11:07 16/06/2022

Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh cần hơn 70 nghìn tỷ đồng

Chu Khôi

Tổng cục Lâm nghiệp đề ra mục tiêu đến năm 2030 có thể bảo tồn diện tích có phân bố sâm tự nhiên trong rừng tự nhiên với khoảng 200.000ha tại 7 tỉnh. Cùng với đó, hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tại 4 tỉnh với diện tích 27.000ha, sản lượng khai thác sâm đạt 500-700 tấn/năm…

Sâm Ngọc Linh cho giá trị kinh tế cao.
Sâm Ngọc Linh cho giá trị kinh tế cao.

Cây Sâm Ngọc Linh và sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh chưa có định hướng cụ thể, hiện mới chỉ được khai thác như một đối tượng kinh tế chứ chưa được nhìn nhận như một "quốc bảo" là thực trạng được các đại biểu nêu lên tại hội thảo xây dựng “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức chiều 15/6, tại thành phố Tam Kỳ.

HÌNH THÀNH VÙNG TRỒNG SÂM TẬP TRUNG TẠI 4 TỈNH

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết sâm Việt Nam (còn gọi là sâm Ngọc Linh) là loại dược liệu quý, hiếm với những công dụng đặc biệt mà ít loài cây dược liệu khác có được. Đến thời điểm hiện nay, một số địa phương đã nuôi trồng, phát triển sâm, trong đó chủ yếu là sâm Ngọc Linh như tỉnh Quảng Nam và Kon Tum với diện tích hơn 6.000ha.

“Hoạt động gây trồng, phát triển sâm bước đầu đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, cải thiện hạ tầng, góp phần xây dựng nông thôn mới”, ông Bảo nhấn mạnh.

Đến nay, một số doanh nghiệp cũng đã tập trung chế biến, đa dạng hóa sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ sâm. Tuy nhiên, việc gây trồng, chế biến, tiêu thụ sâm nhìn chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như thiếu quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng, thiếu cơ sở sơ chế biến sâu, công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu còn hạn chế.

Nhằm nâng cao giá trị cho cây sâm Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc xây dựng “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045”.

Theo dự thảo Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 do Tổng cục Lâm nghiệp soạn thảo, đề ra mục tiêu chung là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia gắn với sử dụng bền vũng tài nguyên rừng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương.

 

"Dự tính tổng nhu cầu vốn dự kiến thực hiện Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng 2045 cần 70.600 tỉ đồng. Trong đó nguồn xã hội hóa khoảng 60.154 tỉ đồng".

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.

Đến năm 2030, có thể bảo tồn diện tích có phân bố sâm tự nhiên trong rừng tự nhiên với diện tích khoảng 200.000ha tại 7 tỉnh. Cùng với đó, hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tập trung tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai và tỉnh Lai Châu với diện tích 27.000ha.

Trong đó, diện tích sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai là 25.900ha, sâm Lai Châu là 800ha. Về giống, cung cấp được tối thiểu 80% giống cây sâm Việt có chất lượng đạt chuẩn, trong đó có ít nhất 50% cây giống được nhân từ mô nhằm tạo ra đột phá mới về năng suất, chất lượng.

Chương trình được thiết kế 6 dự án thành phần gồm: Điều tra, đánh giá, phân vùng bảo tồn sâm gắn với bảo vệ, phát triển rừng; Phát triển vùng nguyên liệu gây trồng, phát triển sâm tập trung; Nghiên cứu, phát triển, chọn giống; Thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm sâm Việt Nam bền vững và toàn diện theo chuỗi giá trị; Xây dựng phát triển thương hiệu, quảng bá thị trường, xúc tiến thương mại; Phát triển hạ tầng vùng trồng sâm gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi.

KHÔNG BÀY RA NHIỀU, KHÔNG DÀN TRẢI

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã nêu những khó khăn, vướng mắc khi phát triển cây sâm. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn tỉnh Kon Tum, cho biết có hơn 50% diện tích quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh ở Kon Tum nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng. Do đó, việc phát triển sâm Ngọc Linh còn nhiều hạn chế vì Luật Lâm nghiệp 2017 không cho phép tác động vào rừng đặc dụng.

