồng hành cùng người Việt trẻ khởi nghiệp để các dự án khởi nghiệp không chỉ đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội hiện nay, hướng đến hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.