 

"Hiện nhiều sản phẩm sâm giả đã xuất hiện trên thị trường làm ảnh hưởng đến danh tiếng, thương hiệu của loại cây này. Thêm nữa, vốn đầu tư để phát triển sâm Ngọc Linh cũng rất lớn, để đầu tư trồng với diện tích 1 ha ước tính kinh phí lên đến hàng tỷ đồng nên người dân không đủ tiền đầu tư".

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Liên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh, cho rằng khi được gọi là "quốc bảo", cây sâm Ngọc Linh không còn chỉ là một đối tượng cây trồng đơn thuần trong danh mục trồng trọt của ngành nông nghiệp nữa, mà nó phải được đối xử đặc biệt và được bảo vệ đặc biệt.

Thế nhưng, theo bà Liên, hiện nay cây sâm Ngọc Linh mới chỉ đang được khai thác như một đối tượng kinh tế chứ chưa được nhìn nhận như một "quốc bảo" mang trong mình sứ mệnh chuyên chở hàm lượng tri thức bản địa, sự hội tụ đa dạng sinh học tinh hoa đất trời nước Việt Nam.

Do đó, bà Liên kiến nghị, nguồn gen giống gốc Sâm Ngọc Linh bản địa cần phải được bảo tồn để không bị lai tạp. Cần nhanh chóng xây dựng một chiến lược thương hiệu quốc gia cho Sâm Ngọc Linh, khuyến khích và đầu tư nguồn lực Nhà nước cho việc ra đời những siêu phẩm chiết xuất, chế biến từ Sâm Ngọc Linh có giá trị và công dụng vượt trội; có chính sách khuyến khích các hoạt động nghiên cứu ứng dụng… Đồng thời, trước khi mở rộng vùng trồng cây sâm Ngọc Linh cần phải xây dựng hồ sơ lý lịch tư pháp và sinh học đặc biệt được số hóa và mã hóa cho loại cây này. 

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh  Quảng Nam, cho hay đến nay, 20 doanh nghiệp và người dân đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh ở tỉnh Quảng Nam với trên 1.600 ha. Tuy vậy, việc phát triển cây Sâm Ngọc Linh và sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh chưa có định hướng cụ thể, chưa tạo ra sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực.

Ông Tích kiến nghị Trung ương sớm ban hành chương trình phát triển sâm Ngọc Linh, có cơ chế, chính sách riêng đủ mạnh về tín dụng đầu tư trong lĩnh vực sâm Ngọc Linh nói riêng và các loại dược liệu khác. 

Bên cạnh đó có những cơ chế thu hút các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sâm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, cơ sở pháp lý để xác nhận cây Sâm Ngọc Linh hiện trồng ở Quảng Nam là Sâm nuôi trồng nhân tạo (không phải là sâm tự nhiên trong phụ lục của CITES).

Nhận định việc xây dựng Chương trình phát triển sâm Việt Nam không phải dễ, đặc biệt là đối với đối tượng sâm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng đây chỉ là bước đầu, còn rất nhiều việc phải làm. Do đó, đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp tới đây phải đi thực tiễn ở các địa phương khảo sát chi tiết các vấn đề như giống, thu hoạch, chế biến, bảo quản để đưa vào các tiểu dự án, hợp phần.

Về nguồn vốn, chính sách, Thứ trưởng Doanh yêu cầu phải sát, phải thật, không bày ra nhiều, dài trải. Đồng thời, phải hình thành nhóm hoạt động gồm các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và mời cả Bộ Y tế tham gia. Thêm nữa là phải tham vấn Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có sự đồng thuận, ủng hộ, và xây dựng chương trình mang tính khả thì để trình Thủ tướng phê duyệt.

"Việc phát triển thương hiệu Sâm Việt Nam phải bám sát yêu cầu là thương hiệu quốc gia, có giá trị vượt trội, ưu việt; tiếp tục thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có tiềm lực, công nghệ, kinh nghiệm tham gia trồng, chế biến Sâm; khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết, trong đó có liên kết, hợp tác với nông dân, bảo đảm sinh kế cho người dân”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.